Khi có thai, vì quá chăm lo cho thiên chức làm mẹ, nhiều chị em phụ nữ đã chủ động tự tìm hiểu thông tin chăm sóc sức khỏe, thậm chí tự ý áp dụng các bài thuốc truyền miệng tràn lan trên mạng khiến tính mạng của cả mẹ và con đều gặp nguy hiểm.

Trong dân gian có rất nhiều bài thuốc chữa động thai đã được chị em áp dụng và cho kết quả khá khả quan. Tuy nhiên, theo cảnh báo của chuyên gia, tự ý dùng thuốc không có liều lượng, dù lành tính cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi.

Cẩn thận sảy thai vì uống lá tía tô

Thời gian gần đây trên mạng xã hội, các chị em thường tự chia sẻ cho nhau những bài thuốc an thai như uống nước lá tía tô, ăn mía hấp, uống nước củ gai… để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và em bé. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Liên, 36 tuổi, ở Hà Nội là một điển hình.

Nghỉ dưỡng an thai

Cưới nhau hơn 10 năm mới có thai, chị thế nhưng đến tháng thứ 3 thì lại có dấu hiệu dọa sảy. Chị Liên đã chia sẻ trên một nhóm kín của các bà mẹ nhờ mọi người chia sẻ bí quyết an thai. Dòng chia sẻ của chị Liên đã nhận được rất nhiều bình luận của mọi người. Nhưng thay vì khuyên mẹ bầu đi khám thì mọi người lại chia sẻ những bài thuốc truyền miệng nhau. Ví dụ, uống nước ép lá tía tô, ăn cháo nấu với 10 lá tía tô, ăn mía hấp, uống củ gai…

Chưa biết thực hư khả năng an thai, động thai của các bài thuốc trên như thế nào. Nhưng việc tự ý dùng thuốc không có liều lượng dù lành tính cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của em bé. Nhiều bà bầu uống nước tía tô mà chưa biết thực hư công dụng của loại lá này ra sao nhưng đã thử áp dụng theo, thậm chí có người còn uống dài ngày thay cho nước lọc.

Trường hợp chị Sâm ở huyện Từ Liêm, Hà Nội là một ví dụ điển hình. Cho đến giờ khi nằm ôm ấp cậu con trai được nửa tháng tuổi, chị Sâm vẫn chưa kịp hoàn hồn do trót nghe theo “mách bảo” của bạn bè. Chị Sâm cho biết, khi mang bầu đến tháng thứ 7, chị bắt đầu lấy lá tía tô đun lên và làm nước uống thay nước lọc hàng ngày vì nghe nói lá tía tô có tác dụng an thai, lại giúp quá trình chuyển dạ nhanh chóng.

Chị uống triền miên suốt 2 tháng và trong quá trình ấy cũng không đi khám thai, đến khi vào BV khám và làm thủ tục đăng ký sinh thì các bác sĩ ở BV Y học Cổ truyền Hà Nội vội vã chỉ định chuyển chị đến khoa Việt Nhật, BV Bạch Mai khám, theo dõi do huyết áp của chị lên quá cao. Chị đến BV Bạch Mai khám, các bác sĩ liền yêu cầu nhập viện ngay lập tức và sáng hôm sau tiến hành hội chẩn, mổ gấp để lấy cháu bé ra. Nếu không xử lý kịp thời có lẽ cả chị và con đã gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Trao đổi về vấn đề này, lương y Vũ Quốc Trung (chủ trì phòng khám y học cổ truyền chùa Cảm Ứng) cho hay: “Trong Đông y lá tía tô được gọi là tô diệp, một loại thuốc có tác dụng giải cảm. Với người có thai, việc dùng lá tía tô trong vòng 2-3 ngày để chữa cảm cúm cũng rất tốt.

Tuy nhiên, người có thai dùng tía tô dài ngày, đặc biệt là dùng thay nước uống hàng ngày lại có thể gây nguy hại cho thai. Lý do là lá tía tô nóng, khi ở đầu thai kỳ cơ thể đa nhiệt nếu dùng lâu ngày, dùng nhiều dễ làm nóng thêm, có thể dẫn đến sảy thai.

