Nhà văn hóa Phan Oanh đã thốt lên chua xót với tôi: "Dân sính lễ là điềm suy xã tắc. Bao giờ dân ngộ đạo mới là điềm thịnh của quốc gia”.
Nhà văn hóa Phan Oanh đã thốt lên chua xót với tôi: "Dân sính lễ là điềm suy xã tắc. Bao giờ dân ngộ đạo mới là điềm thịnh của quốc gia”.
Tháng Bảy âm lịch là mùa Vu Lan báo hiếu. Nhưng với tín ngưỡng dân gian, đây cũng là tháng cô hồn. Đến các đình chùa, miếu mạo, ta luôn thấy cảnh nườm nượp người chen lấn đi lễ, khấn vái xì xụp, khói nhang, khói đốt tiền vàng mù mịt. Một số người chứng kiến cảnh đó thì lạc quan cho rằng, đó là vì dân ta mộ đạo, đạo ở Việt Nam đang thịnh. Nhưng với tôi, đó là một thực trạng đáng buồn, đáng lo, thậm chí, rất đáng báo động. Vì sao?
Ngạn ngữ dân tộc ta có câu: "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa". Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh tạm cắt nghĩa rằng, thứ nhất tu tại gia không phải là cúng lễ tại nhà. Đó là mối quan hệ giữa người với người trong huyết tộc. Ví như cha mẹ tôi sinh hạ được 5 người con. Nhưng bố mẹ nói "chỉ thích ở với cô Oanh thôi", thì cô Oanh nuôi mẹ, đó là nhân duyên, cái lý của nhà Phật. Lúc khỏe cụ trông nhà cho là duyên. Lúc ốm thì là nợ. Cụ ở với tôi thì dứt khoát nhân tài, vật lực, công hạnh, bản thân tôi phải cống hiến 70%, còn bốn vị kia chỉ có 30% thôi.
Nếu vô đạo, tôi sẽ bảo rằng, cụ đẻ ra được 5 người chứ không phải mình tôi, các ông bà chia nhau đến để mà hầu cụ. Còn nếu tôi ngộ đạo, tôi làm bằng sự tự nguyện, tôi được công đức. Đấy mới là tu. Chứ không phải rằm, mồng một, con không đến chùa, con lễ ở nhà là tu tại gia.
"Thứ nhì tu chợ" là mối quan hệ ngoài huyết tộc nhưng diễn ra sắc tục. Chị tử tế, chị đi chợ đoan trang. Bà nhẹ nhàng, bà đi chợ ý nhị. Tôi tham, tôi mua một cái cải bắp, bằng được tay nem tay chanh thêm cho bác củ hành. Qua hành vi mua bán bộc lộ hết tính nết, bao nhiêu "nọc độc" có cơ lộ rõ, đi đến công đường không nghĩ chuyện làm chỉ nghĩ chuyện lật đổ. Trong khi đó, trong số mệnh mình, nếu mình hiểu mình chỉ là quân xe thì làm sao mình lên tướng được. "Vốn" của mình nó thế, nó phải thế. Phật nói rất rõ ràng, nó là nhân quả. Còn nếu hiểu, kiếp này mình rất giỏi nhưng chỉ làm trợ lý, làm quân xe thì mình làm hoàn thành công việc của xe. Mình đã đắc đạo.
"Thứ ba tu chùa" nghĩa là tu ở nhà cho tâm sáng, ứng xử ở ngoài cho đức rộng thì anh đến chùa là báo công với người Mẹ thiên nhiên. Mà một là công, hai là tội. Ở Việt Nam bây giờ, người hư đi lễ nhiều. Tôi biết có người đánh đề ngày nào cũng đi lễ, người ham cà phê cá độ bóng đá, người chạy trốn pháp luật, buôn gian bán lận rất chăm đi lễ... Còn những người đổ mồ hôi sôi nước mắt, đầu tắt mặt tối làm quần quật thì thời gian đâu mà đi lễ. Cho nên, dân sính lễ là điềm suy xã tắc. Cho nên, phải tốt từ nhà, tốt đến xã hội rồi mới tới tốt lễ. Một câu đơn giản mà tôi thấm thía vô cùng, càng ngẫm càng thấy đúng.
