Phải xử nghiêm trách nhiệm rồi mới giải quyết vốn, không tạo tiền lệ "thiếu là xin, xin là được"
Không thể dừng
Ngày 24/10, phát biểu tại phiên họp tổ Quốc hội, ĐBQH Trần Anh Tuấn - quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nêu vấn đề chậm vốn cho tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1) như một sự trục trặc điển hình trong điều hành ngân sách.
Tuyến metro số 1 chậm tiến độ do đội vốn quá lớn |
Trao đổi thêm với Đất Việt, ông Tuấn cho biết, chính sự thiếu linh hoạt này đã dẫn tới nhiều công trình bị chậm vốn, vốn không giải ngân được trong khi chúng ta vẫn phải chịu lãi.
Nêu dẫn chứng, ông Tuấn nói 9 tháng đầu năm chỉ giải ngân được 50% vốn đầu tư công, ước cả năm đạt 84%. Trong đó, vốn từ trái phiếu Chính phủ cả năm chỉ đạt 30%. Ông nhấn mạnh, tình trạng trên là điều rất đáng lo vì đây là nguồn vốn phải trả lãi, giải ngân càng chậm thì càng thiệt hại.
Trong khi ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, cần phải nhanh chóng đưa ra giải pháp cho dự án này vì dự án bắt buộc phải thực hiện, không thể bỏ dở giữa chừng được.
Là người đang trực tiếp tham gia đoàn giám sát dự án này, vị đại biểu đánh giá TP.HCM đã làm rất khách quan, minh bạch, không có dấu hiệu tiêu cực ở đây.
"Vốn cho Metro số 1 tăng là vì tổng lượng đầu tư tăng - tuyến đường dài hạn, nhiều trạm bảo dưỡng hơn...; thứ hai là trượt giá năm 2011 so với 2007 và thứ ba là thay đổi công nghệ: năm 2007 chỉ thiết kế công nghệ đáp ứng đến 2020 còn năm 2011 thiết kế đáp ứng đến 2040.
TP.HCM cũng mời hai đơn vị độc lập của Singapore thẩm định rồi. Họ làm rất đàng hoàng, minh bạch, không có gì khuất tất ở đây cả.
Tôi cũng đã gặp trực tiếp kỹ sư Singapore đang thi công dự án này. Tôi cũng xuống hầm thị sát trực tiếp cùng kỹ sư người Nhật Bản. Trong khi, đơn vị tư vấn thuộc Chính phủ Singapore, đơn vị giám sát là JICA (Nhật Bản), cả hai đơn vị đều thuộc những nước có thương hiệu, minh bạch...
Tất cả các bên đều đã thẩm định, đồng ý với đề xuất tăng vốn. Chính phủ cũng đã có ý kiến từ năm 2010 rồi, tại sao chúng ta còn chần chừ, chưa quyết định gây ảnh hưởng lớn tiến độ, môi trường đầu tư chung?
Tôi cho rằng, bây giờ, cần phải xem xét toàn diện và nếu phải cấp vốn cho họ thì phải khẩn trương đưa ra quyết định để họ tiếp tục thực hiện. Dự án không thể bỏ dở, như vậy còn nguy hiểm hơn nhiều. Việc này thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Quốc hội cần sớm đưa ra ý kiến", vị đại biểu nói.
Không thể cứ làm thiếu lại xin
Nêu quan điểm cá nhân, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đánh giá, dự án đầu tư chậm tiến độ, đội vốn, gây lãng phí nguồn lực, gây bức xúc lớn trong dư luận cần phải quy trách nhiệm cụ thể để xử lý.
"Quốc hội đã có ý kiến không xử lý nâng vốn cho bất kỳ dự án nào. Trong trường hợp có dự án bị đội vốn, Chính phủ phải dừng lại, tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá, tìm rõ nguyên nhân để đưa ra phương án xử lý. Nếu sai ở đâu phải xử lý nghiêm trách nhiệm ở đó, sau đó mới tính tới việc xem xét có điều chỉnh vốn hay không. Tình trạng đội vốn đã xảy ra ở nhiều dự án rồi, không thể có việc cứ đội vốn lại xin, xin rồi lại đội tiếp", ông Phương thẳng thắn.
