Để được đi dạy, nhiều giáo viên cho biết phải chung chi nhiều lần từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng nhưng sau đó lại bị cắt xén lương và đang đứng trước nguy cơ mất việc
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 14-3, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết Phòng An ninh chính trị nội bộ đang vào cuộc xác minh việc một số giáo viên huyện Krông Pắk tố phải chung chi tiền mới được ký hợp đồng lao động. Một số cán bộ của trung ương cũng về huyện Krông Pắk để tìm hiểu thông tin liên quan đến việc ồ ạt ký hợp đồng dạy học khiến huyện này dư 578 giáo viên.
Mượn nợ chung chi
Cô H., một giáo viên tiểu học ở huyện Krông Pắk, cho biết: Năm 2011, cô phải chi 15 triệu đồng cho hiệu trưởng để được ký hợp đồng lao động ngắn hạn (9 tháng). Sau đó, cô phải đưa cho ông hiệu trưởng thêm 40 triệu đồng để được tái ký hợp đồng ngắn hạn. Năm 2013, sau khi được gợi ý chung chi để được ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế, cô tiếp tục gom 40 triệu đồng đưa cho một cán bộ thuộc huyện Krông Pắk nhưng cuối cùng vẫn không được vào biên chế và sắp mất việc. "Có khi tôi muốn bỏ cuộc, tìm việc khác nhưng số tiền đã bỏ ra quá nhiều nên phải bám theo. Làm được đồng lương nào là tôi lại gom góp để chung chi mới được ký tiếp hợp đồng sau khi hết hạn" - cô H. than thở.
Các giáo viên phản ánh với báo chí về việc bị chấm dứt hợp đồng lao động
Tương tự, thầy D.X.S (giáo viên hợp đồng dạy môn tin học khối tiểu học) cho biết năm 2010, nghe thông tin huyện nhà có tuyển giáo viên hợp đồng nên làm hồ sơ ứng tuyển. Từ năm 2010-2012, để được dạy hợp đồng, thầy S. phải đưa 3 lần tiền, tổng cộng 35 triệu đồng. Đến ngày 26-6-2012, thầy nhận được quyết định hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế của UBND huyện Krông Pắk. Tiếp đó, năm 2014, được sự gợi ý của một hiệu trưởng ở thị xã Buôn Hồ, thầy S. đưa tiếp 110 triệu đồng để "chạy" vào biên chế. Khi nhận tiền, người này có viết giấy "vay tiền" đưa cho thầy S. Tuy nhiên, đến nay thầy S. vẫn chưa được vào biên chế và không còn vị trí việc làm. "Tôi đã nhiều lần yêu cầu trả lại tiền nhưng đến nay người này vẫn tìm cách kéo dài thời gian và nói tiền đã chia ra nhiều nơi phải có thời gian lấy lại" - thầy S. rầu rĩ.
Bi đát hơn, thầy N.T.H (giáo viên hợp đồng dạy mỹ thuật tại 1 trường tiểu học) cho biết ngoài việc đưa tiền để "chạy" biên chế thì mỗi lần ký hợp đồng ngắn hạn, thầy còn phải "tốn" cho hiệu trưởng từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. "Trong suốt nhiều năm, lương của tôi chỉ được 1 triệu đồng/tháng nên phải thường xuyên vay mượn để đeo đuổi đến ngày được vào biên chế. Cuối cùng nợ chồng chất còn công việc thì bị chấm dứt hợp đồng" - thầy H. chua chát nói.
Điều đáng nói, theo thầy H., đầu năm 2013, trường của thầy có 28 lớp với 2 giáo viên mỹ thuật, 3 giáo viên thể dục. Căn cứ quy định như vậy đã đủ giáo viên, thậm chí không đủ số tiết theo quy định. Sau đó, dù số lớp không tăng nhưng khi ông hiệu trưởng mới về liền ký thêm 2 giáo viên thể dục, 2 giáo viên mỹ thuật dẫn đến tình trạng dôi dư giáo viên như hiện nay.
Bị ăn chặn lương?
Không chỉ mất tiền, mất việc, nhiều giáo viên hợp đồng còn có đơn tố bị nhà trường ăn chặn lương.
Cô Lương Thu Hằng, giáo viên toán Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn), nghẹn ngào khi đưa ra 2 bảng lương, 1 của bảng truy lĩnh lương hợp đồng của Trường THCS Ngô Mây dành cho giáo viên ký nhận, 1 bảng lương là của Trường THCS Ngô Mây thực nhận từ kho bạc. Từ tháng 8 đến tháng 12-2017, cô Hằng nhận được 2.052.000 đồng nhưng bảng lương ở kho bạc có chữ ký của hiệu trưởng thì lương của cô Hằng là 9.675.000 đồng.
Theo danh sách các giáo viên cung cấp, tại Trường THCS Ngô Mây có tổng cộng 7 giáo viên bị chi trả lương sai so với số thực nhận từ kho bạc. Trong 5 tháng (từ tháng 8 đến tháng 12-2017), tổng số tiền của 7 giáo viên này nhận tại trường là 17 triệu đồng, còn ở kho bạc là gần 70 triệu đồng, chênh lệch 53 triệu đồng. "Nhà tôi cách trường hơn 20 km, dù lương ít nhưng nhiều năm qua tôi vẫn bám lớp. Nghe tin bị chấm dứt hợp đồng, tôi đã đau khổ, giờ lại biết mình bị lừa, bớt xén công sức càng thêm thất vọng" - cô Nguyễn Thị Thanh Diệu (giáo viên Trường THCS Ngô Mây) nghẹn ngào.
Ông Dương Đăng Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây, cho biết việc các giáo viên cung cấp bảng lương chênh lệch ông mới nắm thông tin. Hiệu trưởng là ông Huỳnh Bê đang nghỉ ốm nên nhà trường và Công đoàn đang vào cuộc xác minh, cụ thể thế nào thì phải chờ.
Hiệu trưởng bị tố nhận tiền chạy việc
Ông Nguyễn Văn Minh (ngụ xã Ea K’Mút, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) vừa gửi đơn lên cơ quan công an, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pắk tố cáo ông Huỳnh Bê lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đơn tố cáo, ông Bê đã nhận của ông Minh tổng số tiền 120 triệu đồng để chạy việc cho con ông Minh. Dù trong đơn tố cáo ông Minh khẳng định số tiền 120 triệu đồng là tiền chạy việc nhưng trong giấy biên nhận của ông Bê thể hiện ông chỉ vay nợ và hứa sẽ trả lại đầy đủ.
Vụ giáo viên bị mất việc ở Đắk Lắk: Một hiệu trưởng bị tố nhận tiền chạy việc
Theo đơn tố cáo của người cha giáo viên hợp đồng thì vị hiệu trưởng đã nhận tổng cộng 120 triệu đồng để chạy việc, ... |
500 giáo viên mất việc: Không cứu nổi hay lạnh lùng, vô cảm?
Có đúng là cả tỉnh Đăk Lăk không cứu nổi 500 giáo viên, hay họ đang “giận cá chém thớt”, là sự cứng nhắc theo ... |
Ngày đăng: 09:42 | 15/03/2018
/ nld.com.vn