Từ vụ sách của GS Hồ Ngọc Đại gây xôn xao đặt ra câu chuyện quản lý thị trường SGK thời gian tới ra sao khi sẽ có nhiều bộ sách khác nhau.
Mới đây, trên một số diễn đàn, mạng xã hội đã có những xôn xao, ý kiến khác nhau về hiệu quả của cuốn sách "Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục lớp 1" do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản.
Lo lắng về thị phần SGK trong lúc này là thái quá
Trước những ý kiến trái chiều từ phía dư luận xã hội, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại cho biết, sách tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục đã tồn tại được 40 năm nay. Tính đến năm học 2018-2019 có 49 tỉnh, thành phố triển khai dạy học môn tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục với gần 800.000 học sinh. Như vậy, khoảng gần 50% học sinh lớp 1 của Việt Nam đang học sách của ông.
Theo GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, với số lượng tỉnh thành và học sinh đang sử dụng sách công nghệ giáo dục thì sẽ có nhiều nhóm làm sách giáo khoa (SGK) khác bị ảnh hưởng về lợi ích. GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, những xôn xao, ý kiến về bộ sách công nghệ có thể xuất phát từ đó.
Từ câu chuyện trên có thể hình dung thị phần SGK trong thời gian tới có thể sẽ đối diện những thử thách, thậm chí là sự cạnh tranh không lành mạnh. Vậy các cơ quan chức năng cần làm gì để khắc phục những thách thức đó.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho biết, dự kiến, trong tháng 9/2018 sẽ ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau đó, các nhà xuất bản dựa vào chương trình này để biên soạn SGK.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việc nhiều nhà xuất bản cùng biên soạn, phát hành SGK để cho các trường học có quyền lựa chọn bộ sách phù hợp, chất lượng nhất phục vụ công tác giảng dạy; các nhóm tác giả, nhà xuất bản cùng cạnh tranh về chất lượng là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, việc cạnh tranh này phải lành mạnh để đảm bảo quyền lợi của học sinh.
Hiện nay, chương trình mới chưa được ban hành, cũng chưa có một bộ SGK nào được hội đồng thẩm định xét duyệt. Cho nên, những lo lắng về thị phần trong lúc này là thái quá.
Cần công khai để tránh việc thỏa thuận ngầm về sử dụng sách
Ông Nguyễn Quốc Vương, người dịch và viết nhiều sách về giáo dục cho rằng, việc thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK là việc làm cần thiết nhằm thu hút đông đảo giới tri thức, nhà nghiên cứu cùng tham gia viết sách; các nhà xuất bản cho ra đời những bộ sách chất lượng phục vụ người học.
Ông Nguyễn Quốc Vương.
Nếu như trước kia Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam độc quyền xuất bản SGK thì sắp tới chúng ta sẽ thấy trên thị trường có nhiều bộ SGK do nhiều nhà xuất bản phát hành. Đây sẽ là sự cạnh tranh tất yếu giữa các nhà xuất bản để phục vụ người học.
Tuy nhiên, nếu không có cơ chế quản lý tốt thì có thể dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh khi có sự “đi đêm”, “thỏa thuận ngầm” giữa nơi sử dụng, người viết sách và nhà xuất bản.
Theo ông Nguyễn Quốc Vương, cần có cơ chế rõ ràng về việc ai có quyền lựa chọn SGK ở nhà xuất bản nào. Việc lựa chọn sách có thể do hiệu trưởng, phụ huynh, giáo viên hay hội đồng chuyên môn của địa phương nhưng phải có sự công khai, minh bạch, tránh trường hợp hiệu trưởng có thể tự thỏa thuận với nhà xuất bản mua SGK của nơi không đảm bảo chất lượng.
Khi thực hiện một chương trình, nhiều SGK, Bộ GD-ĐT phải có quy chế về việc biên soạn, tuyển chọn và sử dụng SGK một cách rõ ràng, minh bạch.
Còn SGK có chất lượng tốt hay không trước tiên là phải thuộc về giới chuyên môn thẩm định. Kênh thông tin từ công chúng, dư luận xã hội về SGK của nhà xuất bản nào cũng rất quan trọng nhưng không phải chuyện gì công chúng lúc nào cũng có khả năng để thẩm định chuyên môn, đưa ra kết luận được.
Nhờ độc quyền SGK, lãnh đạo NXB Giáo dục hưởng lương khủng thế nào?
Dù giữ thế độc quyền trong phát hành SGK, đạt doanh thu thuần lên tới 1.111,1 tỷ đồng trong năm 2017, tăng gần 3% so ... |
Làm thế nào để tránh lợi ích nhóm trong in ấn, phát hành SGK?
Tiến sĩ Phạm Tất Thắng cho rằng nên cân nhắc lại việc in sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần, nhằm tránh lãng phí, ... |
Ngày đăng: 10:14 | 17/09/2018
/ https://vtc.vn