Loạt cửa hàng đồ lưu niệm vẫn ảm đạm giữa phố cổ Hà Nội ồn ã do vắng khách du lịch nước ngoài, bán nhưng không có ai mua, nhiều nơi hiện vẫn đóng cửa im lìm.
Trước kia, khi dịch bệnh COVID-19 chưa tàn phá ngành du lịch, du khách ngoại quốc liên tục tham quan Hà Nội, những cửa hàng bán đồ lưu niệm luôn là điểm đến được ưa thích, lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Thế nhưng hiện tại, thảm cảnh ế ẩm hầu như xuất hiện mọi nơi, nhiều cửa hàng không cầm cự nổi phải đóng cửa, trong khi số ít vừa bán vừa mòn mỏi ngóng khách.
Mở cửa chỉ để hong khô đồ
Chị Diệp (45 tuổi), chủ cửa hàng Phúc Long, chuyên bán các sản phẩm khăn lụa, tranh sơn mài, khảm trai, đồ lưu niệm trên phố Hàng Gai (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) cho biết, chị đã mở cửa hàng ngay sau khi được phép nhưng chủ yếu là để dọn dẹp.
“Nhà tôi đã bán hàng ở đây đến đời tôi đã là đời thứ 5 rồi nhưng trong quãng thời gian dài đằng đẵng ấy, các thế hệ nhà tôi chưa từng chứng kiến đại dịch nào ảnh hưởng trực tiếp đến công việc kinh doanh và kéo dài như đại dịch COVID-19 lần này”, chị Diệp chia sẻ.
Chị Diệp tại cửa hàng. |
Nói về tình hình kinh doanh ở thời điểm hiện tại, chị Diệp bộc bạch: “Dù biết mở ra thì cũng không bán được hàng nhưng vẫn phải mở để cửa hàng được thông thoáng, tránh ẩm mốc, chuột bọ”.
Đối diện cửa hàng của chị Diệu, một cửa hàng bán hàng thủ công mỹ nghệ khác cũng đang mở rộng cửa để dọn dẹp. “Nhà tôi mở cửa để dọn dẹp là chủ yếu chứ không bán hàng, vì có mở bán thì cũng chẳng có khách”, chủ cửa hàng chia sẻ.
Tại một cửa hàng đối diện đền Ngọc Sơn, nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng bên bờ hồ Hoàn Kiếm, anh Nguyễn Văn Thông (42 tuổi) - chủ cửa hàng đang bận tay quét dọn, phủi bụi cho những món hàng trong buổi chiều đầy nắng.
Anh chia sẻ: “Cửa hàng của mình có nhiều món đồ lưu niệm bằng mây tre đan. Đóng cửa nhiều sẽ khiến những đồ này hỏng hết vì ẩm mốc. Mở cửa ra vì thế cốt là để cho nắng chiếu vào, hong khô đồ, chứ thực ra có bán hàng được đâu vì làm gì có khách”.
Mặc dù việc mở cửa hàng khiến anh Thông tốn thêm chi phí tiền điện. Bán hàng không được nghĩa là số tiền ấy bị âm vào vốn. Thế nhưng thà tốn tiền điện còn hơn để đồ đạc hỏng vì ẩm mốc. “Từ khi được mở cửa trở lại, thi thoảng lắm mới bán được một món hàng, còn thường xuyên không bán được gì là chuyện bình thường, tôi cũng quen rồi”, anh Thông chia sẻ.
Anh Thông đang lau dọn những món hàng vì lo hỏng hóc. |
Anh Thông cho biết anh mở cửa hàng này theo hình thức liên doanh giữa chủ nhà và người bán. Một người bỏ ra tiền để nhập hàng, một người bỏ ra mặt bằng để cùng kinh doanh, lợi nhuận sẽ ăn chia theo phần trăm. Do đó, anh không phải lo lắng đến phần chi phí thuê mặt bằng khi bị đóng cửa nhiều ngày.
Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến cho nguồn thu nhập chính của cả gia đình anh và gia đình đối tác trở về con số 0. Anh Thông chỉ mong sớm đến ngày có chuyến bay thương mại đưa khách du lịch đến Việt Nam, để công việc kinh doanh của anh được thuận lợi, có thể kiếm được tiền để trang trải cho cuộc sống.
Lụa tơ tằm sang chảnh đóng cửa hàng loạt
Phố Hàng Gai vốn nổi tiếng với loạt cửa hàng chuyên bán lụa tơ tằm - món đồ rất được du khách yêu thích. Trước kia, những nơi này được nhiều người mặc định chỉ dành cho khách "ngoại" vì độ sang chảnh, giá cả đắt đỏ. Ít ai nghĩ rằng có ngày hàng loạt quán tại đây lại phải đóng cửa im lìm như hiện nay.
Theo quan sát, gần 70% số cửa hàng kinh doanh tại con phố này vẫn chưa hoạt động lại. Một số ít có mở cửa thì cũng rất vắng khách, thậm chí là không hề có khách ghé thăm.
Trước cửa hàng Ngọc Lâm Silk nằm ở đầu phố, mấy ngày nay lại xuất hiện một quán nước nhỏ. Hỏi ra mới biết, đây là kế sách để kiếm thêm nguồn thu của chủ cửa hàng này trong những ngày phải đóng cửa vì vắng du khách nước ngoài. Chị Thương, chủ cửa hàng chia sẻ: “Dù đã hết giãn cách nhưng tôi vẫn chưa mở cửa hàng vì có khách đâu. Thế nên nhà tôi bày biện mấy chai nước, bày thêm khẩu trang ra đây là để bán cho khuây khỏa. Các món hàng như mũ cối, nón lá kia là đem ra ngoài phơi cho khỏi ẩm mốc chứ ai mua mà bán".
Chị Thương cho biết thêm, nhiều cửa hàng lụa khác trên phố Hàng Gai cũng đang ngừng kinh doanh. Để tránh gây hiểu lầm, chị phải treo biển "không bán hàng" mỗi khi mở cửa cho thoáng. “Khách Việt thì không mặn mà với các mặt hàng này mà đã từ lâu rồi không có khách nước ngoài. Do đó, có mở cửa kinh doanh cũng không bán được hàng, thà đóng cửa còn hơn”, chị buồn bã nói.
Cửa hàng nhà chị Thương bán nước cho vui thay vì bán lụa như trước kia. |
Ngay bên cạnh cửa hàng Ngọc Lâm Silk là cửa hàng Ngọc Anh Tailor, cửa hàng này cũng chuyên kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm. Chị Hạnh, chủ cửa hàng tâm sự, chị đang muốn tìm người để cho thuê lại vì việc kinh doanh đã trở nên khó khăn trong suốt gần 2 năm nay.
“Từ khi COVID-19 xuất hiện đến nay đã khoảng 2 năm, việc làm ăn kinh doanh của tôi đã rất khó khăn. Tôi muốn nghỉ hẳn, không bán lụa nữa và tìm người cho thuê. Như thế có khi còn đỡ hơn là tự mình kinh doanh", chị cho biết.
Chị Hạnh ví von, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khách du lịch không đến nữa thì con phố mệnh danh “đất vàng" này dường như biến thành “đất sét". “Cả dãy phố này đóng cửa gần hết, làm gì có ai mở cửa đâu!", chị Hạnh vừa nói vừa đưa cánh tay chỉ sang dãy cửa hàng treo biển “Silk" (tức: Lụa) đang đóng cửa im lìm dọc phố Hàng Gai.
Nhiều cửa hàng lụa và đồ thủ công mỹ nghệ trên phố Hàng Gai vẫn đóng cửa. |
Còn chủ cửa hàng Mai Trang thì cho biết nhiều cửa hàng bán lụa và các loại đồ thủ công mỹ nghệ xung quanh cửa hàng này đã trả mặt bằng từ cách đây hơn 1 năm trước do ảnh hưởng của COVID-19.
CÔNG HIẾU
Ngày đăng: 10:00 | 06/10/2021
/ vtc.vn