Thiếu trách nhiệm để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý, điều hành, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vừa bị kỷ luật. Nhưng hình thức kỷ luật chỉ là khiển trách.

Khiển trách có nghĩa vẫn còn tại chức, vẫn điều hành công việc với cương vị chủ tịch huyện, trong khi chẳng có điều gì cam đoan ông ta sẽ làm việc có trách nhiệm hơn với tình trạng đất đai ngày càng rối ren ở huyện đảo Phú Quốc.

Các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang có đủ lý do để bảo vệ quan điểm của mình đối với hình thức kỷ luật trên nhưng với dư luận xã hội nói chung thì chẳng thể nào bằng lòng nổi. Từ khi Phú Quốc rục rịch trở thành đặc khu kinh tế, vùng đất này không còn bình yên. Phá rừng lấy đất, tranh giành đất đai đến triệt hạ nhau, cán bộ sai phạm... diễn ra thường xuyên. Kỷ luật khiển trách trong khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang đã có kết luận: "... Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực xây dựng thời gian qua còn nhiều hạn chế, vi phạm, tình trạng xây dựng không phép, trái phép diễn ra khá phức tạp, có chiều hướng ngày càng gia tăng đến mức không quản lý và xử lý tháo dỡ được...", thì làm sao dân phục!

Chưa nói cấp cao hơn, cán bộ đứng đầu cấp huyện nếu thiếu năng lực hoặc vi phạm thì cả vạn người liên lụy. Kéo theo đó là khiếu nại tràn lan, các quy định pháp luật xã hội bị xem thường, nhiều người tự xử lý tranh chấp bằng bạo lực. Tình trạng này đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương chứ không riêng Phú Quốc.

Vụ dôi dư 500 giáo viên ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đang gây bất bình trong dư luận cũng thế. Hậu quả rất lớn, bao nhiêu gia đình đang lâm vào khổ nhọc nhưng đến nay Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng chỉ đang xem xét trách nhiệm của lãnh đạo huyện. Chuyện đã xảy ra cả chục năm, duyệt chi ngân sách trả lương hằng tháng cho những giáo viên này do chủ tịch huyện ký, khiếu nại xảy ra thường xuyên..., chả lẽ các vị không biết? Thế nhưng đến nay vẫn cũng chỉ dừng lại ở việc xem xét thì "lạ" quá!

Còn tại Quảng Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng chỉ bị kỷ luật khiển trách vì khi còn làm chủ tịch huyện đã có những vi phạm về tuyển dụng viên chức, bố trí cán bộ. Vi phạm nhưng vẫn được đề bạt, khi lộ ra thì xử lý nhẹ nhàng, nếu kể ra thì hầu như địa phương nào cũng có.

Trong các văn bản kết luận thanh tra về những sai phạm của cán bộ, chúng ta không còn lạ gì với những câu chữ mà hiểu sao cũng được. Ví như, "lãnh đạo chưa thật sâu sát...", "kiểm tra các cơ quan trong thẩm quyền chưa thường xuyên nên kết quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại chưa cao...", "công tác điều hành chưa đạt kết quả như mong muốn...". Sai đúng phải rõ ràng, trách nhiệm phải cụ thể và theo đó phải có cách xử lý kiên quyết để chấn chỉnh. Giơ cao đánh khẽ chỉ làm cán bộ liên quan thêm nhờn và rồi người dân thêm khổ.

Pháp luật phải bình đẳng với mọi thành phần công dân. Xử lý cán bộ như thế trong khi người dân ăn cắp ổ bánh mì phải ra tòa bị tuyên án tù mấy tháng thì tránh sao họ không nghĩ "quan xử theo quan, dân xử theo dân".

mo ho trach nhiem can bo Để xảy ra nhiều sai phạm, Chủ tịch huyện Phú Quốc bị kỷ luật

Một trong những lý do khiến Chủ tịch UBND Phú Quốc bị kỷ luật là vì công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực ...

mo ho trach nhiem can bo Đặc khu mà chưa có quyền vượt trội!

Góp ý dự thảo Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, đại biểu cho rằng nếu ...

Hồ Phi

Ngày đăng: 08:40 | 06/04/2018

/ https://nld.com.vn