Chuyện này vừa đau xót vừa phẫn nộ, đáng tiếc lại là chuyện không mới. Một chuyện đã không mới nghĩa là chuyện đã cũ, chuyện đã cũ nghĩa là chuyện đã được nói từ ngày này qua ngày khác.

Kỳ lạ thay, cái chuyện ấy nói mãi vẫn nóng hổi, nói mãi vẫn bức xúc, nói mãi vẫn không nguôi một nỗi niềm cảm xúc khó tả trong lòng nhân dân.

Chuyện một người làm quan.

1. Xưa thời phong kiến có câu, "Một người làm quan cả họ được nhờ". Nay, Giáo sư Đặng Hùng Võ trong buổi trao đổi trên Đài Truyền hình Kỹ thuật số kênh VTC1 thốt lên, "Một người làm quan cả họ làm quan".

Ông có nói thêm vài câu nữa, Ngô tôi không tiện trích dẫn bởi dẫu sao lời gan ruột cũng không hẳn thuận tai người nghe. Mà Ngô thì tài hèn sức mọn, phận mỏng manh như tơ nhện làm sao đủ sức gánh gồng.

Dư luận lại được một phen mãn nhãn với cái gọi là đề bạt người nhà đúng quy trình. Cô con gái của ông Bí thư một huyện ở Đắk Nông vừa tốt nghiệp đại học được sáu năm, đĩnh đĩnh đạc đạc trở thành Trưởng phòng Giáo dục của huyện này.

Hẳn nhiên, Trưởng phòng Giáo dục của một huyện có thể to có thể nhỏ tùy theo góc nhìn của từng cá nhân, điều đáng nói là cô Trưởng phòng ấy chưa một ngày tham gia giảng dạy lại cũng không biết tài năng kiệt xuất đến đâu đột ngột thống lĩnh quản lý cả nghìn giáo viên trong huyện. Không cần nói ra thì cũng hiểu các thầy cô giáo, các ban giám hiệu phản ứng như thế nào. Tuy nhiên, phản ứng là một chuyện còn đúng quy trình lại là một chuyện khác.

Mãi cho đến lúc ông Bí thư huyện được điều chuyển lên làm lãnh đạo một Sở, câu chuyện này mới bắt đầu được xét lại. Ông Bí thư huyện đương nhiệm trần tình là có ưu ái chứ không phải không có, cũng có người này nói cái kia người kia nói cái này chứ không phải không có. Nhưng mà, ông Bí thư trước cứ thúc quá nên thôi. Cuối năm vừa rồi, cô Trưởng phòng Giáo dục được chuyển sang làm Bí thư Huyện đoàn.

Thiệt ra thì Ngô tôi luôn ủng hộ những lãnh đạo trẻ, người trẻ thường nhiệt huyết và đầy hoài bão. Lợi thế của người trẻ là quyết đoán và ít biết sợ. Tuy nhiên, trên cương vị người quản lý thì kinh nghiệm là điều không thể nào thiếu được.

Quan trọng hơn, khi cất nhấc một người trẻ phải xét nhiều yếu tố. Như cái cô Trưởng phòng Giáo dục ấy, mới tốt nghiệp đại học hai năm về công tác ở phòng đã được đề bạt ngay làm Phó Phòng Giáo dục của huyện này thì làm sao không tạo ra sự phản cảm cho được.

Nhiều lúc cứ tưởng là chuyện gì cũng liền lạc như mây trời, tuyệt không tì vết, tuyệt không lỗ hổng. Thế nhưng, chuyện gì người ta cũng biết cả, chẳng qua là người ta không nói ra do sợ hãi, do con đường tiến thân, do chén cơm manh áo, do cuộc sống mưu sinh mà thôi.

Điều thật sự đáng buồn trong câu chuyện cô Trưởng phòng Giáo dục ấy chính là tư duy sốt ruột của ông Bí thư Huyện ủy, người mà cô Trưởng phòng Giáo dục gọi hai tiếng đầy thân thương "Bố đẻ".

