Ba tuần gần đây, lượng người vào viện do mắc các bệnh đường hô hấp, tim mạch, đột quỵ tăng mạnh, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết lạnh.
Bác sĩ Tạ Hữu Ánh, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, những ngày qua số lượng bệnh nhân khám và nhập viện liên quan tới hô hấp tăng đột biến, nhiều ca tiên lượng nặng. Hiện 56 bệnh nhân điều trị tại khoa, trong khi chỉ có 51 giường cố định.
Vài ngày trước, bệnh nhân nam, 96 tuổi, chỉ ho nhẹ, khi nhập viện bị khó thở, nôn sặc vào phổi, phải can thiệp thở máy. Do tuổi cao, viêm phổi nặng, người bệnh không qua khỏi. Theo bác sĩ Ánh, triệu chứng mắc bệnh của người già thường không điển hình nhưng sẽ chuyển biến nặng rất nhanh trong điều kiện thời tiết quá lạnh, kéo dài.
Người bệnh có tiền sử huyết áp, tim mạch, đột quỵ cần theo dõi sức khoẻ sát sao.
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Vũ Quốc Đạt, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại cũng cho hay, khoảng hai tuần nay, số người đến khám và nhập viện do cúm tăng lên, song chưa có bệnh nhân nguy kịch. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh dễ có diễn tiến nặng, biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Võ Hồng Khôi, Giám đốc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, một tuần nay, thời tiết rét đậm, rét hại toàn bộ khu vực phía Bắc, lượng người vào cấp cứu tại Trung tâm cấp cứu A9, Trung tâm đột quỵ, Trung tâm thần kinh đều tăng ít nhất 10-15% so với tháng trước.
Trước đây, Trung tâm Thần kinh mỗi ngày tiếp nhận 30 - 50 bệnh nhân, song một tuần trở lại đây lên tới 60-70 ca mỗi ngày. Bệnh nhân mắc đa bệnh lý, từ đột quỵ não, chảy máu dưới nhện, huyết khối tĩnh mạch não, viêm não tự miễn, viêm não virus, bệnh lý nhiễm trùng, thần kinh. Bệnh viện phải huy động 12 y bác sĩ/ca trực quay cuồng với khối lượng công việc tăng đột biến.
"Thời tiết lạnh không chỉ ảnh hưởng đến người lớn tuổi mà cả người trẻ. Đặc biệt, bệnh nhân nặng ở tuyến dưới chuyển lên, khiến toàn bệnh viện quá tải", bác sĩ Khôi cho hay.
Theo bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn), thời gian gần đây, số lượng bệnh nhi nhập viện do các bệnh lý về đường hô hấp gia tăng. Đa số trẻ nhập viện với biểu hiện ban đầu thở khò khè, một số bị suy hô hấp, sốt cao.
“Hiện, khoa Nhi đang điều trị cho khoảng 100 trẻ, trong đó phần lớn là các bé mắc bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi, sốt xuất huyết, sốt virus, cúm A do thời tiết lạnh gây ra”, bác sĩ Sang nói.
Bộ Y tế khuyến cáo
Trước tình hình thực tế xảy ra rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, Bộ Y tế ra công văn yêu cầu các địa phương tăng cường hướng dẫn các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trong mùa lạnh.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9h đêm đến 6h sáng, khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dày để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang.
Bác sĩ điều trị cho người bệnh nhập viện do thời tiết rét đậm.
"Lưu ý, mọi người dân luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh; tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu bia đặc biệt là người dân ở miền núi cần chú ý vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong", Bộ Y tế nêu rõ.
Cơ quan y tế cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên tắm khuya sau 22h, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nước ấm để tắm, vệ sinh thân thể.
Với những người phải làm việc trong thời tiết lạnh cần giữ ấm cơ thể và làm việc với cường độ chậm; cần phải giữ người, tay chân khô ráo, tránh ẩm ướt đặc biệt công nhân làm việc ngoài trời, trong hầm lò… Đeo khẩu trang trong khi làm việc để bảo vệ đường hô hấp…
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để đảm bảo thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng.
Mọi người cũng không nên để các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi…) gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, vừa gây khô da, khô mũi, nguy cơ bỏng và cháy cao.
Khoảng cách tốt nhất khi đặt các máy sưởi này khoảng 1-2m và nên để chế độ quay với mục đích làm ấm phòng là chính, không nên chiếu sưởi trực tiếp vào người.
Ngày đăng: 16:45 | 26/12/2023
/