Năm 2022, vải thiều Việt Nam dự báo được mùa, sản lượng ước đạt 320.000 tấn. Với sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn nên việc xây dựng chuỗi liên kết nhằm mở rộng thị phần, tìm kiếm thị trường mới, đa dạng kênh phân phối... là các điều kiện để tiêu thụ thuận lợi.

 
Huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang xây dựng được nhiều chuỗi tiêu thụ vải thiều hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Từ những năm trước, quả vải của các tỉnh: Hải Dương, Bắc Giang đã có mặt tại một số thị trường quốc tế. Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore còn khiêm tốn so với sản lượng thu hoạch trong nước. Do đó, mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu để gia tăng giá trị của quả vải, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và phát triển kinh tế địa phương luôn được các địa phương quan tâm.

Theo Phó Giám đốc Sở  NN&PTNT tỉnh Hải Dương Vũ Việt Anh, việc kết nối không chỉ dừng ở các sự kiện tập trung mà còn diễn ra thường xuyên. Ngay trong năm 2021, Sở đã mời nhiều doanh nghiệp về thăm các vùng vải để khảo sát, đánh giá việc tiêu thụ vải tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Sở cũng phối hợp với các đơn vị để nhờ phía nước bạn quảng bá sản phẩm quả vải Hải Dương. Do đó, vụ vải này đã có nhiều doanh nghiệp đến ký hợp đồng ngay từ sớm. Trong đó, các đơn hàng xuất khẩu vải đi thị trường châu Âu tăng mạnh so với mọi năm...

Tại tỉnh Bắc Giang - nơi được coi là vựa vải thiều, Giám đốc Hợp tác xã Hồng Xuân (tỉnh Bắc Giang) Phạm Văn Dũng chia sẻ, mặc dù đạt được những thành công nhất định, song vẫn còn một số khó khăn do vải thiều là nông sản có tính mùa vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn nên công tác thu hoạch và bảo quản đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, việc liên kết, mở rộng thị trường còn hạn chế. Hiện nay, Hợp tác xã đã xây dựng được chuỗi liên kết hoàn chỉnh từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó có hỗ trợ kho để trung chuyển, sơ chế...; đồng thời áp dụng phương án chuyên sâu hơn như sấy lạnh hay sấy công nghệ cao nhằm tiêu thụ rải vụ. Do đó, chuỗi liên kết vải ở Bắc Giang không chỉ dừng ở tiêu thụ quả tươi mà còn hướng tới chế biến sâu, đa dạng các loại sản phẩm từ vải như trà, đồ uống, bánh, mứt...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, chính quyền địa phương và người dân đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp. Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã thu hoạch 200.000 tấn. Các cấp, các ngành luôn sẵn sàng sản xuất vải chất lượng cao, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác sản xuất và tiêu thụ. Tỉnh Bắc Giang coi trọng tất cả thị trường trong và ngoài nước. Tại thị trường nội địa, tỉnh tích cực xây dựng chuỗi liên kết đưa mặt hàng vải thiều vào các siêu thị, sàn thương mại điện tử... Với thị trường quốc tế, địa phương hỗ trợ tối đa nhằm đáp ứng yêu cầu từ phía đối tác nước ngoài như xây dựng mã vùng trồng, tập huấn nông dân thực hiện nghiêm quy trình canh tác...

Vụ vải thiều năm 2022 cho thấy chất lượng quả tương đối tốt kèm theo việc xây dựng đa dạng chuỗi liên kết tiêu thụ trong và ngoài nước với các chương trình xúc tiến, giới thiệu, quảng bá kỹ lưỡng nên thương nhân, doanh nghiệp đều đánh giá cao khi đến thu mua.

Hiện, sản phẩm vải thiều không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận mà đang khẳng định vị thế thương hiệu tại các quốc gia trên thế giới - đây là cơ hội tốt cho quả vải Việt Nam ngày càng phát triển. Phó Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng các chuỗi tiêu thụ vải thiều, để đưa loại quả đặc sản của hai tỉnh Hải Dương, Bắc Giang này tới người tiêu dùng Thủ đô.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1035278/mo-rong-thi-truong-cho-qua-vai-thieu

Ngày đăng: 08:33 | 24/06/2022

BẠCH THANH / HNM.com.vn