Lá tía tô

Trong thai kỳ nói chung, cơ thể thai phụ cũng nóng nếu dùng lá tía tô dài ngày có thể dẫn đến tăng huyết áp”. Phụ nữ mang thai bị huyết áp cao có thể gặp phải các biến chứng như tiền sản giật, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau. Nguy cơ của thai nhi là chậm phát triển trong buồng tử cung và bị đẻ non. Đặc biệt nghiêm trọng là để lại hậu quả lâu dài trên hệ tim mạch.

An thai đúng cách

Lương y Vũ Quốc Trung cho rằng, đối với các bài thuốc an thai được lan truyền trên mạng xã hội hiện nay như sử dụng lá tía tô hay mía hấp đều lành tính nhưng dùng không có tác dụng an thai. “Dân gian thường dùng cành tía tô hay còn gọi tô ngạnh để an thai chứ không phải là lá tía tô. Cành tía tô sắc lên uống 20g/ ngày. Uống thành nhiều lần. Chỉ uống 7-10 ngày giúp an thai chống dọa sảy thai, không dùng lá nhưng phải có chỉ định, không nên tự tiện làm”, lương y Trung nói.

Theo ông các kinh nghiệm dân gian truyền miệng như trên có thể thích ứng với một số người nào đó. Tuy nhiên, để áp dụng cho tất cả mọi người, cần khảo sát, nghiên cứu đầy đủ hơn. Tác dụng của Đông dược nói chung không chỉ đơn thuần do thành phần hóa học của vị thuốc quyết định mà còn phụ thuộc rất nhiều vào trạng thái sinh lý và bệnh lý của cơ thể, cũng như cơ địa của từng người…

Có vị thuốc (hoặc thức ăn) rất tốt với một người nào đó, nhưng người khác sử dụng lại không hợp. Vì vậy, mọi thai phụ không nên nghe theo những kinh nghiệm truyền miệng, thiếu căn cứ mà tùy tiện sử dụng các loại thuốc này để tránh những hậu quả đáng tiếc cho thai nhi và bản thân.

Đối với bài thuốc từ củ gai thì trong Đông y, củ gai là vị thuốc quý dùng làm bài thuốc an thai. Củ gai hay còn gọi trữ ma căn, rễ gai có vị ngọt tính lạnh không độc đi vào 2 kinh can, tâm, tác dụng an thai cầm máu giải nhiệt, giải độc, lợi tiểu, bí tiểu.

Củ gai chữa các chứng động thai, dọa sảy thai dùng cho người có tiền sử sảy thai, người bí tiểu, tiểu ra máu, viêm tử cung, phụ nữ xích bạch đới…Tuy nhiên, việc dùng như thế nào và dùng ra sao phải có sự tư vấn của bác sĩ, không được tự tiện dùng dễ dẫn đến nguy hiểm.

Lương y Vũ Quốc Trung cho hay: “Củ gai có tính hàn chỉ nên uống đúng liều lượng quy định và uống trong thời gian từ 1 đến 3 ngày phải dừng. Không nên uống kéo dài sẽ ảnh hưởng tới thai nhi và thai phụ. Người có chứng tỳ, vị hư, ỉa chảy thì không nên uống”.

Theo Lương y Vũ Quốc Trung, phụ nữ đang mang thai tránh lao động làm việc quá sức. Người có tiền sử sảy thai, dọa sảy thai cần phải có chế độ ăn đầy đủ khí huyết để nuôi dưỡng thai nhi tốt. Hạn chế làm công việc bê vác…

Khi bị động thai không được xoa bóp, tác động mạnh lên bụng. Đây là thời điểm nhạy cảm, vì vậy, bầu nên tránh quan hệ tình dục. Đồng thời, hạn chế tiến hành việc thăm khám kiểm tra âm đạo để tránh bị kích thích cổ tử cung. Bà bầu cần phải được nghỉ ngơi một thời gian và bồi bổ những thực phẩm tốt cho thai nhi. Đặc biệt tuyệt đối không tự ý áp dụng những phương thuốc, bí quyết an thai không được bác sĩ tư vấn.

Ngày đăng: 14:52 | 19/08/2017

/ Theo PV/VTC News