Đại sư Thích Đức Dương, truyền nhân đời thứ 31 của Thiếu Lâm Tự, được xem là cao thủ mạnh nhất của môn phái này.
Theo Baidu, đại sư Thích Đức Dương là nhân vật nổi tiếng nhất của Thiếu Lâm Tự khi đảm nhiệm vai trò tổng giáo đầu của đoàn võ tăng Thiếu Lâm. Điều đặc biệt về đại sư Thích Đức Dương là ông đã tìm tới Thiếu Lâm Tự do mê 2 tác phẩm văn học Tây Du Ký và Thủy Hử.
Mê "Tây Du Ký" và "Thủy Hử", quyết trở thành đệ tử Thiếu Lâm
Đại sư Thích Đức Dương tên thật là Sử Vạn Phong, sinh năm 1967 tại huyện Thái Khang, tỉnh Hà Nam, trong một gia đình quân nhân. Đáng lẽ, ông sẽ nối nghiệp cha anh để gia nhập quân đội, nhưng không ai ngờ rằng ông lại quyết định xuất gia.
Trong một cuộc phỏng vấn, Thích Đức Dương chia sẻ: "Hồi nhỏ, tôi rất thích hai tác phẩm ‘Tây Du Ký’ và ‘Thủy Hử’. Tôi ngưỡng mộ thầy trò Đường Tăng trên hành trình thỉnh kinh, trải qua muôn vàn gian khổ để đạt được chân kinh. Tôi cũng rất khâm phục các vị anh hùng trong ‘Thủy Hử’ với võ nghệ cao cường, luôn hành hiệp trượng nghĩa. Đó là lý do tôi chọn Thiếu Lâm Tự".
Sau khi tốt nghiệp cấp hai năm 1983, ông đề nghị gia đình cho phép đến Thiếu Lâm Tự tu hành, nhưng bị phản đối kịch liệt. Vì quá quyết tâm, ông đã bỏ nhà ra đi một mình đến Tung Sơn. Tuy nhiên, gia đình đã tìm thấy và đưa ông về. Nhưng cha ông – ông Sử Tuấn Lĩnh – thấy con trai quá kiên định, nên cuối cùng cũng đồng ý và đích thân đưa ông đến Thiếu Lâm Tự.
Đại sư Thích Đức Dương là cao thủ số 1 của Thiếu Lâm Tự
Ban đầu, các trưởng lão Thiếu Lâm không chấp nhận cho Sử Vạn Phong xuất gia vì ông mới 16 tuổi, có thể chỉ là hứng thú nhất thời. Trước tình thế này, cha ông đã đưa con trai đến một trường võ thuật địa phương để rèn luyện. Ngôi trường mà Sử Vạn Phong được đưa tới do võ sư Vương Trường Thanh sáng lập.
Nhờ khổ luyện, Sử Vạn Phong nhanh chóng được thầy chú ý và quý mến. Khi biết nguyện vọng muốn xuất gia của ông, Vương Trường Thanh đã giúp ông được nhận vào Thiếu Lâm Tự vào cuối năm 1983. Tại đây, ông xuống tóc và lấy pháp danh Thích Đức Dương.
Tuy nhiên, sau khi vào Thiếu Lâm Tự, những ước mơ đẹp đẽ trước đây của Thích Đức Dương nhanh chóng bị những quy tắc nghiêm ngặt của ngôi chùa nghìn năm này làm tiêu tan. Ngoài việc tuân thủ lịch sinh hoạt nghiêm khắc, Thích Đức Dương chỉ có thể chạy bộ, leo núi, tụng kinh, canh gác, tuần tra và làm các công việc lặt vặt khác.
