Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm đã xử phạt hàng loạt trường hợp chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe, thu tiền quá giá quy định nhân dịp Quốc khánh 2-9. Thực tế từ nhiều năm qua, cứ mỗi dịp lễ, Tết, cuối tuần, tình trạng trông giữ xe không phép, sai phép, “chặt chém” khách hàng lại tái diễn, dù các lực lượng chức năng đã ra quân kiểm tra, xử phạt, tổ chức giải tỏa. Nhằm chấm dứt tình trạng trên, các cấp, ngành, địa phương cần vào cuộc kiểm tra thường xuyên, mạnh tay xử phạt vi phạm trông giữ xe không phép, sai phép trên địa bàn.
Vi phạm tràn lan
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại các tuyến phố nội thành Hà Nội, không chỉ dịp lễ, Tết, các ngày cuối tuần... các bãi trông xe tự phát mọc lên như nấm với mức thu cao. Theo chị Nguyễn Vân Anh, ở phường Liễu Giai (quận Ba Đình), cuối tuần qua chị cho hai con nhỏ lên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm chơi. Sau khi lòng vòng 10 phút chị mới tìm được điểm trông xe máy ở phố Lò Sũ. Tại đây, người trông xe “hét” giá 20.000 đồng/xe.
Tương tự, tối 12-9, trên phố Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng), hàng chục xe máy được xếp trên vỉa hè, có người trông giữ với giá 10.000 đồng/xe. Dưới lòng đường, xe ô tô cũng được người trông giữ xe thu tiền với mức giá 50.000-70.000 đồng/xe.
Ghi nhận tại các phố: Trần Hưng Đạo (đoạn trước cổng Bệnh viện trung ương Quân đội 108), Hai Bà Trưng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Khánh Toàn hay xung quanh khu vực Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai)... tồn tại khá nhiều điểm trông giữ xe máy tự phát thu phí cao gấp nhiều lần so với quy định mặc dù các cấp, ngành đã ra quân kiểm tra, xử phạt.
Điển hình gần đây nhất là sự ra quân quyết liệt của Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp với Công an các phường kiểm tra 27 điểm trông giữ xe “chặt chém” du khách quanh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, chợ trung thu truyền thống Hàng Mã và vùng phụ cận trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, xử phạt 80 triệu đồng. Các đối tượng trông giữ phương tiện với giá “chặt chém” 20.000-30.000 đồng/xe máy, thậm chí có điểm tại các tuyến phố: Hai Bà Trưng, Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Lương Ngọc Quyến… thu tới 50.000 đồng/xe máy.
Trước đó, các lực lượng cũng xử phạt 42,5 triệu đồng với hành vi trông giữ xe ô tô, xe máy vi phạm diện tích quá với đăng ký; tự ý, tự phát thu phí trái quy định của các bãi xe số 8, số 23 phố Phủ Doãn; số 46, số 48, số 2, số 10 phố Quán Sứ; số 1 phố Triệu Quốc Đạt.
Bao giờ hết cảnh“chặt chém”?
Theo Quyết định số 44/2017/ QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội quy định về giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, giá gửi xe ban ngày và ban đêm lần lượt với xe đạp 3.000-5.000 đồng, xe máy là 5.000-8.000 đồng/lượt. Với xe ô tô, giá dao động 10.000-30.000 đồng/lượt (tính từ ngoại thành đến nội thành), 1 lượt tối đa không quá 60 phút... Quy định đã rõ, nhưng thực tế, trên địa bàn thành phố giá vé xe máy được thu dao động 10.000-20.000 đồng/lượt; ô tô 50.000-100.000 đồng/lượt.
Về vấn đề này, Trung tá Bùi Văn Hà, Phó Trưởng Công an phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) cho biết, do địa bàn phần lớn là người dân lao động, không có việc làm ổn định phải bám mặt đường để mưu sinh. Hơn nữa địa bàn phường rộng, vi phạm dàn trải tại nhiều nơi, nhiều tuyến phố, trong khi lực lượng chức năng mỏng, chưa đáp ứng được khối lượng công việc.
Những khó khăn nêu trên là đặc điểm chung mà các cơ quan chức năng, các địa phương đang vướng phải. Trước thực tế này, Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, quan điểm của quận là xử phạt kịch khung đối với các điểm trông giữ xe tự phát. Về lâu dài, Công an quận sẽ giao trách nhiệm cho chỉ huy công an các phường, nếu để xảy ra tình trạng lơ là, buông lỏng, tái diễn vi phạm thì quy trách nhiệm người đứng đầu. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ duy trì trật tự văn minh đô thị thường xuyên, liên tục, kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm phát sinh.
Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp (Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Nguyễn Đình Quyền cho biết, trong 9 tháng đầu năm, lực lượng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý, tổ chức giải tỏa các điểm trông giữ xe, bãi đỗ xe không phép, sai phép, lập biên bản vi phạm hành chính 469 trường hợp, phạt tiền gần 2,2 tỷ đồng. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các đội thanh tra giao thông - vận tải quận, huyện, thị xã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức giải tỏa hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, trông giữ phương tiện trái phép.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mức phạt đối với hành vi tăng giá quá quy định hiện còn thấp, từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng, chưa đủ sức răn đe nên các đối tượng sẵn sàng nộp phạt để rồi “xóa” bãi xe nọ lại “phình” bãi xe kia, thậm chí vi phạm ngay tại điểm cũ. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm tại các điểm trông giữ xe không phép, sai phép, sớm chấm dứt nạn “chặt chém” khách.
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1042070/manh-tay-xu-phat-vi-pham-trong-giu-xe
Ngày đăng: 08:14 | 15/09/2022
NHÓM PHÓNG VIÊN / HNM.com.vn