Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép mở lại cửa khẩu phụ, lối mở tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá. Ngày 14.5, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh biên giới phối hợp để tổ chức triển khai thực hiện. Theo ghi nhận của PV Lao Động ngày 15.5, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đưa ra nhiều giải pháp như làm thêm giờ, ưu tiên thông quan hàng nông sản dễ hỏng, khuyến khích doanh nghiệp xuất hàng qua đường chính ngạch..., nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Đề nghị Trung Quốc mở lại cửa khẩu phụ
Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng đồng ý nối lại hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa tại các cửa khẩu phụ Bình Nghi, Na Hình, Nà Nưa, Pò Nhùng (Lạng Sơn) và cửa khẩu phụ Bắc Phong Sinh, lối mở Ka Long (Quảng Ninh).
Đối với các cửa khẩu phụ, lối mở khác trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng cho phép UBND các tỉnh cân nhắc cẩn trọng tình hình thực tế để chủ động mở lại, trên nguyên tắc đảm bảo tối đa công tác phòng chống dịch COVID-19.
“Trong đó, quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đối với người và phương tiện vận tải tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu cần được áp dụng nghiêm túc. Đồng thời, địa phương chỉ khôi phục lại các cửa khẩu phụ, lối mở có lưu lượng hàng hóa lớn, đặc biệt là hàng nông sản, thủy hải sản xuất khẩu và hàng nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước đã được chính quyền hai bên thống nhất được phép giao thương”, văn bản Văn phòng Chính phủ nêu rõ.
Thực thiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 14.5, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh ngày đã có văn bản gửi tới các UBND tỉnh các tỉnh biên giới phía Bắc nêu rõ, đối với các cửa khẩu phụ, lối mở đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại tại văn bản số 177/TB-VPCP và văn bản số 3701/VPCP-KTTH, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh sớm trao đổi, thống nhất với các địa phương biên giới phía Trung Quốc để tổ chức triển khai thực hiện.
“Trong quá trình thực hiện, cần đặt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân dân và người lao động, không để lợi dụng việc mở các cửa khẩu phụ, lối mở này để buôn lậu, gian lận thương mại”, văn bản bộ Công thương nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ Công thương đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn tiếp tục cập nhật, đưa tin thường xuyên về diễn biến giao nhận hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt, khi Chính quyền phía Bạn có chính sách phát sinh đột xuất tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa của ta; kịp thời trao đổi, phản ảnh với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Vy Công Tường – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn – cho biết, việc mở cửa khẩu phụ theo đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn, tuy nhiên, hiện phía Trung Quốc đang tăng cường chống dịch vào nên các cửa khẩu phụ này vẫn chưa mở, chưa giải quyết được vấn đề thông quan hàng hoá. “Tỉnh Lạng Sơn cũng nhiều lần đề nghị phía Trung Quốc việc mở lại các cửa khẩu phụ, tuy nhiên vẫn chưa nhận được phản hồi về thời gian cụ thể mở lại các cửa khẩu phụ”, ông Tường nói.
Nhiều giải pháp tháo gỡ để tăng xuất khẩu
Ông Phùng Quang Hội - GĐ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn – cho biết, với những nỗ lực liên tục đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn từ Bộ Công Thương và các bộ, ngành trung ương cùng các địa phương biên giới; trong đó, có Lạng Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, xuất khẩu nông sản qua Lạng Sơn nói riêng đã được khôi phục ở mức tối đa có thể trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đây là sự tháo gỡ kịp thời nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu, phản ánh nỗ lực của các lực lượng chức năng.
Theo ông Hội, Sở Công Thương Lạng Sơn đang nhận được sự ủy quyền của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương trong vấn đề cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các lô hàng nông sản xuất khẩu đi các thị trường, chủ yếu là thị trường Trung Quốc là mẫu C/O form E. “Sở Công Thương Lạng Sơn đã bố trí cán bộ, nhân viên làm việc cả ngày lễ, ngày nghỉ, ngoài giờ, chỉ cần doanh nghiệp có nhu cầu là sẽ kết nối và tạo mọi điều kiện để cấp C/O cho các lô hàng của doanh nghiệp Việt Nam để kịp thời, chủ động trong việc đủ hồ sơ xuất khẩu”, ông Hội nói.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Lạng Sơn cũng đã nỗ lực cùng các lực lượng giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam chủ yếu theo loại hình tiểu ngạch.
Vì vậy, ông Phùng Quang Hội khuyến cáo doanh nghiệp thay đổi để chuyển sang loại hình xuất khẩu chính ngạch để chủ động trong hoạt động xuất nhập khẩu, tránh rủi ro trong thương mại khi phía Trung Quốc có biện pháp thắt chặt ở cửa khẩu. Cùng với đó, chú trọng thực hiện đóng gói bao bì, nhãn mác, quy cách chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc…
Theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, hiện nay, xe hàng thông quan qua cửa khẩu Hữu Nghị được 300 xe, Tân Thanh khoảng 100 xe, còn lại là các cửa khẩu khác. “Mỗi ngày Lạng Sơn được 600 xe hàng hoá. Và ùn ứ một ngày khoảng 500 xe”, ông Tường nói.
THÔNG CHÍ - CAO NGUYÊN
Cửa khẩu ở Quảng Ninh: Tồn đọng hàng hóa vì thiếu lái xe trung chuyển
Khan hiếm lái xe container người địa phương và quy định thông quan nghiêm ngặt đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 đã khiến một bộ ... |
2.600 xe hàng ùn tắc ở Lạng Sơn
Nhằm phòng Covid-19, Trung Quốc siết chặt hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới với Việt Nam khiến 2.600 xe hàng ùn ứ tại các ... |
Trung Quốc siết chặt cửa khẩu, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo khẩn
Bộ NN-PTNT vừa có văn bản chỉ đạo khẩn các địa phương về việc xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới Việt-Trung ... |
Ngày đăng: 14:26 | 18/05/2020
/ laodong.vn