Chính vì sự sốt ruột này, ông bố đẻ của cô với vị trí của mình đã cương quyết ấn cô vào cái vị trí ấy để bây giờ là những điều tiếng không tốt. Dĩ nhiên không chỉ tốt cho cô hay cho bố cô, mà điều tiếng ấy còn để lại sự không tốt khi nhân dân nhìn vào công tác tổ chức cán bộ, khi nhân dân nhìn vào quyết tâm dành chỗ cho người tài chứ không phải cho người nhà của Chính phủ.

Có một câu hỏi mà Ngô tôi luôn cảm thấy băn khoăn là có gì trong những vị trí quản lý ấy mà rất nhiều bậc thân sinh đã không quản nắng mưa bất chấp dư luận để ấn con em mình ngồi vào. Nếu không là con em thì cũng là họ hàng thân thích, cháu chắt dâu rể, vợ chồng vào đấy.

Đoan chắc nếu các vị trí mà họ ấn người thân của mình ngồi vào không màu mỡ thì họ ấn làm gì. Nhưng cán bộ Nhà nước thì ngoài lương ra phải kiếm màu mỡ để vinh thân phì gia bằng cách nào, chắc không cần nói thì quý độc giả đều đã hiểu.

Còn nếu khó hiểu quá có thể nhìn những chuyến tàu hoàng hôn người ta đã bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ cục ra sao thì sẽ thấy. Đời mà, bánh ít đi thì bánh quy lại, có ai cho không ai cái gì bao giờ đâu.

Mà giả có cho không thì cũng phải chịu ơn huệ, người ta đề bạt mình không lẽ sau này mình không dìu dắt ưu tiên người thân của họ lại. Giả mà người thân của họ không làm ở các vị trí do mình quản lý thì mình cũng phải biết cách giải quyết những chuyện mà sau này người đề bạt mình gọi điện thoại nhờ. Có ai nhờ chuyện dễ không, có ai nhờ chuyện hoàn toàn đúng luật không, cũng là có nhưng số này chắc ít thôi.

Cứ vậy dần dần hình thành nên một nhóm lợi ích. Khi mà nhóm lợi ích hình thành thì số đông bắt buộc phải chấp nhận những điều khó hiểu và kỳ lạ vẫn đang diễn ra ở hiện thực này thôi.

Ngô tôi đọc sách, thấy ghi chép những câu chuyện về các thiếu gia tập ấm, những cô bé cậu bé ăn chưa nên đọi nói chưa nên lời vẫn được ấn vào các vị trí quan trọng để nói có người nghe đe có người sợ nợ có người trả. Tưởng chuyện ấy đã vĩnh viễn trôi vào miền ký ức mơ hồ xa xăm nào đó khi cựu hoàng Bảo Đại thoái vị hồi năm nảo năm nào, ai ngờ đâu nhìn trường hợp của cô Trưởng phòng Giáo dục này lại thấy chuyện xưa cũng không khác chuyện nay là mấy.

Cảm thán mà thốt lên, "Lẽ nào lại đến mức này rồi hay sao?".

2. Thiếu tướng Phạm Lê Xuất, Phó chánh thanh tra Bộ Công an đánh giá gần đây có nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng liên quan đến kê khai tài sản. Một trong những bất cập lớn nhất là cơ chế kiểm soát việc kê khai cũng như thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Thiếu tướng đã nói một câu vô cùng chấn động, một câu nói như tiếng trống vọng vào lương tri của tất cả những ai yêu thương quốc gia này, "Nhiều người giải trình tài sản hình thành từ nuôi lợn nuôi gà".

Công tác kê khai tài sản của cán bộ lãnh đạo được thực hiện từ năm này qua năm khác, từ mùa này qua mùa khác, từ tháng này qua tháng khác đều đúng hết, đều cực ít phát hiện ra những trường hợp kê khai không trung thực. Vậy mà, nhân dân hết lần này đến lần khác mắt chữ U mồm chữ O khi chứng kiến khối tài sản đồ sộ của cán bộ lãnh đạo.

