Chuyên gia cho rằng nên tập trung khai thác thử nghiệm ở Khoái Châu (Hưng Yên) bằng công nghệ khí hóa than ngầm.
210 tỷ tấn hay 30 tỷ tấn?
Kể từ năm 2009, vấn đề mở bể than sông Hồng được các nhà khoa học, nhà quản lý, nhân dân vùng có than và dư luận xã hội rất quan tâm.
Vấn đề được quan tâm nhất là có nên mở bể than sông Hồng hay không và bằng cách nào khai thác được than của bể than sông Hồng nhưng không được ảnh hưởng tới môi trường và xã hội.
Dẫn Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2016 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020 (gọi tắt là Quy hoạch than 403/2016), có xét triển vọng đến năm 2030, PGS. TS Nguyễn Cảnh Nam (Hội khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam) cho biết, tiềm năng tài nguyên than ở bể than sông Hồng tương đối lớn, hơn 42 tỷ tấn nhưng mức độ thăm dò còn rất hạn chế, tài nguyên đạt cấp tin cậy chỉ có khoảng 525 triệu tấn, còn lại là tài nguyên dự tính (gần 955 triệu tấn) và dự báo (hơn 40,5 tỷ tấn), phân bố chủ yếu ở Thái Bình, Hưng Yên và Nam Định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Nhự, Chủ tịch Chi hội Dầu khí Thái Bình, qua các tài liệu dầu khí, cho biết con số trữ lượng 210 tỷ tấn của bể than sông Hồng là không chính xác.
Theo đó, con số này lần đầu được nhắc đến báo cáo của ông Vũ Xuân Doanh (Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ TN-MT). Sau khi phân tích tổng hợp kết quả các LK cấu trúc địa chất, các LK tìm kiếm-thăm dò than, các LK thăm dò dầu khí và kết quả đo địa chấn..., ông Doanh cho rằng miền võng Hà Nội có diện tích chứa than đến 2.500km2 với bề dày trầm tích trung bình 2.100m và chứa từ 30 đến 100 vỉa than trong trầm tích Miocen thượng (hệ tầng Tiên Hưng) và dự báo trong trầm tích hệ tầng Tiên Hưng chứa khoảng 210 tỷ tấn than biến chất thấp.
Theo chuyên gia, khả năng khai thác của bể than sông Hồng chỉ là 30 tỷ tấn. Ảnh minh họa
Chủ tịch Chi hội Dầu khí Thái Bình cho biết, dù báo cáo của ông Vũ Xuân Doanh đã được Tổng cục Địa chất phê duyệt năm 1985 nhưng đây là báo cáo có nhiều sai sót, thậm chí những địa tầng không có than lại thống kê có số vỉa than và tổng chiều dày lớn hơn cả địa tầng chính chứa than.
Theo tài liệu dầu khí, tại ĐBSH có khoảng 125 giếng khoang chiều sâu từ 1.200-4.000m, trong đó chiều sâu từ 2.400-400m chiếm trên một nửa. Với những giếng khoan và chiều sâu như thế, than tập trung chủ yếu ở địa tầng Tiên Hưng với chỗ sâu nhất là 2.000m và ít hơn trong địa tầng Phù Cừ 2 ở khoảng chiều sâu 1.600m. Tương tự khu vực Kiến Xương cũng có ít than. Ở Phong Châu cũng có than nhưng những vỉa than chỉ dài 50 phân-1m, trữ lượng nhỏ.
Vì lẽ đó, theo ông Nguyễn Xuân Nhự, khi đặt vấn đề nghiên cứu trữ lượng chỉ nên làm đến chiều sâu không quá 2.000m
"Việc khai thác toàn bộ tài liệu dầu khí ĐBSH để phục vụ đề án này không ở đâu tinh nhuệ bằng lực lượng của Hội Dầu khí Việt Nam, nơi tập trung các chuyên gia hàng đầu nghiên cứu địa chất ĐBSH. Khối lượng tài liệu ấy hoàn toàn có thể làm rõ được cấu trúc địa chất của ĐBSH nói chung.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, việc đánh giá tài nguyên, khai thác than ở ĐBSH là vô cùng phức tạp và tốn kém. Nếu dùng ngân sách nhà nước để đánh giá tài nguyên thì ngân sách không chịu nổi.
Vì vậy, tôi đề nghị đánh giá tài nguyên ở mức cao nhất nhưng đánh giá trữ lượng ở mức thấp nhất để ngân sách có thể chịu được, đồng thời có con số trữ lượng có thể tin cậy vừa phải, trên cơ sở đó kết thúc điều tra cơ bản. Phần còn lại, các doanh nghiệp khai thác thì phải khoanh lại, để họ thăm dò, đưa ra phương án khai thác phù hợp và Nhà nước sẽ kiểm tra, quản lý việc ấy".
TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng dẫn các tính toán cho biết, trong 210 tỷ tấn trữ lượng than ở ĐBSH chỉ có thể khai thác được khoảng 30 tỷ tấn.
Dùng công nghệ nào?
PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam cho biết, các chuyên gia đánh giá công nghệ khai thác than có thể xem xét áp dụng tại bể than ĐBSH là công nghệ khai thác hầm lò, công nghệ khí hóa than ngầm và công nghệ hóa-sinh. Đến nay trên thế giới và ở Việt Nam chỉ mới có công nghệ khai thác hầm lò được áp dụng phổ biến trong thực tế, còn công nghệ khí hóa than ngầm và hóa-sinh còn rất mới mẻ, mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm.