Cùng quan điểm, ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng cho rằng "cần xem xét toàn diện, không để tình trạng cứ làm đã thiếu tiền tính sau".
Theo ông Xuyền, cần phải chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của Chính phủ, TP.HCM và các bên liên quan trong việc điều chỉnh tăng vốn của dự án này, tất cả đều phải được xem xét dựa trên những quy định của pháp luật.
"Việc phải điều chỉnh vốn là do TP.HCM hay do Chính phủ? Nếu thuộc phạm vi của Chính phủ, Chính phủ phải quyết, ngược lại, nếu thuộc thẩm quyền Quốc hội, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội. Nếu việc đội vốn do quy trình thẩm định, đánh giá thì phải xem xét trách nhiệm trong thẩm định, đánh giá. Nếu đội vốn do quy trình điều hành thì phải xác định rõ lỗi bên nào bên đó phải chịu trách nhiệm. Việc này đã có hồ sơ, trình tự, có quy định của luật pháp, không phải chối là xong", ông Xuyền nhấn mạnh.
Bộ KH-ĐT: TP.HCM đang hiểu nhầm Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp tổ Quốc hội sáng 24/10, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận sự chậm trễ trong điều hành vốn tại dự án metro số 1 TP.HCM có một phần lỗi của bộ. "TP.HCM có trách nhiệm một chút, Bộ GTVT một chút và Bộ KH-ĐT cũng có trách nhiệm đã thiếu đôn đốc các bên. Chúng tôi có trao đổi một vài lần nhưng chưa bàn được cách tháo gỡ. Hiện Bộ Kế hoạch đầu tư đang chủ động tìm hướng. Làm rất nhanh nhưng trước hết phải thống nhất lại cách hiểu, thống nhất quy trình: ai phê duyệt, xác định mức tăng có hợp lý hay không. Tăng 30.000 tỉ đồng không phải là số tiền nhỏ. Chúng tôi đang cố gắng làm nhanh và đưa ra giải pháp xử lý làm sao cho công trình hiệu quả, tiến độ không ảnh hưởng, không ảnh hưởng đến nhà tài trợ", ông Dũng nói. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng giải thích, có sự tranh cãi về quy trình, thẩm quyền phê duyệt tăng tổng mức đầu tư đang có sự hiểu chưa đúng. "Văn bản Chính phủ ký trước đây là đồng ý cho phép điều chỉnh dự án, chứ không phải phê duyệt điều chỉnh đó. Đó là hai cách hiểu khác nhau. Do cách hiểu chưa đúng nên TP.HCM nghĩ đã được phê duyệt tăng thêm vốn rồi. Bộ GTVT thiếu trách nhiệm theo dõi, giám sát. Bộ Kế hoạch đầu tư cũng có trách nhiệm thiếu đôn đốc, báo cáo. Trong báo cáo công trình trọng điểm hàng năm Bộ KH-ĐT vẫn đưa dự án này vào, nhưng thực tế chưa ai phê duyệt", ông Dũng giải thích thêm. |
Cần cơ chế riêng cho dự án metro Bến Thành-Suối Tiên
Với dự án metro tuyến Bến Thành-Suối Tiên sau khi tăng vốn từ 17.000 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn ... |
TP.HCM xin tăng vốn metro số 1: Rà soát lại rồi tính...
Kiến nghị xin vốn cho tuyến metro số1 của TP.HCM cần phải xem xét ở cả 3 nhóm nguyên nhân: lập dự án, tiến hành ... |
Cái mất của metro
Tôi là khách hàng của bà Khanh bán kính mắt trên đường Lê Lợi, Quận Nhất đã lâu. |
(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/metro-so-1-doi-von-khong-de-cu-lam-thieu-tinh-sau-3345733/)
Ngày đăng: 18:23 | 25/10/2017
/ Theo Hoài An/Đất Việt