Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP.HCM vẫn tiếp tục lo chậm tiến độ vì đói vốn.
Bên lề hội nghị xúc tiến đầu tư vào TPHCM diễn ra vào ngày 11/10, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định thiệt hại sẽ khôn lường nếu tuyến metro số 1 tiếp tục đói vốn.
Dẫn lời ông Quang, báo Tiền phong cho hay, trục trặc trong việc giải ngân vốn ODA cho tuyến metro số 1 khiến nhà tài trợ rất quan ngại trong việc đầu tư những tuyến metro tiếp theo. Phía nhà tài trợ đã nêu quan ngại này trong quá trình làm việc với phía Việt Nam.
Tuyến metro số 1 đi về hướng quận 9, qua khu công nghệ cao. Các nhà đầu tư đang đầu tư vào khu vực này trong các cuộc họp với lãnh đạo TP.HCM, đều bày tỏ mong muốn sớm hoàn thành tuyến metro số 1 để họ nâng quy mô vốn đầu tư. Nếu không hoàn thành tuyến metro số 1 đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư vào khu công nghệ cao và nhiều dự án khác tại TP.HCM.
Trong năm 2017, Trung ương đã cấp thêm cho dự án tuyến metro số tiền 2.119 tỷ đồng nhưng đến nay đã sử dụng hết. Hiện nay dự án đang nợ các nhà thầu. Để xử lý khó khăn trước mắt, vừa qua UBND TP.HCM đã tạm ứng hai đợt: đợt đầu trước tết Nguyên Đán 2017 với số tiền 600 tỷ đồng. Mới đây, UBND TP.HCM tiếp tục tạm ứng 500 tỷ đồng để giải quyết các khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, việc tạm ứng chỉ là giải pháp tạm thời vì bình quân mỗi tháng chủ đầu tư phải trả cho các nhà thầu thi công từ 500-600 tỷ đồng.
Năm 2006, dự án tuyến metro số 1 được lên kế hoạch với tổng mức đầu tư dự toán là 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên sau 2 năm, con số này đã được điều chỉnh lên 47.000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư mới này đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt vào năm 2011.
Có thể thấy, việc đội vốn quá cao, nguồn vốn ODA rót về không đủ, mắc kẹt trong thanh quyết toán với các nhà thầu phụ…, đang là bài toán khó cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM để đưa dự án tuyến metro số 1 về đích đúng thời hạn.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc để các đại dự án bị đội vốn, kéo dài thời gian thi công sẽ làm tổn hại lớn đối với nền kinh tế. Bởi hợp đồng thiếu chặt chẽ dẫn đến việc “đâm lao phải theo lao”, nhà thầu đưa phía Việt Nam vào thế khi công trình dang dở khi họ yêu cầu tăng vốn thì còn cách nào khác đành phải chấp thuận.
Từng trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP. HCM HASCON chỉ rõ, tuyến metro số 1 rơi vào cảnh nguy ngập không có tiền đầu tư, không có tiền trả nợ, dẫn đến nguy cơ bỏ dở công trình chính là hệ lụy của những thiếu sót trong phê duyệt dự án.
Lẽ ra khi dự án muốn thực hiện phải có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, và tiếp theo là báo cáo nghiên cứu khả thi.
“Phải chứng minh được, không những hiệu quả kinh tế xã hội của dự án, mà còn phải chứng minh được khả năng sắp xếp và huy động vốn cho dự án. Vì vậy dự án này “đứt hơi” giữa chừng thật ra không có gì là lạ", ông nói.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, TP. HCM phải chịu trách nhiệm trước tình trạng hiện nay của về dự án metro Bến Thành – Suối Tiên. Bởi lẽ TP đã triển khai dự án khi chưa có sự chuẩn bị về vốn.
“Hiện nay UBND TP. HCM đang cố gắng tìm cách “cứu” dự án, bằng cách ra sức “xin” Chính phủ cấp tiền cho dự án. Không thể suy nghĩ như vậy được. Làm thế sẽ tạo ra những tiền lệ xấu về sau.
Theo tôi, nếu TP. HCM không tự xoay được tiền thì bắt buộc phải dừng dự án. Không thể cứ làm rồi thiếu lại xin Trung ương.
Cùng với việc dừng dự án, phải xem xét lại trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến sự trì trệ và yếu kém của dự án này”, ông lưu ý.
Ngày đăng: 12:29 | 14/10/2017
/ Theo báo Đất Việt