Ca nhiễm tăng trở lại ở Mỹ khiến một số bang như California và Ohio áp lệnh giới nghiêm vào ban đêm để hạn chế virus lây lan.

Thế giới ghi nhận thêm 12.129 ca tử vong do Covid-19 hôm 20/11, nâng số người chết vì đại dịch lên 1.376.592. Tổng số ca nhiễm hiện là 57.872.151, tăng 686.833 ca, trong khi 40.065.533 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.

2747 000 8vl33q 4613 1605920607
Tình nguyện viên phân phát bữa ăn nhận dịp Lễ Tạ ơn cho những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại Los Angeles ngày 20/11. Ảnh: AFP.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 12.260.181 ca nhiễm và 260.179 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 217.493 và 2.112 trường hợp.

Một số bang và thành phố trên khắp nước Mỹ ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm với hy vọng ngăn chặn virus lây nhiễm tại các quán bar, bữa tiệc và các sự kiện về đêm khác. Thống đốc California Gavin Newsom áp lệnh giới nghiêm với hầu hết các hạt từ 21/11, yêu cầu mọi người không được rời nhà từ 22h đến 5h sáng hôm sau ngoại trừ vì lý do thiết yếu. Các nhà hàng cũng phải đóng cửa theo khung giờ đó. Trước đó Ohio đã ban hành lệnh tương tự có hiệu lực từ ngày 19/11.

Ở cấp địa phương, một số khu vực cũng đã áp dụng lệnh giới nghiêm như hạt Pueblo, Colorado và hạt Miami-Dade County, Florida. Một số thành phố, bao gồm New York và Chicago, đóng cửa các quán bar và nhà hàng lúc 10 giờ tối.

Trước đó, nhiều bang và thành phố Mỹ đã áp đặt các hạn chế như yêu cầu người dân ở nhà, không cho phép kinh doanh dịch vụ ăn uống trong nhà và giới hạn tụ tập. Chính quyền Mỹ hôm qua cũng gia hạn lệnh hạn chế đi lại qua biên giới với Canada và Mexico đến ngày 21/12.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 46.117 ca nhiễm và 559 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.050.442 và 132.761.

Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại New Delhi, nơi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, khiến nhiều bệnh viện quá tải. Chính quyền thủ đô đã lên kế hoạch khôi phục một số biện pháp hạn chế nếu cần thiết, như đóng cửa các khu chợ. Ấn Độ hy vọng 5 loại vaccine được thử nghiệm tại nước này sẽ giúp họ kiểm soát đại dịch thành công.

Quan chức New Delhi đã tăng gấp tư tiền phạt với người không đeo khẩu trang lên 2,000 rupee (27 USD). Kể từ tháng 6, gần 500.000 người đã bị phạt vì không đeo khẩu trang, 370.000 người vì phớt lờ quy tắc giãn cách xã hội và 3.500 vì khạc nhổ tại New Delhi.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 521 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 168.662. Số người nhiễm nCoV tăng 37.075 ca trong 24 giờ qua, lên 6.020.164.

Nhiều nơi đã bị đóng cửa sau khi virus bắt đầu xuất hiện ở Brazil vào tháng hai, nhưng cuộc sống ở các thành phố lớn nhất đã trở lại gần với mức bình thường trước đại dịch trong những tuần gần đây, với các quán bar, nhà hàng và cửa hàng đông người, thường không đeo khẩu trang.

Trong vài ngày gần đây, Sao Paulo và Rio de Janeiro đã ghi nhận số bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 tăng đột biến. Tại Rio trong tuần này, 90% giường tại khu điều trị tích cực trong các bệnh viện công được lấp đầy.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho rằng xử lý đại dịch sẽ dễ dàng và bớt tốn kém hơn nếu đầu tư vào thuốc điều trị thay vì vaccine, đồng thời tiếp tục quảng bá thuốc chống sốt rét chloroquine, bất chấp nhiều bằng chứng cho thấy nó không hiệu quả.

Pháp hiện là vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo 2.109.170 ca nhiễm và 48.265 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 22.882 ca nhiễm và 634 ca tử vong. Bất chấp lệnh phong tỏa mới trên phạm vi toàn quốc áp dụng từ ngày 30/10 giúp số ca nhiễm nCoV mới giảm mạnh, Pháp vẫn trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc hai triệu ca nhiễm nCoV.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Verana cho biết nước này đang lấy lại đà kiểm soát nCoV. Pháp đang chuẩn bị mở cửa trở lại các cửa hàng cho mùa mua sắm Giáng sinh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông vận tải Jean-Baptiste Djebbari ngày 20/11 cảnh báo rằng còn quá sớm để nói liệu người dân có được phép đi lại vào dịp Giáng sinh hay không, nói rằng việc đảo ngược xu hướng Covid-19 vẫn còn "mong manh".

Anh báo cáo thêm 20.252 ca nhiễm và 511 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.473.508 và 54.286. Anh đang là một trong những vùng dịch lớn nhất châu Âu cũng như thế giới, khiến chính phủ tái áp đặt phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, đánh dấu một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất từ sau Thế chiến II.

Đức ghi nhận 23.450 ca nhiễm và 288 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 901.659 và 14.076. Mặc dù đồ thị số liệu Covid-19 đang bằng phẳng hơn, giới chức đánh giá các số liệu hàng ngày vẫn quá cao.