Trước đây, trong Quy hoạch than 60/2012 đề xuất đầu tư dự án thử nghiệm khai thác theo phương pháp khai thác hầm lò và phương pháp công nghệ khí hóa than ngầm tại mỏ Khoái Châu (thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên) trong giai đoạn đến năm 2020. Tiếp theo trong Quy hoạch than 403/2016 đề xuất đầu tư dự án thử nghiệm khai thác tại Mỏ Nam Thịnh - Tiền Hải trong giai đoạn sau 2020 đến 2025.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên chưa triển khai thực hiện được dự án thử nghiệm nào. Do vậy, đến nay vẫn chưa biết được công nghệ hợp lý cho việc khai thác bể than ĐBSH.
Vị chuyên gia kiến nghị nên tập trung thử nghiệm khai thác tại mỏ Khoái Châu: "Việc điều tra, thăm dò than tại bể than ĐBSH tuy chưa nhiều song cũng đủ kết luận là tại đây có tiềm năng về than, than có chất lượng đáp ứng yêu cầu, điều kiện địa chất hết sức phức tạp, đặc biệt tại mỏ Khoái Châu đã thăm dò đạt cấp tin cậy, đủ điều kiện để lập dự án đầu tư khai thác thử nghiệm.
Vì vậy, công tác thăm dò nên tạm dừng (vì có thăm dò thì cũng để đó, do chưa xác định được công nghệ khai thác hợp lý để áp dụng, trong khi nguồn lực tài chính còn hạn hẹp) mà nên tập trung lập và tổ chức thực hiện dự án đầu tư thử nghiệm khai thác tại mỏ Khoái Châu, là nơi có các điều kiện thuận lợi hơn cả. Việc lập dự án thử nghiệm phải hết sức chi tiết, kỹ càng, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các mặt công nghệ, môi trường, an toàn, xã hội, bảo vệ tài nguyên nước và bề mặt.
Trên cơ sở kết quả thực hiện dự án thử nghiệm sẽ xác định các định hướng tiếp theo một cách phù hợp đối với hoạt động thăm dò, khai thác bể than ĐBSH".
Ông nhấn mạnh, việc xác định hiệu quả kinh tế khai thác than ĐBSH hiện nay là chưa thể được và không có ý nghĩa khi chưa biết có thể khai thác bằng công nghệ gì và có khả thi hay không.
Bàn thêm về công nghệ khai thác than ở bể than sông Hồng, TS Nguyễn Thành Sơn khẳng định, phương pháp khai thác lộ thiên đã bị loại bỏ hoàn toàn vì chi phí giải phóng mặt bằng là cực lớn.
Đối với phương pháp khai thác hầm lò, vị chuyên gia cũng cho rằng "nên quên đi" bởi nhiệt độ khai thác không đảm bảo. Theo tính toán, nếu xuống độ sâu 1.200m - độ sâu mà các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu, thì nhiệt độ đo được là khoảng 100-105 độ C. Cộng với nhiệt độ bình quân trên mặt đất là 27 độ C thì nhiệt độ bình quân dưới lòng đất ở độ sâu nói trên chừng 127 độ C, trong khi đó phải đảm bảo nhiệt độ khai thác quy chuẩn cho công nhân làm việc dưới mỏ là 21 độ C. Như vậy, chi phí phun gió xuống đó bao nhiêu cho vừa? Đây là lý do cần loại bỏ phương pháp khai thác hầm lò.
Đối với công nghệ khí hóa than ngầm dưới lòng đất bằng phương pháp hóa học, TS Sơn giải thích là, biến các mỏ than nằm sâu dưới lòng đất thành các mỏ khí, sau đó khai thác (đưa lên mặt đất) giống như khai thác khí.
Để biến than (nguyên tố hóa học có ký hiệu là C) thành khí (thường gọi là khí tổng hợp hay khí nhân tạo có thành phần cháy được cũng tương tự khí thiên nhiên, gồm CO, H2, CH4) chỉ cần bơm khí trời (có chứa 19-21% oxy) kèm theo nhiệt độ (có thể là hơi nước có nhiệt độ cao) xuống nơi có than. Các phản ứng hóa học sẽ xảy ra trong vỉa than, biến than thành khí và chỉ cần hút sản phẩm khí lên để dùng như khí thiên nhiên.
Muốn đưa khí trời xuống và hút khí tổng hợp lên, chúng ta phải khoan ít nhất 2 lỗ khoan từ trên mặt đất xuống tới vỉa than, 1 lỗ để bơm khí trời và hơi nước (nếu cần) xuống, còn lỗ kia để hút khí tổng hợp lên để dùng.
"Như vậy, công nghệ khí hóa cho ra sản phẩm khí tổng hợp tương tự khí thiên nhiên, chỉ có điều nhiệt năng thấp hơn.
Bản chất của công nghệ này là chuyển mỏ than thành mỏ khí, sau đó khai thác lên như khai thác khí. Về mặt môi trường, thử hỏi ngành dầu khí khai thác khí từ năm 1981 đến nay đã xảy ra ô nhiễm môi trường gì hay chưa?", TS Nguyễn Thành Sơn nói.
Về hiệu quả kinh tế, vị chuyên gia cho biết, giá dầu Singapore đưa về Việt Nam là 580 USD, kể cả giá vận chuyển, tính ra là 11,4 USD/1 triệu BTU (đơn vị nhiệt Anh). Còn giá khí ĐBSH nếu làm từ than ra, theo tính toán của chuyên gia Việt Nam là 3,7 USD/1 triệu BTU.
Ông Sơn đề nghị, nên chọn Khoái Châu làm nơi thử nghiệm công nghệ khí hóa than bởi đây là nơi khó nhất, đồng thời đã có sẵn mấy chục lỗ khoan, thông tin địa chất đầy đủ.
"Khi công nghệ chưa thành công thì không nên làm bất cứ việc gì", TS Sơn nhấn mạnh.
Ngày đăng: 03:00 | 14/11/2019
/ http://baodatviet.vn