UBND TP HCM vừa có quyết định quan trọng đối với các dự án BT trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, trong tuần sẽ tổ chức hội thảo đánh giá lại việc thực hiện dự án BT (xây dựng - chuyển giao) và tìm giải pháp điều hành, quản lý theo hướng công khai, minh bạch, đúng luật nhưng thông thoáng.

Kể từ nay, thành phố tạm ngưng các dự án BT đang trong quá trình thảo luận, đàm phán, xin ý kiến đến khi có quyết định mới. Một bài toán mà đô thị lớn nhất nước đã chọn giải pháp thận trọng, xét đến lợi ích chính đáng của người dân.

Cuộc họp về kinh tế - xã hội TP HCM trong 10 tháng đầu năm và triển khai công tác hai tháng cuối năm 2017 vừa diễn ra trong bối cảnh các lãnh đạo UBND TP HCM đã có cuộc làm việc riêng với các chủ đầu tư dự án BOT, BT trên địa bàn thành phố.

Cuộc họp này cho thấy sức nóng của nó, bởi chỉ sau đó ít ngày UBND TP HCM thông báo dừng tất cả 18 dự án BT (số vốn đầu tư gần 60.000 tỷ đồng) trên địa bàn tại cuộc họp về kinh tế - xã hội thường kỳ của thành phố.

Điều này có nghĩa, trong số 130 nhà đầu tư, với số vốn đăng ký 350.000 tỷ đồng của các dự án BT trên địa bàn thành phố nhiều dự án cũng sẽ phải tạm dừng lại khi quyết định này có hiệu lực. Chỉ riêng những dự án BT có chỉ đạo của Chính phủ thì thành phố sẽ cho tiếp tục thực hiện.

Nội dung cuộc họp về kinh tế - xã hội TP HCM 10 tháng đầu năm 2017 đã cho thấy những vấn đề lớn mà thành phố phải đi đến quyết định tạm dừng các dự án BT.

Thứ nhất, theo lý giải của lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM thì vấn đề nằm ở phương thức thanh toán cho loại hình đầu tư này hiện nay đặt ra một bài toán rất lớn.

Đó là việc ngân sách buộc phải thanh toán cho nhà đầu tư bằng khu đất có giá trị cao. Việc này cần thời gian để các lãnh đạo thành phố bàn bạc, dưới sự tham mưu của các sở ngành, để định lượng được cái lợi, cái hại của bài toán kinh tế này.

Trong khi đó, chính Chủ tịch UBND TP HCM khi tuyên bố thành phố sẽ tạm dừng các dự án BT, tuy nhiên vẫn nhìn nhận đầu tư đối tác công tư vẫn là xu thế chung mà nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện.

Thế nhưng thành phố cần thêm thời gian để tìm ra những giải pháp tốt nhất để phương thức đầu tư này được thực hiện đúng mục đích.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lãnh đạo TP HCM thận trọng với các dự án BT cũng là điều cần thiết, trước nhất là cho cái lợi của người dân.

Trong một đô thị lớn thì việc lập quy trình rõ ràng, công khai trách nhiệm của chính quyền được người dân hoan nghênh. Nhất là đối với các dự án BT phải cho đấu thầu rộng rãi.

Chính quyền thành phố tham gia với vai trò giám sát, định giá. Cụ thể, các sở ngành phải phát huy được vai trò của mình trong nhiệm vụ rà soát quỹ đất, có một cơ chế giám sát từ công trình đến thực thi hợp đồng để tham mưu cụ thể cho các chính sách của thành phố, giúp các dự án BT đi vào quỹ đạo đúng mục đích.

Đầu tư theo phương thức đối tác công tư phải cực kỳ chặt chẽ để tránh tiêu cực. Trước đây đã có thời gian UBND TP HCM phải tổ chức nhiều cuộc họp lớn nhỏ, các ý kiến sở ngành vẫn còn lấn cấn giữa phương thức xã hội hóa, cũng có xuất hiện việc này việc kia, nhưng đến giờ này khi đã quyết đoán được việc lựa chọn BT hay PPP cho thấy thành phố đã có cân nhắc rất cụ thể.

Cái thiếu chính là sự minh bạch, tính hiệu quả, đúng mục đích của các dự án này. Mà điều này cần thời gian nhất định.

Tính trong 5 năm qua, cùng với nhiều các phương thức đầu tư khác nhau, TP HCM đã đầu tư một triệu tỷ đồng để tăng trưởng. Sở Kế hoạch - Đầu tư Thành phố dự báo trong 5 năm (từ 2016-2020), thành phố sẽ cần thêm 1,8 triệu tỷ đồng nữa nếu muốn duy trì mức tăng trưởng từ 8-8,5% (GRDP) như hiện nay.

Tuy nhiên, để đạt được kỳ vọng phải xét đến cơ cấu nguồn tiền đầu tư hiện nay mà chính Sở Kế hoạch - Đầu tư đã công bố những con số biết nói.

Ngân sách thành phố bỏ ra khoảng 9%; nguồn tiền từ người dân, doanh nghiệp trong nước khoảng 61%, còn lại là từ các nhà đầu tư nước ngoài (30%).

Áp lực là rất lớn, nếu không nói tăng trưởng của thành phố phụ thuộc chủ yếu vào nguồn xã hội hóa và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, kỳ họp HĐND TP HCM cuối năm nay dự báo có thể nâng chỉ tiêu lên 171.000 tỷ đồng, đạt khoảng 30% trong kế hoạch tăng trưởng của thành phố.

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, để duy trì tăng trưởng ổn định trên 8% mỗi năm thì nguồn lực 61% từ người dân, doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt.

Nhưng để nguồn tiền này được khai thác tối ưu thì chính quyền phải làm gương trước, nhất là các tiêu chí về môi trường đầu tư, cải cách hành chính mạnh mẽ, nỗ lực chống tham nhũng và trong sạch bộ máy.

Chính lãnh đạo UBND TP HCM cũng thừa nhận, trên 300.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang có những bước phát triển bền vững hơn và đó là tín hiệu cho thấy họ có tâm huyết và muốn chia sẻ công việc với nhà nước và thành phố.

Trong khi đàm phán để chờ quy trình, UBND TP HCM cũng dự kiến tổ chức các hội thảo, tọa đàm về quản lý các dự án BT trên địa bàn thành phố để có đánh giá quy trình, đề xuất giải pháp quản lý về các dự án này, là một kênh để lãnh đạo thành phố xem xét có nên tái khởi động phương thức thu hút đầu tư này nữa hay không.

Tuy nhiên, điều chắc chắn là muốn được chính quyền đô thị này cho phép triển khai, các dự án BT phải rút được bài học kinh nghiệm từ các bất cập trong một số dự án BOT, BT vừa qua tại các địa phương Tiền Giang, Đồng Nai và một số tỉnh phía Bắc, đảm bảo quy định của pháp luật và phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.

TP HCM dừng tất cả các dự án BT đang đàm phán

Việc thực hiện các dự án BT phải hết sức minh bạch, đảm bảo các quy định của pháp luật

Bịt kẽ hở các dự án BT

Các chuyên gia cho rằng với những bất cập đang được đặt ra sau nhiều năm triển khai, cần bịt những lỗ hổng pháp lý ...

Dự án BT: Cơ hội cho lợi ích nhóm

Đối với những dự án BT (xây dựng - chuyển giao), do thiếu công khai, minh bạch, cùng những lỗ hổng pháp lý, rất dễ ...

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/minh-bach-du-an-bt-384362

Ngày đăng: 13:00 | 01/11/2017

/ Thành Luân/daidoanket.vn