Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama khuyên sinh viên năm nhất quan tâm đến sức khỏe tâm thần, hạn chế thức ăn nhanh và tiệc tùng.
1. Sức khỏe tâm thần rất quan trọng
Trong buổi trò chuyện tại Đại học Howard (thủ đô Washington, Mỹ) vào tháng 7, Michelle Obama chia sẻ với sinh viên sức khỏe tâm thần là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng quyết định thành công. Trường đại học sẽ thử thách sức mạnh, tinh thần của sinh viên bằng nỗi nhớ nhà, các kỳ thi, số lượng bài vở. Nếu có sức khỏe tâm thần ổn định, các em sẽ nhanh chóng vượt qua áp lực.
"Các em hãy tự trả lời câu hỏi như Tôi có tập thể dục đủ hay không?, Có phải tôi chỉ ngồi trong phòng, không ra ngoài hít thở không khí trong lành? Các em phải tự tìm ra sự mệt mỏi trong tinh thần của mình và tìm cách giải quyết nó", bà nói.
2. Hạn chế thức ăn có hại cho sức khỏe và tiệc tùng
Michelle Obama chỉ ra hiện nay nhiều sinh viên phụ thuộc vào thức ăn nhanh như khoai tây chiên, kem vì được tự do, không có sự chăm sóc của gia đình. Tuy nhiên, những thực phẩm này sẽ gây hại cho sức khỏe. Sinh viên nên tìm ra chế độ ăn uống hợp lý, khỏe mạnh ngay từ năm nhất và duy trì thói quen này trong suốt những năm đại học cũng như sau này, ngay cả khi bận rộn nhất. Michelle gợi ý ăn nhiều rau, không nên ăn quá nhiều tinh bột.
Không chỉ thiết lập chế độ ăn uống hợp lý, sinh viên nên từ bỏ suy nghĩ tích cực tham gia các buổi tiệc tùng để giảm căng thẳng. Các loại đồ uống trong bữa tiệc như cocktail, rượu hay hút thuốc sẽ chỉ khiến tinh thần và cơ thể của các em suy nhược nghiêm trọng.
Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama. Ảnh: Shutterstock. |
3. Đừng bao giờ bỏ cuộc
Khi mới vào năm nhất đại học, đa số sinh viên học xa nhà trải qua cảm giác nhớ nhà, khó hòa đồng với môi trường mới, nhưng không nên lầm tưởng cảm xúc này là dấu hiệu cho thấy trường đại học không phù hợp với mình. Những cảm giác khó khăn này bất cứ ai cũng trải qua nếu phải rời xa môi trường sống quen thuộc và dễ khiến con người nản chí, bỏ cuộc. Tuy nhiên, hãy coi nó là thách thức, một phần của cuộc sống để học cách vượt qua và trở nên tốt hơn.
"Các em không thể bỏ cuộc ngay từ học kỳ đầu tiên tại trường đại học, hãy cho bản thân một chút thời gian và sự kiên nhẫn để làm quen, ổn định", Michelle Obama nói.
4. Quan tâm gia đình
Đối với sinh viên năm nhất, việc học đại học xa nhà sẽ thay đổi mối quan hệ giữa các em và gia đình, đặc biệt là với cha mẹ. Vì vậy, thay vì cuốn theo cuộc sống mới với nhiều tự do hơn, sinh viên nên tập trung vun đắp mối quan hệ gia đình đang dần chuyển đổi.
"Đừng ngạc nhiên khi nghe cụm từ làm bạn với cha mẹ và hãy bắt đầu xây dựng mối quan hệ thân thiết với họ như những người trưởng thành vì gia đình luôn là chỗ dựa đáng tin cậy và vĩnh viễn không phai nhòa", Matt Scanlan, nhà sáng lập, giám đốc điều hành công ty thời trang Naadam Cashmere nói.
5. Trí thông minh không quan trọng như bạn nghĩ
Theo Dheeraj Pandey, nhà sáng lập công ty phần mềm Nutanix, sinh viên năm nhất nói riêng và hầu hết sinh viên đại học nói chung tin rằng mình được đánh giá bởi điểm số bài kiểm tra. Nếu các em đủ thông minh, có IQ vượt trội, thế giới sẽ mở rộng cánh cửa chào đón.
Sở hữu IQ cao đúng là rất tuyệt vời nhưng không quá quan trọng như các em nghĩ. Trong công việc, điều quan trọng không kém trí thông minh là các kỹ năng mềm, bao gồm: khả năng làm việc nhóm, kết nối với đồng nghiệp hay thích nghi với hoàn cảnh và các kỹ năng khác. Vì vậy, nếu đạt điểm kém trong kỳ kiểm tra, các em không nên suy nghĩ quá tiêu cực mà nên dành thêm thời gian trau dồi kỹ năng, trí tuệ cảm xúc.
6. Kết nối với giảng viên
Giảng viên, giáo sư tại các trường đại học không chỉ dạy kiến thức và cho điểm, ngược lại họ mang lại những giá trị, cơ hội nghề nghiệp quan trọng cho sinh viên. Gina Argento, giám đốc điều hành công ty sản xuất Broadway Stages, cho biết một số giảng viên, đặc biệt người dạy tại các trường thương mại thường làm việc trong lĩnh vực giảng dạy. Từ đó, họ có thể kết nối, giới thiệu việc làm cho sinh viên. Nếu không, thư giới thiệu của giảng viên đại học cũng có thể mang lại giá trị khi các em đi xin việc sau này.
"Hãy duy trì mối quan hệ với các giảng viên, họ giúp các em kết nối với nhà tuyển dụng và luôn đưa ra những lời khuyên bổ ích", ông nói.
7. Tạo dựng thương hiệu cá nhân trên Internet
Thoạt đầu, cụm từ "thương hiệu cá nhân" nghe xa lạ đối với sinh viên đại học, nhưng trong thời đại công nghệ hiện nay, việc tạo dựng thương hiệu trực tuyến vô cùng quan trọng.
Khi sinh viên gửi đơn xin việc, nhà tuyển dụng thường xem xét các tài khoản mạng xã hội của cá nhân để tìm hiểu. Vì vậy, ngay từ năm nhất, thay vì đăng những điều tiêu cực, vô nghĩa, các em nên xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, có trách nhiệm trên Internet.
"Một quan niệm sai lầm phổ biến là chỉ cần tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp ngay sát khi đi phỏng vấn nhưng lúc đó đã quá muộn. Thương hiệu cá nhân không chỉ để sinh viên tìm việc làm mà sẽ giúp các em khám phá, mở rộng tâm trí và cơ hội đa lĩnh vực", Tai Tran, cựu trưởng nhóm nội dung của tập đoàn Apple, người sáng lập danh sách Forbes' 30 Under 30 chia sẻ.
Tú Anh (Theo Business Insider, Parade)
Mỹ: Trường đại học tặng mỗi sinh viên năm nhất một chiếc iPad
Mỗi sinh viên năm nhất khi vào Đại học bang Ohio (Mỹ) sẽ được cấp miễn phí một chiếc iPad Pro 10.5 inch, dung lượng bộ ... |
Ngày đăng: 09:13 | 18/12/2019
/ vnexpress.net