Lionel Messi đang được ví von như nhân vật “cầm cờ kháng chiến” cho một sự thay đổi ý thức từ Ban lãnh đạo cho đến các cầu thủ trẻ ở Học viện La Masia...
La Masia không “nổi loạn” vì yêu và lòng trung thành
La Masia, Học viện đào tạo cầu thủ của câu lạc bộ Barcelona, được xây dựng bởi ý tưởng của huyền thoại Johan Cruyff. Cho đến giờ, nơi đây vẫn được đánh giá là một trong những lò đào tạo cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, trong đó, “sản phẩm” tinh túy nhất, vĩ đại nhất của họ là Lionel Messi.
Tất nhiên, ngoài Messi, La Masia đã sản sinh ra rất, rất nhiều cầu thủ xuất sắc, những người đã khẳng định vị thế và giành nhiều vinh quang về cho đội bóng cũng như bản thân. Thời điểm đáng tự hào nhất của La Masia, có thể nói là vào tháng 11.2012, khi Barca ra sân ở trận gặp Levante với toàn bộ 11 cầu thủ là những người do câu lạc bộ đào tạo.
Có những người dành cả sự nghiệp cho câu lạc bộ, có người ra đi từ khi còn trẻ rồi quay về cống hiến, có người chỉ chia tay khi đã bước vào những năm cuối sự nghiệp, nhưng điểm chung của họ là tình yêu dành cho Barca. Vì thế, Carles Puyol giải nghệ và không đá cho đội nào nữa, Xavi Hernandez hay Andres Iniesta chia tay rồi sang Châu Á chơi bóng để tránh phải đối đầu Barca, Cesc Fabregas đi rồi trở về rồi lại đi nhưng anh chưa bao giờ trách cứ Barca...
Ngoài triết lý bóng đá, La Masia còn dạy các cầu thủ về tình yêu và lòng trung thành. Nên nếu điểm qua những vụ “nổi loạn” đáng chú ý nhất trong lịch sử Barca, tất cả đều là người nước ngoài và không ai trưởng thành từ La Masia, như: Diego Maradona, Bernd Schuster, Michael Laudrup, Romario, Ronaldo de Lima, Luis Figo, Ronaldinho, Zlatan Ibrahimovic, Neymar.
Như đã nói, La Masia đào tạo ra nhiều cầu thủ giỏi, nhưng vấn đề là khi số lượng vị trí ở đội 1 là giới hạn thì phần đông lại chịu sự hắt hủi, ghẻ lạnh. Thiago Alcantara, người vừa vô địch Champions League cùng Bayern Munich, Cristiano Tello, Marc Bartra, Gerrard Deulofeu, Rafinha, Carles Alena, Carles Perez, Sergi Samper... có quá ít đất ở Camp Nou.
Cho đến khi Ban lãnh đạo của Chủ tịch Jose Maria Bartomeu hướng đến chủ trương dùng tiền mua ngôi sao, cánh cửa càng hẹp đi với các sản phẩm của La Masia. Trớ trêu là, trong khi họ không được thừa nhận, bị lãng quên ở chính Barca thì mới đây, khi 2 huấn luyện viên Luis Enrique và Luis de la Fuente công bố danh sách triệu tập của đội tuyển quốc gia và đội U.21, có tổng cộng 11 cầu thủ từng trưởng thành từ La Masia được gọi. Phần nhiều trong số đó đều thể hiện mình ở đội bóng khác, như: Eric Garcia, Dani Olmo, Josep Martinez, Marc Cucurella, Adama Traore... Mới đây, La Masia lại mất một tài năng trẻ nữa là Marc Jurado cho Manchester United...
Messi và lá cờ “kháng chiến”
Liệt kê những cái tên nói trên để chỉ ra một điểm khác biệt với các ngôi sao nước ngoài và điểm chung giữa họ với nhau. Với các ngôi sao ngoại, vấn đề đơn giản chỉ là hợp đồng lao động, bất đồng hay khúc mắc thì dứt tình, nổi loạn và chia tay. Còn là người La Masia, dù trong hoàn cảnh nào, giải nghệ, chia tay hay bị hắt hủi, bị đẩy ra đường thì tất cả đều như nhau, lặng lẽ và không muốn đối đầu câu lạc bộ. Có chăng, chỉ là sự hậm hực trong lòng rồi giữ lại cho chính mình.
Nhưng, đầu tuần trước, sản phẩm tinh túy nhất của La Masia đã kích nổ một quả bom. Messi quyết định gửi đơn yêu cầu được ra đi tự do và vẫn đang trong “ván cờ chiến tranh” với nơi được ví như ngôi nhà thứ hai của anh. Lý do vì sao, tất cả đều đã biết, nhưng ít ai biết rằng, Messi gần như là tên tuổi đầu tiên trong số các thế hệ từng trưởng thành từ La Masia “dám” thực hiện một cuộc nổi loạn như vậy.
Messi cũng yêu, cũng trung thành với Barca và sau những gì anh đã cống hiến, lẽ ra phải là một lời chia tay trong danh dự, một sự tôn vinh với những gì đáng trân trọng nhất thì giờ đây, 2 bên sẵn sàng đưa nhau ra tòa.
Giới chuyên môn bình luận rằng, Messi đang “chiến đấu” không chỉ cho cá nhân anh mà là để lật đổ một thể chế đã chọn con đường sai lầm, đã không thể quay lại nhưng cũng không chấp nhận kết thúc sớm. Năm 2012, thủ môn Victor Valdes, người có trong đội hình 11 cầu thủ của lò La Masia cùng ra sân, đã nói một cách đầy tự hào: “Đó là điều mà tất cả các đội vĩ đại khác trên thế giới đều muốn hướng tới. Tại sao không? Bởi bạn không cần phải ký hợp đồng lớn để có một câu lạc bộ tuyệt vời”.
Đây là kết quả của công việc đã được thực hiện từ 15 đến 20 năm trước và rõ ràng nó không xảy ra chỉ sau một đêm…”.
15 đến 20 năm để có một thế hệ, nghĩa là cần sự duy trì, tính liên tục và yếu tố trung thành với triết lý của câu lạc bộ. Tất nhiên, nó còn phụ thuộc vào các đời chủ tịch, nhưng khi yếu tố cốt lõi bị vứt bỏ, đội bóng cứ thế đi chệch hướng lúc nào không hay.
Khó có thể cho rằng, cách Messi làm trở thành tấm gương cho các thế hệ cầu thủ sau sẵn sàng đứng lên “làm loạn”, nhưng đó là hành động cần thiết để “thức tỉnh” lãnh đạo câu lạc bộ về tầm nhìn dài hạn, cũng như sẵn sàng ném hàng đống tiền vào các sao ngoại quốc mà không dành một phần nhỏ nuôi “những hạt giống trẻ” cho tương lai bền vững.
Ngoài Messi, đội hình 1 Barca hiện có 3 cầu thủ trưởng thành từ lò La Masia là Gerard Pique, Sergio Busquets, Jordi Alba, cùng 3 nhân tố trẻ trên ghế dự bị là AnsuFati, Riqui Puig và Alex Collad. |
Lê Vinh
“Cầm đèn chạy trước ôtô”, Man City lên kịch bản ra mắt Messi |
Chân gỗ Braithwaite yêu sách, đòi mặc áo số 10 của Messi |
Man City soạn sẵn hợp đồng cực dị để đón Messi |
Ngày đăng: 23:18 | 31/08/2020
/ laodong.vn