Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Ngọc Đông: “Dự án này không ai được tất cả mà phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân”.
 

mot so binh luan ve du an bot cai lay tren cac bao
Trạm thu phí BOT Cai Lậy sáng 17-8 vắng lặng - Ảnh: LÊ PHONG (Báo Người Lao Động)

Ngày 18/8, Báo điện tử Zing đưa tin: “Kiến nghị kiểm điểm Bộ GTVT, Bộ Tài chính về sai sót BOT”. Nội dung bài báo viết: “Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT thuộc lĩnh vực giao thông. Theo đó, cơ quan này tiến hành thanh tra 7 dự án (5 dự án BOT, 1 dự án BT, 1 dự án kết hợp cả BOT và BT).

Đến tháng 9/2015, Bộ GTVT đã triển khai thực hiện 78 dự án đầu tư theo hình thức BT và BOT trong lĩnh vực giao thông với chiều dài khoảng 2.200 km, tổng mức đầu tư khoảng gần 219.000 tỷ đồng (trên 202.000 tỷ đồng là các dự án BOT).

Vẫn trên Báo điện tử Zing, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chỉ ra nhiều điểm bất cập tại các trạm BOT như: Công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán chưa chặt chẽ theo quy định pháp luật; Công tác thi công, nghiệm thu nhiều sai sót; Việc xác định phương án tài chính của dự án còn chưa hợp lý; Chất lượng dự án không đáp ứng được yêu cầu, quản lý chất lượng công trình bị buông lỏng; Công tác thu phí còn nhiều bất cập... Theo Đoàn giám sát, trách nhiệm trên kết luận của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ thuộc về Bộ GTVT và Bộ Tài Chính.

Trong cùng ngày, Báo điện tử Người Lao Động dẫn lời phản ứng Bộ GTVT của một vị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang: “Xuất phát từ việc kẹt xe các ngày cao điểm ở ngã tư huyện Cai Lậy nên UBND tỉnh có đề nghị Chính phủ và Bộ GTVT xem xét làm đường tránh qua huyện này. Tỉnh mong muốn có con đường tránh để giảm tải Quốc lộ 1 bằng tiền ngân sách nhưng không rõ vì sao sau đó Bộ GTVT kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT".

Vị lãnh đạo này khẳng định với Phóng viên Báo Người Lao Động: “Dự án này là của Bộ GTVT, tỉnh chỉ tham gia giai đoạn giải tỏa mặt bằng, các khâu còn lại từ vị trí đặt trạm thu phí, giá thu phí, chủ đầu tư là ai thì không biết. Đặc biệt, việc Bộ GTVT cho rằng tỉnh Tiền Giang đề nghị đưa thêm hạng mục "Tăng cường mặt đường Quốc lộ 1" vào dự án là hoàn toàn không có. Cả dự án này, Bộ GTVT và chủ đầu tư thực hiện chứ tỉnh không có đề nghị nào cả".

Trong một diễn biến khác, Báo điện tử VnExpress có bản tin: “Dự án tuyến tránh Cai Lậy ‘biến dang’ sau 8 năm”. Ông Huỳnh Văn Nguyện, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tiền Giang cho rằng biết quá ít thông tin về dự án, vì trước một ngày thu phí, chủ đầu tư mới họp công bố dự án.

"Thời gian quá ngắn, không đủ thông tin cho người dân mà cụ thể là các tài xế biết", ông Nguyện nói, và cho biết lẽ ra với những dự án tương tự nên khảo sát ý kiến của người dân và đánh giá tình hình có thể xảy ra. Theo phê duyệt ban đầu, tuyến tránh có 7 cầu, nhưng khi dự án hoàn thành, chỉ còn có 5 cầu. "Vậy chi phí 1.000 tỷ giảm xuống bao nhiêu? Từ đó, phải điều chỉnh tiền thu, thời gian thu phí", đại diện Hiệp hội Vận tải đặt vấn đề trên Báo VnExpress.

Vẫn trong bản tin của báo VnExpress, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH BOT đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang lý giải, quá trình giải phóng mặt bằng địa phương đã đề xuất chuyển đổi hai cầu thành cống. Việc điều chỉnh này được Bộ GTVT chấp thuận. Về quyết định thay đổi tên dự án, thêm phần sửa chữa quốc lộ, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể từ chối trả lời vì không còn làm ở Bộ, cho rằng mọi thông tin nằm ở Bộ GTVT.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, năm 2013 Quốc lộ 1 xuống cấp và ùn tắc nên Bộ lập dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy và cải tạo Quốc lộ 1. Hạng mục tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 được nâng cấp "đúng nghĩa là thảm mặt đường, xây dựng cầu chứ không chỉ vá lại đường".

Về vị trí đặt trạm thu phí nằm trên Quốc lộ 1, ông cho rằng đã được nghiên cứu kỹ, căn cứ vào phương án tài chính được chủ đầu tư lập, có lấy ý kiến các cơ quan, HĐND, đại biểu Quốc hội. Còn việc thay thế cầu bằng cống là yếu tố kỹ thuật, giảm chi phí bao nhiêu Bộ sẽ xem lại nhưng chắc chắn không tác động nhiều, không thay đổi thời gian thu phí.

Ông Đông khẳng định với Phóng viên Báo điện tử VnExpress, vị trí đặt trạm nằm trên dự án nên không có lý do gì phải thay đổi, còn kiến nghị của người dân địa phương thì sẽ dần được xử lý. Nếu di chuyển thì phương án tài chính đổ bể. Dự án này không ai được tất cả mà phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Ngày đăng: 15:54 | 18/08/2017

Đỗ Hưng (Tổng hợp từ VNE, Zing, Báo Người Lao Động /