Truyền thông quốc tế hoài nghi về khả năng Ukraine có thể bị bỏ rơi trong cuộc xung đột với Nga, khi xung đột kéo dài khiến phương Tây mệt mỏi, dần mất niềm tin.
Tạp chí Ngoại giao (Foreign Affairs) ngày 14/9 có bài bình luận với tựa đề "Liệu phương Tây có từ bỏ Ukraine", chỉ ra rằng trong cuộc xung đột Crimea năm 2014, Ukraine có rất nhiều bên ủng hộ. Pháp, Đức, Anh và Mỹ tìm cách giúp Ukraine thông qua các lệnh trừng phạt đối với Nga, nhưng họ từ chối can dự trực tiếp về mặt quân sự. Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào năm ngoái, phương Tây đã đưa ra nhiều hỗ trợ đầy tham vọng hơn cho Kiev.
"Nhưng liệu những lời hứa này có được đảm bảo không?", tờ Foreign Affairs đặt nghi vấn.
Binh sĩ Ukraine vác trên tay một tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Niềm tin của người phương Tây bị lung lay
Theo Foreign Affairs, một liên minh gồm các quốc gia giàu có và công nghệ tiên tiến nhất thế giới mang lại cho Ukraine những lợi thế đáng kể. Tuy nhiên, sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cũng đi kèm với những rủi ro và thách thức. Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ quân sự và tài chính của phương Tây. Nếu không có sự hỗ trợ quốc tế, nền kinh tế Ukraine sẽ khó vận hành nền kinh tế một cách bình thường.
Hiện nay, cử tri châu Âu và Mỹ đang đặt câu hỏi về sự ủng hộ lâu dài dành cho Ukraine, và những tiếng nói như vậy ngày càng nhiều lên và ngày càng lớn hơn.
Tại Mỹ, xung đột Nga - Ukraine đã trở thành điểm nóng trong cuộc tranh luận về việc người Mỹ nên quan tâm và đầu tư ra sao để hỗ trợ các đồng minh ở nước ngoài.
Ở châu Âu, dịch bệnh và lạm phát cao sau xung đột Nga - Ukraine đã gây áp lực lên nền kinh tế, niềm lạc quan về chiến thắng ở Ukraine bắt đầu lung lay, người dân bất an trước một cuộc chiến tranh quy mô lớn, bất tận nổ ra trên lục địa già.
Trong khi đó, những diễn biến ở tiền tuyến, đặc biệt là cuộc phản công tương đối chậm và kém hiệu quả của Ukraine hồi đầu mùa hè này, đã làm gia tăng mối lo ngại của những người phương Tây hoài nghi về việc ủng hộ Kiev. Cho dù có tăng tốc phản công thì chiến tranh cũng sẽ không sớm kết thúc. Bên ngoài Ukraine, các tiêu đề tin tức ngày càng ít tập trung về cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Nguy cơ mất viện trợ từ phương Tây
Theo Foreign Affairs, rủi ro chính mà Ukraine phải đối mặt không phải là sự thay đổi chính trị đột ngột ở phương Tây mà là sự tháo gỡ chậm chạp của mạng lưới viện trợ nước ngoài được buộc thắt cẩn thận.
"Ngay cả việc mất dần sự hỗ trợ cũng sẽ gây nguy hiểm cho Ukraine chứ chưa nói đến việc ngừng hỗ trợ đột ngột", bài viết nhận định.
Sự mệt mỏi đang ảnh hưởng đến châu Âu. Ví dụ điển hình nhất là Đức, nước đã thoát khỏi tình trạng thiếu hụt năng lượng do chiến tranh gây ra, sau đó tiếp nhận 1 triệu người tị nạn Ukraine và tăng dần viện trợ cho Ukraine.
Tuy nhiên, tính chất kéo dài của cuộc xung đột đã khiến người Đức thất vọng. Giá năng lượng cao, suy thoái kinh tế, lo ngại về phi công nghiệp hóa và liên minh quản lý hoạt động kém hiệu quả đều góp phần gây ra sự bất an.
Đối với người châu Âu, chiến tranh càng kéo dài thì càng khó xử lý, càng tốn kém và nó sẽ trở thành công cụ để Mỹ phô trương sức mạnh hơn là liên quan đến lợi ích cốt lõi của châu Âu.
Nhân tố khó xác định nhất là Mỹ. Trong các cuộc thăm dò gần đây, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden đều thấp hơn hoặc ngang bằng với cựu Tổng thống Donald Trump. Sự trở lại của ông Trump có thể là một "thảm họa" đối với Ukraine.
Ông Trump nhiều lần đề xuất Mỹ rút khỏi NATO trước sự chứng kiến của các quan chức chính quyền cấp cao. Cựu Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ.
Những lời hùng biện trong chiến dịch tranh cử như vậy cho thấy rằng ông Trump thích một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột, có thể là theo các điều kiện của Nga, hơn là tiếp tục một dòng viện trợ ổn định cho Ukraine.
Ông Trump hiện có thể không phải là ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, 2 trong số những ứng cử viên khác có số phiếu bầu cao nhất là Thống đốc bang Florida Ron DeSantis và doanh nhân Vivek Ramaswamy "cũng không ủng hộ Ukraine".
Một cuộc thăm dò của Gallup vào tháng 6 cho thấy, 50% đảng viên Cộng hòa tin rằng sự hỗ trợ của Washington dành cho Kiev là "quá mức", tăng từ mức 43% so với khi bắt đầu chiến tranh. Trong khi đó, 49% đảng viên Cộng hòa ủng hộ việc nhanh chóng chấm dứt xung đột.
“Đó là việc riêng của Ukraine”
Việc giảm bớt sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine cũng sẽ không chấm dứt ngay được cuộc xung đột với Nga. Ngay từ đầu, cuộc xung đột này đã là "việc riêng" của Ukraine. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ của phương Tây, Ukraine sẽ gặp phải hai khó khăn lớn.
Thứ nhất, binh sĩ Ukraine dành thời gian đáng kể để huấn luyện trên trang thiết bị của phương Tây. Các chiến lược gia Ukraine cũng được hưởng lợi rất nhiều từ sự hỗ trợ định vị và chia sẻ thông tin tình báo mà họ nhận được từ Mỹ và các nước khác. Nếu châu Âu và Mỹ cắt đứt các mối quan hệ này với Ukraine, điều đó sẽ gây ra những tổn thất vô cùng to lớn cho sức mạnh quân sự của Ukraine.
Thứ hai, sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine "không thể tách rời" khỏi sự tự nhận thức của Nga. Đây là một ván cược đối với phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Tổng thống Nga Putin đang đặt cược vào sự khôn ngoan chiến lược và sự kiên nhẫn của Mỹ, cũng như sự kiên nhẫn của NATO. Nếu Mỹ và các thành viên NATO khác mất kiên nhẫn trước Ukraine, điện Kremlin có thể sẽ tuyên bố cuộc chiến là "một chiến thắng chiến lược", điều có thể coi là một chiến thắng cho Moskva ngay cả khi Nga vẫn sa lầy trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngày đăng: 08:38 | 15/09/2023
Hoa Vũ / VTC News