Máy bay H-6K phát triển từ dòng Tu-16 Liên Xô có thể giúp không quân Trung Quốc tăng khả năng tấn công tầm xa dù vẫn còn nhiều điểm yếu. 

mau oanh tac co nhai trong tham vong toan cau cua trung quoc
Phiên bản H-6D mang hai tên lửa C-601

Trong bài phát biểu tại Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 18/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố quân đội nước này cần hiện đại hóa để trở thành lực lượng "đẳng cấp thế giới" vào năm 2050. Giới chuyên gia cho rằng máy bay ném bom H-6, bản sao chép từ oanh tạc cơ Tupolev Tu-16 Liên Xô, vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, theo National Interest.

Trung Quốc may mắn mua được một số oanh tạc cơ Tu-16 cùng giấy phép sản xuất của Liên Xô trong giai đoạn 1958-1959, chỉ vài năm trước khi quan hệ hai nước gần như đổ vỡ. Từ những chiếc Tu-16 mua được, Tập đoàn công nghiệp hàng không Tây An (Xian) đã phát triển bản sao chép có định danh H-6, ra mắt lần đầu vào năm 1968. Với vai trò chiến lược của mình, dòng H-6 được coi là "oanh tạc cơ B-52 của Trung Quốc".

Trang bị hai động cơ phản lực WP8 nhái mẫu AM-30 của Liên Xô, oanh tạc cơ H-6 có thể đạt tốc độ tối đa 1.055 km/h, mang được 9 tấn vũ khí, bán kính tác chiến 1.770 km và trần bay 13 km. Mỗi chiếc có tổ lái 4-6 người, phục vụ nhiều chức năng khác nhau trong quá trình làm nhiệm vụ.

Sau khi ra mắt biến thể oanh tạc cơ thông thường, Trung Quốc bắt đầu phát triển mẫu H-6A có thể mang bom hạt nhân trong thập niên 1970. Cũng trong thời gian này, không quân Trung Quốc nhận thấy oanh tạc cơ H-6 thông thường không thể tiếp cận và ném bom những đối thủ hiện đại, buộc họ tìm cách phát triển những biến thể hiện đại hơn.Biến thể H-6D được trang bị radar mới để dẫn bắn tên lửa diệt hạm C-601 gắn dưới cánh. Mỗi quả tên lửa C-601 này có tầm bắn 150 km, mang đầu đạn nặng 512 kg chuyên diệt tàu chiến.

Oanh tạc cơ H-6D gắn tên lửa C-601 được thử lửa trong thực chiến vào năm 1987, khi Iraq mua 4 máy bay này cùng 50 quả tên lửa để tấn công tàu chở dầu của Iran trong Chiến tranh Iran - Iraq năm 1988.

Trong cuộc chiến này, Iraq mất một chiếc H-6D do bị tiêm kích F-14 Iran bắn hạ, ba chiếc còn lại bị Mỹ ném bom phá hủy vào năm 1991. Kể từ đó, Ai Cập là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc sử dụng oanh tạc cơ này, trước khi không quân Ai Cập loại biên chúng vào năm 2000.

Không quân Trung Quốc liên tục hiện đại hóa dòng H-6 nội địa bằng việc trang bị các tổ hợp đối kháng cải tiến và hệ thống điện tử hiện đại, cho ra đời các phiên bản H-6E/F trong thập niên 1980.

Bắc Kinh cũng triển khai nhiều biến thể H-6 cho các nhiệm vụ hỗ trợ và trinh sát, điển hình là HY-6U, máy bay tiếp dầu trên không đầu tiên của nước này với sức chở 38,5 tấn nhiên liệu. Ngoài ra, Trung Quốc còn cho ra đời phiên bản máy bay trinh sát H-6B và tác chiến điện tử HD-6.

Trong thập niên 1990, Trung Quốc tập trung vào khả năng mang tên lửa hành trình cho dòng H-6, giới thiệu mẫu H-6H với khả năng phóng hai tên lửa hành trình tấn công mặt đất, H-6G dùng để dẫn bắn cho tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và H-6M mang được 4 quả YJ-81 hoặc KD-88.

Năm 2007, Bắc Kinh ra mắt bản nâng cấp hiện đại nhất có định danh H-6K. Biến thể này trang bị động cơ D-30KP của Nga với sức đẩy cao hơn 25% so với mẫu WP8, khoang lái trang bị màn hình LCD đa năng thay thế đồng hồ cơ khí. Phần mũi trong suốt lạc hậu và vị trí pháo thủ đuôi cũng bị loại bỏ, thay thế bằng radar cải tiến cùng hệ thống phòng thủ điện tử, tổ hợp thiết bị cảm biến quang điện tử và hồng ngoại, đường truyền dữ liệu.

mau oanh tac co nhai trong tham vong toan cau cua trung quoc
Phiên bản H-6K tối tân của không quân Trung Quốc. Ảnh: Weibo

Hệ thống thoát hiểm trên H-6K cũng được sửa đổi hoàn toàn, trong đó các ghế phóng đều được lắp đặt hướng lên trên. Trong những phiên bản H-6 cũ, chỉ có phi công chính thoát hiểm qua nóc máy bay, những người còn lại đều thoát ly qua sàn, hướng xuống đất. Đây được coi là thiết kể kiểu "tự sát", bởi nếu máy bay gặp sự cố ở độ cao nhỏ, những người thoát ly xuống phía dưới sẽ không có cơ hội sống sót.

