Ủy viên Quốc vụ viện Vương Long đã kêu gọi dồn toàn lực nâng cao khả năng dự báo và ứng phó khẩn cấp trước mưa lũ để đảm bảo an toàn cho người dân.
Ông Vương cũng là người đứng đầu Cơ quan Phòng chống Lũ lụt và Hạn hán Trung Quốc. Ông đã đưa ra những nhận xét trên trong chuyến thăm một số thành phố của tỉnh Giang Tây, phía Đông Trung Quốc, trong các ngày 6-7/7. Mục đích chuyến thăm của ông Vương là giám sát công tác kiểm soát lũ và cứu trợ thảm họa ở lưu vực sông Trường Giang.
Ông Vương lưu ý rằng công tác kiểm soát lũ ở lưu vực sông Trường Giang đang ở trong tình trạng nghiêm trọng. Ủy viên Quốc vụ viện kêu gọi giám sát chặt chẽ thời tiết và dấu hiệu của mưa lũ, đồng thời cải thiện năng lực ứng phó để điều hướng an toàn trong mùa lũ, theo Tân Hoa Xã.
Đập Tam Hiệp mở 3 cổng xả lũ để giảm tác động của lũ đối với các vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử |
“Các nhà chức trách nên đưa ra cảnh báo sớm và sơ tán kịp thời người ở khu vực bị ảnh hưởng, cũng như thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn hiệu quả và trật tự”, ông Vương nói.
Mưa lũ ở Trung Quốc trong những tuần qua đã khiến ít nhất 121 người thiệt mạng hoặc mất tích, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của 20 triệu dân sinh sống dọc sông Trường Giang.
Nhiều địa phương đã nâng mức ứng phó với mưa lũ giữa lúc mực nước các sông và hồ tiếp tục tăng cao và cơ quan khí tượng dự báo mưa lớn vẫn tiếp diễn.
Khoảng 8h sáng ngày 7/7, Cơ quan khí tượng thủy văn Vũ Hán đã đưa ra cảnh báo đỏ về tình trạng mưa lũ tại địa phương lên mức cao nhất khi nước lũ tiếp tục dâng cao do mưa lớn kéo dài. Cảnh báo đỏ là cảnh báo cao nhất, trong thang 4 bậc cảnh báo tại Trung Quốc, tiếp đến là cảnh báo cam, vàng, xanh.
Vũ Hán nằm trên một nhánh của sông Trường Giang, ở hạ nguồn đập Tam Hiệp - đập thủy điện lớn nhất của Trung Quốc. Mực nước sông Trường Giang đoạn qua thành phố Vũ Hán tiếp tục dâng cao.
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã kéo theo tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại Vũ Hán, thành phố từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Mực nước tại trạm thủy văn Hán Khẩu tại đây đã lên mức báo động 27,3m, trong khi lưu lượng nước đổ về hồ chứa đập Tam Hiệp lên tới 50.000-53.000m3/giây.
Hôm 6/7, tỉnh Chiết Giang đã nâng mức ứng phó khẩn cấp từ cấp 4, mức thấp nhất trong thang 4 cấp, lên cấp 3. Cơ quan Khí tượng Trung Quốc dự báo có mưa lớn tại các thành phố Hàng Châu, Hồ Châu và Gia Hưng.
Giới chức cho biết mực nước của nhiều con sông trong khu vực đồng bằng chính của tỉnh Chiết Giang đã tăng vượt mức báo động, tính đến chiều 6/7.
Hôm 5/7, các tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc đã nâng mức ứng phó với lũ lụt lên cấp 3, trong khi tỉnh An Huy nâng mức ứng phó với mưa bão lên cấp 2.
Cục Khí tượng Trung Quốc hôm 6/7 tiếp tục phát đi cảnh báo “màu vàng”, mức thấp thứ hai trong thang 4 cấp, trước diễn biến mưa bão.
Global Times cho biết trong sáu tháng đầu năm, các thảm họa tự nhiên từ mưa lũ trên toàn quốc đã khiến 271 người thiệt mạng và mất tích, làm sập 19.000 ngôi nhà, gây thiệt hại kinh tế 11,5 tỷ USD, theo số liệu công bố ngày 6/7 của Bộ Quản lý Khẩn cấp.
Theo đại diện của Ủy ban Quản lý Nguồn nước Trường Giang Ninh Lôi, Trung Quốc có 40 hồ chứa với chức năng điều tiết dòng nước và ngăn lũ lụt. “Sau nhiều năm nỗ lực, lưu vực sông Trường Giang đã có hệ thống kiểm soát lũ toàn diện với xương sống là đập Tam Hiệp”, ông này cho biết.
Ông Ninh đưa ra ví dụ là Ủy ban nguồn nước Trường Giang đã điều chỉnh dòng nước chảy vào hồ chứa nước đập Tam Hiệp nhiều lần trong tuần qua để giảm sức ép đối với các vùng trung và hạ sông Dương Tử. Hôm 3/7, Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) cũng đã đưa tin đập Tam Hiệp đã mở 3 cổng xả lũ để giảm tác động của lũ đối với các vùng hạ lưu sông Dương Tử.
Song kỹ sư trưởng Phạm Tiêu của Cục Địa chất và Khoáng sản Tứ Xuyên cho rằng đập Tam Hiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách. Theo ông Fan Xiao, hiệu quả của hệ thống phòng chống lũ lụt phụ thuộc vào kết cấu từng đập và lượng mưa.
“ Nếu có lũ nghiêm trọng cùng với mưa to kéo dài, như đã xảy ra vào năm 1998, thì khó có thể nói các con đập sẽ có hiệu quả như thế nào”, ông Phạm nhận định, ý nhắc đến thảm họa lũ giết chết hơn 2.000 người năm 1998. “Những con đập này vận hành tốt, nhưng chúng ta chưa có những đợt kiểm tra thật sự”, ông Phạm nhấn mạnh, theo SCMP.
Cũng theo ông này, Trung Quốc nên hành động tích cực để tăng cường công tác phòng chống lũ lụt và lên kế hoạch hậu cần, sơ tán khi cần thiết.
Phóng viên (t/h)
Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống
Ngày đăng: 09:52 | 08/07/2020
/