Hầu hết các cửa hàng kinh doanh ăn uống, giải trí, thời trang, các dịch vụ làm đẹp đã thực hiện đóng cửa, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Là chủ 3 cửa hàng quần áo thời trang tại Hà Nội, bình quân doanh thu tại mỗi cửa hàng lên tới 10 triệu đồng/ngày. Riêng thu nhập tại 1 cửa hàng của chị trên đường Doãn Kế Thiện (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cũng đủ cho chị sống khá nhàn nhã. Thế nhưng, từ 1 tuần nay, chị Mỹ Trang đã đóng cửa tất cả chuỗi cửa hàng, đồng lòng chống dịch
COVID-19
.
Chia sẻ với PV Lao Động, chị Mỹ Trang cho biết: Lúc đầu chị cũng chỉ nghĩ rằng, dịch COVID-19 chỉ nguy hiểm đối với người già, người có bệnh mãn tính, nên "không biết sợ", vẫn cố bán hàng.
“Doanh thu cả chục triệu đồng/ngày ai mà chả ham, bên cạnh đó còn bao chi phí thuê mặt bằng, trả công nhân viên, thuế, phí…; rồi chi phí ăn học cho 3 đứa con khiến tôi càng cố gắng. Nhưng thông tin dịch bệnh này đang tăng tốc tại Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Đức… khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Doanh thu cả chục triệu đồng/ngày quý thật đấy, nhưng nếu dịch bệnh bùng phát liệu tôi và gia đình có thoát khỏi bị lây nhiễm. Tôi đã dừng kinh doanh, sẵn sàng chống dịch” – Chị Mỹ Trang chia sẻ.
Chị Nguyễn Hương, nhân viên bán mỹ phẩm trên phố Trần Vỹ (Hà Nội), cho hay: "Tôi cũng đã đóng cửa hàng từ 4 ngày nay. Nhiều người nêu “sáng kiến”: Khi có khách đến cứ hé cửa để họ vào, rồi đóng cửa bán hàng phía trong, không ai biết để báo công an phạt. Nhưng tôi không đồng ý”- chị Hương nói.
Không chỉ cửa hàng quần áo, thời trang, các cửa hàng cho thu lãi tiền triệu mỗi ngày như dịch vụ sửa xe máy, ôtô; dịch vụ làm bún; cửa hàng cơm bình dân; các cơ sở chế biến thịt quay, bánh ngọt… cũng đã đóng cửa, ngừng kinh doanh.
Chị Nguyễn Thị Hồng – chủ tiệm bánh mỳ tại ngõ Nghệ Sỹ (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết: Mặc dù rất sốt ruột vì mỗi ngày mất đi món lãi tiền triệu từ dịch vụ nướng và bán bánh, chưa kể các món ăn vặt đi kèm như: Bánh bao, khoai nướng, bắp rang bơ…, nhưng chị cũng sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm chống dịch cùng thành phố, đóng cửa tiệm ngừng kinh doanh.
“Tôi sẵn sàng đồng lòng chống dịch theo cách của mình, hạn chế ra ngoài nhiều, nhắc nhở mọi người trong khu phố đeo khẩu trang, không khạc nhổ để giữ vệ sinh chung. Hy vọng dịch COVID-19 chóng qua nhanh để chúng tôi lại yên tâm làm ăn” – chị Hồng tâm sự.
Cũng là người kinh doanh mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn tại số 1 Ngô Văn Sở (Vinh, Nghệ An), chị Nguyễn Thị Phương cũng đã nghỉ bán hàng theo yêu cầu của thành phố. Vì rảnh rỗi thời gian, nên chị Phương còn hỗ trợ lực lượng dân phòng bằng cách hàng ngày “tuần tra”, nhắc nhở, thậm chí báo lực lượng chức năng nếu có trưởng hợp cố tình vi phạm quy định chống dịch COVID-19.
“Tôi hiểu rằng nếu mỗi người dân không nỗ lực, sẽ rất khó khăn chặn dịch COVID-19. Nếu dịch bệnh kéo dài, hơn ai hết những người lao động như chúng tôi sẽ mất nguồn thu, chưa kể gây thiệt hại cho kinh tế đất nước; làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhiều người” – chị Phương chia sẻ.
Theo khảo sát của PV, cho đến thời điểm này, Hà Nội đã thực hiện khá tốt yêu cầu của thành phố: Người dân không ra đường khi không cần thiết; đeo khẩu trang khi ra đường. Hiện tại, chỉ còn các cửa hàng bán thực phẩm, lương thực, hàng thiết yếu… mở cửa phục vụ. Hầu hết người dân đều ở yên trong nhà, nhiều người còn đăng trên face book câu khẩu hiệu: “Chống COVID-19: Ai ở đâu, ở yên đấy. Ở nhà lúc này là yêu nước”.
Vũ Long
Bộ Y tế kêu gọi cả nước chung sức, chung lòng ủng hộ đội ngũ y bác sĩ
Sáng nay (30.3), dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 đã tiến ... |
Thủ tướng: Tỉnh nào ở tỉnh đó, nhà nào ở nhà đó để chống dịch COVID-19
"Chúng ta không có biện pháp mạnh thì không thể thực hiện được “giờ vàng”, thần tốc là ở chỗ này, không thể chủ quan, ... |
Ngày đăng: 08:20 | 31/03/2020
/ laodong.vn