Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Theo thông tin từ đơn vị quản lý, vận hành tuyến là Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị số 1, các đoàn tàu trên tuyến Metro số 1 sẽ hoạt động từ sớm 5h sáng đến 22h đêm để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân các ngày trong tuần. Trong giai đoạn đầu tần suất chạy tàu được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách, đặc biệt là vào giờ cao điểm khi lượng hành khách đi làm và đi học. Trong đó, khung giờ cao điểm buổi sáng từ 6h đến 8h, buổi trưa từ 11h đến 12h và buổi chiều từ 15h30 đến 18h, tần suất chạy tàu sẽ rút ngắn xuống 8 phút/chuyến với 9 tàu vận hành.

Đại diện doanh nghiệp khai thác, vận hành tuyến cũng cho biết, giá vé được xây dựng nhằm phù hợp với khả năng chi trả của người dân, đảm bảo tính khả thi và giúp người dân dễ dàng tiếp cận phương tiện công cộng hiện đại, khuyến khích thói quen sử dụng giao thông công cộng, góp phần giảm tải cho đường bộ và giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Từ mục tiêu này, ngày 21/11 vừa qua Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đã ban hành quyết định về mức giá vé đối với hành khách đi lại trên tuyến Metro số 1.

Theo đó, giá vé đi suốt chặng cao nhất cũng chỉ ở mức 20 nghìn đồng/lượt; giá vé đi không hạn chế trong ngày là 40 nghìn đồng; vé đi 3 ngày là 90 nghìn đồng… đây là mức giá vé thực sự ưu đãi cho hành khách đi lại trên tuyến Metro số 1 bởi tuy có chiều dài lên đến 19,7km, tổng vốn đầu tư chưa tính chi phí dự phòng đã lên tới hơn 43.700 tỷ đồng, nhưng mức giá vé trên chỉ bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với giá vé tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước là tuyến Cát Linh - Hà Đông ở TP Hà Nội (chiều dài tuyến hơn 13km, tổng mức đầu tư hơn 18 nghìn tỷ đồng, giá vé mở cửa là 7 nghìn đồng/hành khách và cứ đi mỗi km khách đi tàu sẽ trả thêm 600 đồng; vé đi trong ngày là 30 nghìn đồng và vé tháng là 200 nghìn đồng…).

Metro số 1 sẽ khó tự cân đối thu, chi -0
Một đoàn tàu chạy thử trên tuyến Metro số 1.

Về lý do vì sao tuyến Metro số 1 của TP Hồ Chí Minh có mức đầu tư rất lớn nhưng giá vé lại khá rẻ như vậy, trong dự thảo tờ trình về ban hành mức giá vé của tuyến Metro số 1 đưa ra lấy ý kiến của các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan vào tháng 8/2023, Sở GTVT nêu rõ: Mức giá vé đề xuất dựa trên giá vé xe buýt có trợ giá ở TP Hồ Chí Minh và giá vé trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông của TP Hà Nội.

Đại diện Sở GTVT cho rằng, việc áp dụng phương pháp so sánh với giá vé của loại hình vận tải tương tự thay vì phương pháp tính giá vé trên tổng chi phí là phù hợp để tính tạm giá vé trên tuyến Metro số 1. Lý do, việc chậm hoàn thành tuyến Metro số 1 cùng với nhiều yếu tố khách quan khác đã dẫn đến các chi phí ước tính của tuyến Metro số 1 trong báo cáo nghiên cửu khả thi khi điều chính dự án không còn phù hợp. Mặt khác, tuyến Metro số 1 vẫn đang còn trong giai đoạn chưa kết thúc dự án và đang trong quá trình chuyển giao công nghệ. Từ đó, việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá vận hành, bảo trì tuyến, đơn giá chi phí vận chuyển hành khách trên tuyến Metro số 1 chưa được ban hành. 

Sau gần 9 tháng đưa tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước Cát Linh - Hà Đông vào khai thác, TS Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐTV- Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội đã thông tin: Bình quân ngày thường lượng hành khách đi lại trên trên tuyến đạt 22-24 nghìn lượt; ngày cuối tuần từ 25-30 nghìn lượt. Trong khi đó, tuyến Cát Linh - Hà Đông cũng mở cửa phục vụ hành khách từ 5h30 sáng đến 22h đêm với 6 đoàn tàu, chạy giãn cách 10 phút/chuyến. Cũng theo thông tin từ TS Vũ Hồng Trường, thời gian đầu do hành khách chủ yếu đi trải nghiệm nên lượng khách đi tàu tập trung ở 2 ga đầu, cuối chiếm đến 50%, 10 ga còn lại trên tuyến chỉ chiếm một nửa lượng khách đi tàu hàng ngày.

Nhưng chỉ vài tháng sau đó, khách đi tàu chủ yếu là những người có nhu cầu thực sự nên 2 ga đầu, cuối của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chỉ còn chiếm 30%; lượng khách còn lại phân bố đều ở các nhà ga trên tuyến. Khách đi tàu theo nhu cầu thực sự, nên hàng ngày đã có khoảng một nửa hành khách sử dụng vé tháng, riêng giờ cao điểm khách sử dụng vé tháng trên tuyến này chiếm 75-80%. Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, lượng khách đi lại ổn định trên một tuyến đường sắt đô thị trong ngày là bao nhiêu cũng đã thể hiện rất rõ qua những con số trên.

Về bài học kinh nghiệm bước đầu trong nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường sắt đô thị trên, TS Vũ Hồng Trường nhấn mạnh đến yếu tố các loại hình vận tải khách công cộng khác như xe buýt, taxi, xe công nghệ… sẽ đóng vai trò như gom khách, trung chuyển, giải tỏa khách cho các nhà ga trên tuyến. Trong đó riêng ga nhiều nhất là Yên Nghĩa có đến 21 tuyến xe buýt kết nối.

Thông tin được đưa ra sau khi vận chuyển đạt 16 triệu lượt hành khách sau 22 tháng hoạt động, tổng doanh thu từ bán vé đem về cho đơn vị vận hành, khai thác tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước chỉ đạt khoảng 120 tỷ đồng. Nên với dự kiến chạy trên 200 chuyến tàu mỗi ngày, chi phí vận hành của tuyến Metro số 1 cũng sẽ rất lớn. Điều đáng lo ngại hơn là hiện mới chỉ có 17 tuyến xe buýt kết nối với Metro số 1; điểm cuối tuyến là Bến xe Miền Đông mới lượng khách đến và đi hàng ngày cũng khá èo uột trong khi hệ thống bãi trông giữ xe cá nhân cho hành khách dọc tuyến chưa thuận tiện; hệ thống dịch vụ phục vụ khách đi tàu cũng cần có thời gian và hạ tầng để có thể phát triển. Do đó ngay từ bây giờ, TP Hồ Chí Minh cần có phương án tài chính dự phòng để kịp thời hỗ trợ kinh phí cho tuyến Metro số 1 hoạt động.

Ngày đăng: 20:57 | 22/11/2024

Bảo Sơn / CAND