Dòng MQ-4C có thể cung cấp dữ liệu tình báo theo thời gian thực, đồng thời hỗ trợ hoạt động trinh sát cho phi đội P-8A hải quân Mỹ.
"Không quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) trinh sát của Mỹ đang xâm phạm không phận Iran", cơ quan truyền thông của IRGC hôm nay ra thông cáo cho biết, khẳng định máy bay bị bắn rơi là một chiếc RQ-4 Global Hawk xâm phạm vùng trời thuộc tỉnh Hormuzgan của nước này.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên sau đó xác nhận UAV bị bắn rơi là mẫu MQ-4C Triton, bị tên lửa phòng không Iran bắn trúng khi đang bay trên không phận quốc tế thuộc eo biển Hormuz. Giới chuyên gia đánh giá vụ tấn công bằng tên lửa phòng không của Iran khiến hải quân Mỹ thiệt hại khoảng 180 triệu USD, đồng thời có thể đẩy căng thẳng tại Trung Đông lên cao.
MQ-4C Triton là UAV dành cho hải quân Mỹ, được phát triển từ mẫu RQ-4 Global Hawk của không quân. Mỗi hệ thống Trion hoàn chỉnh gồm một trạm chỉ huy mặt đất với 4 sĩ quan điều khiển và các máy bay không người lái.
Máy bay dài 14,5 m, có sải cánh 40 m và khối lượng rỗng 6,7 tấn. Một chiếc MQ-4C có thể làm nhiệm vụ liên tục trong 30 giờ, tầm hoạt động 15.200 km, trần bay 18 km và đạt tốc độ tối đa 575 km/h.
Nguyên mẫu MQ-4C bay thử nghiệm trên bầu trời Mỹ năm 2013. Ảnh: US Navy.
So với dòng RQ-4 nguyên bản, những chiếc MQ-4C được gia cố khung thân, giúp chống chịu mưa đá, chim và sét đánh, cùng hệ thống chống đóng băng trên cánh. Dòng Triton cũng có thể nhanh chóng hạ độ cao xuống gần mặt biển để nhận diện tàu bè, tính năng không có trên mẫu Global Hawk.
Hệ thống Triton có nhiệm vụ cung cấp dữ liệu tình báo, trinh sát và do thám (ISR) theo thời gian thực tại các vùng đại dương rộng lớn và duyên hải gần bờ, cũng như tham gia hoạt động tuần thám biển, tìm kiếm cứu hộ và hỗ trợ những trinh sát cơ P-8A Poseidon.
Cảm biến chính của Triton là radar mảng pha quét điện tử chủ động AN/ZPY-3, có khả năng quan sát khu vực rộng 5.200 km2 chỉ trong một lần quét ở độ cao 17 km. Khi hoạt động ở tầm thấp, Triton có thể triển khai tổ hợp quang điện - hồng ngoại MTS-B tương tự mẫu MQ-9 Reaper, kèm theo đó là thiết bị chỉ thị và đo xa laser.
Máy bay cũng được lắp hệ thống hỗ trợ điện tử (ESM) dạng module tương tự máy bay do thám EP-3, cho phép phát hiện và nhận dạng tín hiệu radar từ xa, giúp xác định vị trí của lực lượng đối phương. Dữ liệu từ Triton có thể được dùng để xây dựng bản đồ phân bố lực lượng đối phương, từ đó lên kế hoạch tiến công hoặc bảo đảm an toàn cho đồng minh.
Chiếc MQ-4C chuẩn bị hạ cánh hồi năm 2013. Ảnh: US Navy.
Ngoài nhiệm vụ trinh sát, MQ-4C cũng có thể đóng vai trò trạm trung chuyển và tổng hợp dữ liệu, cho phép kết nối các đơn vị nằm cách xa nhau trên chiến trường, xây dựng bức tranh không gian chiến trường và phân phối tới từng lực lượng.
Hải quân Mỹ đang là lực lượng duy nhất vận hành dòng MQ-4C với 68 máy bay được đặt hàng, trong đó hai chiếc đã được bàn giao và biên chế cho Phi đoàn tuần tra không người lái số 19. Australia hồi năm ngoái ký hợp đồng 5,1 tỷ USD để mua 6 chiếc MQ-4C cùng hệ thống đi kèm, trong khi Đức cũng tỏ ý muốn sở hữu dòng UAV này vào năm 2025.
Vũ Anh (Theo Naval Technology)
Tiêm kích Nga bay cắt mặt máy bay do thám Mỹ trên Địa Trung Hải
Hải quân Mỹ tố tiêm kích Su-35 của Nga bay cắt mặt không an toàn, gây nguy hiểm cho máy bay P-8 của Mỹ trên ... |
Vụ va chạm máy bay thúc đẩy Trung Quốc hiện đại hóa không quân
Quân đội Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh cải tổ không quân sau sự cố với một máy bay do thám Mỹ năm 2001 khiến ... |
Ngày đăng: 16:03 | 21/06/2019
/ https://vnexpress.net