"Cán bộ sai thì phải điều tra, kết luận, xử lý. Tôi đã nhắc anh Sáu (Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu) là phải kết luận cho được vụ giám đốc sở để dư luận xấu như thế, làm hình ảnh rất xấu cho đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại phiên họp với 63 tỉnh thành vừa diễn ra vào đầu tháng Bảy này.

Ông Giám đốc Sở được đề cập đến chính là ông Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trưởng Tỉnh Yên Bái. Không kể lại câu chuyện biệt phủ được xây dựng từ 1,3 hecta đất lâm nghiệp chuyển đổi thành đất ở với 6 quyết định được thông qua trong cùng một ngày nữa, mà cái phản cảm nhất chính là khi ông Giám đốc Sở tranh thủ phân trần với báo giới về nguồn gốc hình thành nên khối tài sản đó.

Nào là ngày xưa băng rừng lội suối cực khổ mưu sinh, đan chổi chít rồi mở tiệm giày, kế đến là vay nợ ngân hàng hai mươi tỷ rồi mượn của bạn bè thân hữu. Phút chốc, ông Giám đốc Sở hiển hiện trong mắt đám đông hệt một ông chúa chổm.

Ngô tôi có gọi điện thoại tham vấn một chuyên gia phân tích tài chính của một ngân hàng, hỏi là nếu vay hai mươi tỷ thì tài sản thế chấp phải bao nhiêu. Chuyên gia này trả lời tài sản ít nhất phải có từ hai mươi lăm đến hai mươi tám tỷ.

Giả dụ gói vay là mười năm thì số nợ gốc và lãi phải trả trong những năm tháng đầu tiên của ông Giám đốc Sở này là ba trăm ba mươi ba triệu đồng. Nghĩa là, mắt nhắm mắt mở gì thì mỗi ngày ông Giám đốc Sở cũng phải xoay cho kỳ được hơn 10 triệu trả cho ngân hàng. Đó là chưa kể đến số tiền nợ mà ông này đã vay của bạn bè mà theo ông thì "cũng chưa trả được bao nhiêu".

Một cá nhân với món tiền phải trả mỗi tháng lên đến ba trăm ba mươi ba triệu đồng, thân lại là công chức Nhà nước thì lấy đâu ra thời gian suy nghĩ để phục vụ cho công việc, phục vụ cho cái chung.

Tiền nhân dạy rồi, "Thứ nhất vợ dại trong nhà/ Nhì thời nhà dột thứ ba nợ đòi" đó là tam đại khổ mà một cá nhân không may nhận lãnh. Vậy mà thân là giám đốc một sở lại vướng vào cái khổ thứ ba thì thử hỏi còn suy nghĩ được gì để phục vụ hay cống hiến nữa.

Đúng thật như Thủ tướng đã kết luận, "Làm hình ảnh rất xấu cho đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước". Vậy mà trước đó cả hệ thống chính trị của Tỉnh Yên Bái vẫn đoan chắc ông giám đốc sở rất xứng đáng cho vị trí được bầu chọn.

3. Không chỉ ông giám đốc sở này, bà Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã để lại ấn tượng không thể xấu hơn khi kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng chỉ rõ bà này với vị trí của mình đã hậu thuẫn cho nhiều sai phạm của công ty do chồng bà đứng tên như thế nào. Thậm chí, bà còn ký nhiều quyết định không thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

Còn nhiều lắm những câu chuyện một người làm quan tương tự như nãy giờ Ngô tôi vừa kể. Nhưng để xử lý, để làm rõ, để giành lại sự nghiêm minh liêm chính cho chuyện làm quan ấy còn xa vời lắm. Nhất là trong bối cảnh chỉ thấy mỗi Chính phủ kiến tạo là đang chuyển động đầy quyết tâm.

Ngày đăng: 13:00 | 14/07/2017

/ Giáo dục Việt Nam