Cao thủ mạnh nhất Thiếu Lâm Tự
Thích Đức Dương nhận ra rằng, nếu cứ tiếp tục như vậy, khi nào mình mới có thể luyện thành công phu như mong muốn? Vì vậy, ông đã thỉnh giáo các trưởng lão trong chùa, nói rằng mình muốn học võ thuật như trong phim "Thiếu Lâm Tự". Các trưởng lão nghe xong liền cười và nói: "Phim ảnh chỉ là phim ảnh thôi, nếu con thực sự muốn học võ Thiếu Lâm, thì phải chịu rất nhiều khổ cực, con có chịu được không?"
Thích Đức Dương lập tức đáp: "Thưa các sư phụ, Đức Dương chịu được! Dù có khổ cực đến đâu, con cũng quyết học võ Thiếu Lâm!". Sau đó, Thích Đức Dương được giới thiệu đến chỗ Thiền sư Tố Hỷ học võ công Thiếu Lâm.
Thích Đức Dương dù đã có chút nền tảng võ thuật, nhưng việc luyện tập khắc nghiệt hơn ở Thiếu Lâm Tự cũng khiến ông cảm thấy khó khăn. Tuy nhiên, ông đã kiên trì vượt qua, điều này khiến Thiền sư Tố Hỷ rất hài lòng.
Thời gian trôi qua, công phu của Thích Đức Dương ngày càng tiến bộ, dần trở thành cao thủ số một của Thiếu Lâm Tự, được Thiền sư Tố Hỷ cùng các tăng chúng trong chùa công nhận rộng rãi. Với công lực thâm hậu, ông đã đạt đến trình độ điêu luyện trong các tuyệt kỹ Thiếu Lâm như "Phong Bái Liễu", "Bát Đoạn Cẩm", và "Dịch Cân Kinh".
Đại sư Thích Đức Dương tinh thông nhiều môn võ của Thiếu Lâm Tự
Tháng 8/1992, Thích Đức Dương được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn Võ tăng Thiếu Lâm kiêm Tổng giáo đầu. Hàng ngày, ngoài việc truyền dạy võ thuật cho các đệ tử trong chùa, ông còn đảm nhiệm việc tiếp đón những người từ khắp nơi đến tham quan, giới thiệu với họ về lịch sử nghìn năm của Thiếu Lâm Tự cũng như võ thuật Thiếu Lâm.
Với sự phát triển của xã hội và thay đổi của thời đại, Thích Đức Dương đã có những ý tưởng mới trong việc quảng bá võ thuật Thiếu Lâm, đó là chủ động đi ra nước ngoài, giới thiệu võ thuật Thiếu Lâm đến các quốc gia khác. Sau khi nhận được sự ủng hộ, Thích Đức Dương đã dẫn đầu Đoàn Võ tăng Thiếu Lâm đi ra nước ngoài, đến các quốc gia như Nhật Bản, Bolivia, Tây Ban Nha, Serbia, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Mỹ và nhiều nước khác, biểu diễn võ thuật Thiếu Lâm và quảng bá văn hóa Thiếu Lâm.
Những màn biểu diễn ấn tượng của Đoàn Võ tăng Thiếu Lâm đã chinh phục vô số người yêu thích võ thuật ở nước ngoài. Trong nhiều năm, đại sư Thích Đức Dương còn biên soạn và xuất bản hàng loạt sách chuyên khảo, giáo trình và DVD về võ thuật Thiếu Lâm, bao gồm "Thiếu Lâm Mê Tông Quyền", "Thiếu Lâm Thất Tinh Quyền", "Thiếu Lâm Đại Hồng Quyền", "Thiếu Lâm Pháo Quyền", "Thiếu Lâm La Hán Thập Bát Thủ", "Thiếu Lâm Bát Đoạn Cẩm", "Thiếu Lâm Đạt Ma Trượng", "Thiếu Lâm Thái Hòa Công", "Thiếu Lâm Chiêu Dương Quyền", "Thiếu Lâm Mật Tông Điểm Huyệt Thần Công", cùng hơn 70 đầu sách và DVD khác.
Ngày đăng: 08:35 | 11/02/2025
SƠN TÙNG / VTC News