Ngoài ra, tải trọng vũ khí của H-6K được tăng đáng kể, cho phép mang 6 tên lửa hành trình CJ-10 hoặc CJ-20 với tầm bắn 1.450-2.400 km hoặc 6 tên lửa diệt hạm YJ-12. Bán kính tác chiến của H-6K được mở rộng lên khoảng 3.200 km hoặc 5.630 km nếu được tiếp dầu trên không.

Khi có sự hỗ trợ của máy bay tiếp dầu, oanh tạc cơ H-6K mang theo 12 tấn vũ khí diệt hạm hoặc tên lửa hành trình có thể tiến sâu vào Thái Bình Dương để săn lùng tàu chiến đối phương, thậm chí có thể vươn tới đảo Guam của Mỹ.

Trung Quốc đã sản xuất khoảng 16 chiếc H-6K và nhiều khả năng đang nghiên cứu biến thể mới sử dụng động cơ WS-18 nội địa.

Trên lý thuyết, oanh tạc cơ H-6 có thể mang vũ khí hạt nhân, nhưng nó chưa được trang bị tên lửa hành trình hạt nhân do chiến lược thiên về phòng thủ của Bắc Kinh. Thay vào đó, dòng H-6 có thể tăng cường khả năng tấn công thông thường cho không quân Trung Quốc và rất hiệu quả trong vai trò diệt hạm, dù nước này dường như vẫn thiếu các khí tài trinh sát và chỉ thị mục tiêu trên biển.

Đây được coi là điểm yếu lớn nhất của H-6K, đặc biệt là khi có chiến tranh nổ ra. Loại radar mới được trang bị trên oanh tạc cơ này chỉ có thể dùng để dẫn bắn cho tên lửa hành trình YJ-12, nhưng không thể chỉ thị mục tiêu trên biển cho tên lửa diệt hạm CJ-20.

Để diệt được mục tiêu trên biển, CJ-20 cần được nạp tọa độ chính xác của tàu chiến đối phương lên máy tính của tên lửa trước khi phóng, điều gần như không thể với mục tiêu luôn di chuyển trên biển. Còn tên lửa YJ-12 được trang bị đầu dò riêng, nhưng oanh tạc cơ H-6K cần phải phóng tên lửa vào khu vực chính xác tương đối để quả đạn có thể có cơ hội phát hiện và đánh trúng tàu địch.

Ngoài ra, bán kính tác chiến và khả năng chiến đấu của H-6K cũng không thể so sánh được với oanh tạc cơ B-52 Mỹ. Tuy nhiên, H-6K vẫn là oanh tạc cơ hiện đại duy nhất mà Trung Quốc sở hữu đến nay và được coi là quân bài quan trọng trong tham vọng xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới của Bắc Kinh, chuyên gia Sebastien Roblin nhận định.

mau oanh tac co nhai trong tham vong toan cau cua trung quoc Chuyên gia kỹ thuật Ukraina “nâng đỡ” nền công nghiệp quân sự Trung Quốc?

Thời LB Xô viết, Ukraina là một cường quốc về công nghiệp quốc phòng. Các xí nghiệp quốc phòng ở Ukraina chiếm tới 30% tiềm ...

mau oanh tac co nhai trong tham vong toan cau cua trung quoc Trung Quốc khoe thành tích cải cách quân đội

Trong một loạt phim tài liệu được nhiều đài truyền hình Trung Quốc phát sóng thời gian qua, Trung Quốc khoe thành tích cải cách ...

mau oanh tac co nhai trong tham vong toan cau cua trung quoc Tham vọng sở hữu công nghệ quân sự hàng đầu thế giới của Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ quân sự, yêu cầu quân đội tăng tốc phát triển vũ khí hiện ...

mau oanh tac co nhai trong tham vong toan cau cua trung quoc Vũ khí và tiền mặt gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á

Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á để cân bằng ảnh hưởng với Hoa Kỳ ...

https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/quan-su/mau-oanh-tac-co-nhai-trong-tham-vong-toan-cau-cua-trung-quoc-3663431.html

Ngày đăng: 10:06 | 01/11/2017

/ vnexpress.net