Tiềm năng dược liệu được coi là rất lớn nhưng có tới 80% dược liệu hiện nay phải nhập khẩu để sản xuất dược phẩm, tạo ra một trớ trêu thừa dược liệu nhưng thiếu nguyên liệu để bào chế thuốc.
 

Thừa dược liệu thiếu nguyên liệu

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2017 diễn ra vào cuối tháng 6, một vô lý đã được chỉ ra hiện trong nước đang phải nhập khẩu hoàn toàn các loại hóa chất điều trị ung thư với giá rất cao nhưng trong nước lại có nhiều thảo dược chứa các hoạt chất hoặc các tiền chất chống ung thư rất hiệu quả như cây thông đỏ, cây trinh nữ hoàng cung, cây dừa cạn, cây khổ sâm cho lá… không được khai thác.

Trồng dược liệu ở Bắc Giang

Ngay Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận điều này: “Dược liệu nước ta có tiềm năng nhưng nguyên dược liệu vẫn nhập khẩu nhiều đến 80%. Như vậy, là rất vô lý cho một đất nước nông nghiệp như Việt Nam ta”.

Để chứng minh cho điều này, Bộ Công thương đã có dẫn chứng Việt Nam có 41 nhà máy chế biến tinh bột sắn với công suất lên tới 3.000 tấn bột/ngày. Thế nhưng tinh bột biến tính, một tá dược phục vụ cho ngành công nghiệp dược lại phải nhập khẩu hoàn toàn. Phân tích nguyên nhân của nghịch lý này, các chuyên gia cho rằng chính là vì giá thành dược liệu nhập khẩu rẻ hơn nhiều so với trong nước. Tuy nhiên, dưới góc độ khác cũng phải nhìn nhận lý do khiến cho giá thành dược liệu nhập khẩu rẻ chính là chất lượng không bảo đảm do nguồn gốc không kiểm soát được, dược liệu bị “rút ruột”, chỉ còn là vỏ, rác không còn tinh chất.

Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã xếp hạng công nghiệp dược của Việt Nam chỉ dừng ở mức độ 3 theo thang phân loại 5 mức phát triển, nghĩa là "Công nghiệp Dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập". Phần giá trị sản xuất trong nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ do phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu làm thuốc. Quy mô canh tác vùng cây dược liệu mới chỉ khoảng 15.000 ha, đáp ứng gần 30% nhu cầu sản xuất trong nước. Đây thực sự là một vấn đề đặt ra cho ngành dược Việt Nam.

Vẫn chỉ là bào chế cổ điển

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Trên thực tế, trong giai đoạn 2009-2015, ngành hóa dược Việt Nam đã xây dựng được các quy trình công nghệ tiên tiến để tổng hợp và tinh chế nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị ung thư, tim mạch, đái tháo đường, nhiễm khuẩn… Đồng thời hình thành một số trung tâm nghiên cứu về công nghệ tổng hợp hóa được, đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu…

Bào chế dược liệu ở Đà Nẵng

Thế nhưng, báo cáo của Bộ Công thương khẳng định sự phát triển này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chủ yếu là bào chế đơn giản, hàm lượng kỹ thuật thấp, ít có các dạng bào chế công nghệ cao. Kết quả là các nghiên cứu về thuốc chữa bệnh tim mạch vẫn chỉ dừng ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa sản xuất được nguyên liệu thuốc điều trị tăng huyết áp và đau thắt ngực. Thuốc hỗ trợ điều trị cai nghiện, chữa HIV, cũng vậy chỉ dừng ở các đề tài nghiên cứu, chưa có cơ sở nào sản xuất. Và đây cũng là nguyên nhân chung cho sự trì trệ của ngành dược liệu.

Đồng tình với quan điểm này, UBND TP Hà Nội cũng khẳng định một trong những hạn chế của ngành công nghiệp Dược Việt vẫn chỉ là công nghiệp bào chế cổ điển (sản xuất các dạng bào chế quy ước), đa số chưa tiếp cận được với bào chế hiện đại. Vì vậy chất lượng thuốc thường được đánh giá theo các tiêu chí vật lý, hóa học.

Ông Ngô Đông Hải, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương thì so sánh: “Trong khi các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt của các nhà cung ứng ngoại từ Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu thì các trung tâm phân phối dược liệu còn chưa đạt chuẩn quốc tế, kể cả ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh”.

Giải pháp cho các vấn đề này, các chuyên gia cho rằng cái gì còn yếu thì phải cải thiện đồng thời tập trung đẩy mạnh các chính sách vĩ mô, đặc biệt các chính sách hỗ trợ cho phát triển ngành cũng như hỗ trợ triển khai các nghiên cứu khoa học công nghệ để phát huy đầy đủ tác dụng và tạo đà, động lực cho phát triển. Nhưng để thực hiện điều này, các doanh nghiệp dược cũng nêu chi tiết những khó khăn mà họ gặp phải để trên cơ sở đó tập trung giải quyết, đưa ngành dược trong nước đi lên một cách mạnh mẽ hơn. Họ dẫn chứng để đầu tư một nhà máy sản xuất thuốc ung thư là vài chục triệu đô la trong khi số bệnh nhân ung thư cả nước chỉ vào khoảng 200 nghìn người. Nếu không có quy hoạch tốt, nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư vào lĩnh vực này nhưng kết quả là họ sẽ “chết”. Một doanh nghiệp khác thì nói sở dĩ ngành dược trong nước chưa phát triển là do các đề tài công nghệ cao, kỹ thuật mới chưa được Nhà nước ưu tiên, nhiều đề tài làm ra nhưng không biết gửi đến ai trong khi người cần lại không biết tìm ở đâu. Chính vì vậy phải đẩy mạnh sự kết nối giữa nghiên cứu và sản xuất, giữa các khâu để tạo ra một quy trình, hệ thống hoàn chỉnh trong ngành dược.

Ngày đăng: 14:05 | 21/07/2017

Anh Nguyễn / Theo Báo Năng lượng Mới