Ai ưu thời mẫn thế cũng lo lắng trước sự băng hoại của đạo đức xã hội. Tôi nghĩ, một nền đạo đức xã hội tốt đẹp, nhân văn trông cậy rất nhiều vào tôn giáo, trong đó có đạo Phật. Song muốn phục vụ xã hội tốt thì trước hết, các nhà tu hành phải thanh lọc hàng ngũ của mình, thanh lọc thân, khẩu, ý của mình thì mới có thể giúp thanh lọc xã hội. Đạo Phật không chỉ là một tôn giáo mà còn là kho tàng tuệ giác với những phương pháp rất cụ thể có thể giúp con người tháo gỡ, chuyển hóa khó khăn, khổ đau, kiến tạo tình thương, hạnh phúc, ngăn được sự sa đọa.
Bên cạnh đó, một nền đạo đức xã hội tốt đẹp bao giờ cũng được xây dựng bắt đầu từ chữ "hiếu". "Hiếu" là lòng hiếu thảo, tôn kính, yêu thương cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Một người không biết yêu thương cha mẹ khó mà yêu thương người khác. Không phải ngẫu nhiên, tổ tiên chúng ta đã đề cao chữ "hiếu", đã ý thức thiết lập một xã hội tốt đẹp trên nền tảng của đạo "hiếu". Đạo Phật cũng đề cao chữ "hiếu". Mùa Vu Lan vào tháng bảy âm lịch chính là mùa để ta tưởng nhớ và báo hiếu công ơn cha mẹ. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã sáng tạo ra lễ Bông hồng cài áo. Bông hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý. Người đến chùa những ngày này đều không quên dừng lại để cài lên ngực một bông hồng. Bông hồng đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ, bông màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng trắng cho những người kém may mắn khi không còn cha, mẹ trên đời.
Điều đáng mừng là những năm gần đây, tại các chùa và hội đoàn Việt Nam, vào lễ Vu lan, nghi thức "bông hồng cài áo" ngày càng trở nên phổ biến. Cũng vào ngày này năm ngoái, tại Hiên trà Trường Xuân, Hà Nội, tôi và những người bạn đạo đã tổ chức đêm Vu Lan với chủ đề "Bạn đã hôn cha mẹ bao giờ chưa?". Trong không gian tĩnh lặng, chúng tôi cùng nhau ngồi thiền, tĩnh tâm lắng nghe tùy bút "Bông hồng cài áo" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chúng tôi cùng chia sẻ những câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng. Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi. Có những giọt nước mắt cảm động, song có cả những giọt nước mắt ân hận, xót xa của người từng có những lời nói, việc làm khiến cha mẹ buồn lòng. Chúng tôi chợt hiểu về lẽ vô thường ở đời. Rằng có thể ngày mai, mình sẽ không còn cha mẹ nữa. Bởi vậy, nếu như muốn nói lời yêu thương nào, muốn làm điều gì tốt đẹp hiến tặng cha mẹ, ta phải nói ngay bây giờ, làm ngay lúc này.
Đúng như Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ dẫn: chiều nay khi đi học hoặc làm việc ở sở về, em hãy ngồi xuống bên mẹ, nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?". Câu hỏi không cần được trả lời. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.
Tương truyền Đức Phật dạy rằng, vào thời chưa có Phật ra đời thì thờ cha, thờ mẹ cũng là thờ Phật. Vì cha mẹ là Phật đó. Đừng mất công đi tìm Phật ở nơi nào khác. Cha mẹ chính là Phật sống trong nhà. Ngày hôm nay, ta nói được lời yêu thương nào, làm được điều gì tốt đẹp để cha mẹ vui thì làm ngay đi, đừng để đến ngày mai, e rằng quá muộn.
Hoàng Anh Sướng
Ngày đăng: 21:39 | 30/08/2020
/ vnexpress.net