Từ ngày 2/11 đến 30/11, người Đức không bị giới hạn trong nhà, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép lưu trú qua đêm vì "mục đích phi du lịch". Trường học và các cửa hàng vẫn được mở cửa, nhưng tất cả nhà hàng, quán bar, nhà hát và rạp chiếu phim phải đóng cửa.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết nước này có thể kéo dài các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 trong 4-5 tháng nữa. Thủ tướng Angela Merkel đang thúc đẩy những biện pháp phòng dịch chặt chẽ hơn, như đeo khẩu trang tại tất cả trường học và trong những lớp học quy mô nhỏ hơn.

Nga, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 24.318 ca nhiễm nCoV và 461 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.039.926 và 35.311.

Giới chức Nga cho biết các biến chủng nCoV đang xuất hiện ở vùng Siberia của nước này, đồng thời cảnh báo chúng có thể khiến dịch bệnh trở nên nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, Rinat Maksyutov, tổng giám đốc Viện virus học Vector của Nga, nhấn mạnh các biến chủng không thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine Covid-19.

Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 762.763 ca nhiễm và 20.759 ca tử vong, tăng lần lượt 3.105 và 88 ca.

Nam Phi bắt đầu nới lỏng hạn chế xuống mức thấp nhất hồi tháng 9, sau khi tỷ lệ ca nhiễm mới giảm, đồng thời mở cửa biên giới cho hành khách quốc tế từ đầu tháng 10 sau lệnh cấm kéo dài 6 tháng. Tình trạng đóng cửa khiến Nam Phi mất hơn 2 triệu việc làm trong quý II, nền kinh tế sụt giảm kỷ lục.

Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 43.896 người chết, tăng 479, trong tổng số 828.377 ca nhiễm, tăng 13.260. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.

Giới chức Iran thừa nhận số liệu chính thức dường như thấp hơn so với mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở nước này. Từ 21/11, họ áp đặt hạn chế chống dịch mới, bao gồm đóng cửa các hộ kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu tại thủ đô Tehran và khoảng 160 thành phố và thị trấn được xác định nguy cơ ở mức "đỏ".

Ô tô sẽ không được phép rời khỏi hoặc đi vào các thành phố "đỏ" và các quy định hạn chế lái xe khác sẽ được áp dụng nhằm khuyến khích mọi người ở nhà. Các hạn chế nhẹ hơn sẽ được áp dụng cho các khu vực "cam" và "vàng" có rủi ro thấp hơn. Truyền thông nhà nước cho biết các hạn chế sẽ kéo dài ít nhất hai tuần.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 488.310 ca nhiễm, tăng 4.792 so với hôm trước, trong đó người chết là 15.678, tăng 78 ca.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuần trước cho biết nước này dự định tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên trên tuyến đầu khác từ tháng 12, nhằm kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế, sử dụng một số loại vaccine Covid-19 tiềm tăng như Sinovac của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong phiên điều trần trước quốc hội hôm 18/11, lãnh đạo cơ quan phụ trách thực phẩm và dược phẩm Indonesia cảnh báo họ không thể cấp phép kịp cho hoạt động này đúng thời hạn tháng 12, do dữ liệu lúc đó chưa hoàn thành.

Philippines báo cáo 415.067 ca nhiễm và 8.025 ca tử vong, tăng lần lượt 1.639 và 27 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.

Mặc dù các con số có xu hướng giảm trong vài tuần gần đây, Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario cảnh báo không được chủ quan. Công tác chống Covid-19 tại Philippines gặp nhiều khó khăn do bão lớn liên tiếp đổ bộ, khiến người dân phải đi sơ tán tại các địa điểm đông người và thiếu biện pháp phòng dịch an toàn.

Toàn cầu đang tràn đầy hy vọng đánh bại Covid-19 sau khi một số hãng thông báo vaccine của họ có hiệu quả cao và sẽ xin phê duyệt khẩn cấp. Tuy nhiên, giám đốc mảng tình huống khẩn cấp Michael Ryan của Tổ chức Y tế Thế giới hôm 18/11 cảnh báo rằng vaccine sẽ không đến kịp thời để đánh bại làn sóng Covid-19 thứ hai.

"Tôi nghĩ rằng phải mất ít nhất 4-6 tháng nữa chúng ta mới triển khai được tiêm chủng trên quy mô đáng kể", ông nói. "Nhiều quốc gia đang trải qua làn sóng này và họ sẽ phải tiếp tục vượt qua mà không có vaccine. Chúng ta cần hiểu rõ điều đó và nhận ra rằng chúng ta phải 'trèo qua ngọn núi' này mà không có vaccine".

Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)

Bệnh viện quá tải vì Covid-19 tăng, Thủ tướng Canada kêu gọi người dân ở nhà Bệnh viện quá tải vì Covid-19 tăng, Thủ tướng Canada kêu gọi người dân ở nhà

Thủ tướng Canada Justin Trudeau lên tiếng cảnh báo các bệnh viện nước này có thể rơi vào tình trạng quá tải khi số ca ...

WHO cảnh báo vaccine ngừa Covid-19 không phải phép màu WHO cảnh báo vaccine ngừa Covid-19 không phải phép màu

Có nhiều khả năng vaccine ngừa Covid-19 được "bật đèn xanh" cấp phép lưu hành vào tháng 12 tới, sau khi hàng loạt các tập ...

Ca nhiễm vượt 57 triệu, WHO kêu gọi G20 hỗ trợ tiền mua vaccine Covid-19 Ca nhiễm vượt 57 triệu, WHO kêu gọi G20 hỗ trợ tiền mua vaccine Covid-19

Lãnh đạo WHO và EU kêu gọi các nước G20 lấp khoảng trống 4,5 tỷ USD để hỗ trợ các nước mua vaccine và bộ ...

Ngày đăng: 08:28 | 21/11/2020

/ vnexpress.net