Ở tuổi 92, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad là nhà lãnh đạo được bầu lớn tuổi nhất thế giới. Ông cũng là người đầu tiên quay lại nắm quyền sau quãng nghỉ 15 năm và hợp tác với một đảng khác. Vị trí của ông trong lịch sử châu Á đã được xác lập.
Thế nhưng, vẫn còn không gian để ông Mahathir đánh bóng di sản của mình. Với vai trò thủ tướng chuyển tiếp (trước khi chuyển giao quyền lực cho cấp phó một thời Anwar Ibrahim, chính trị gia đang ngồi tù vì tội kê gian và chờ hoàng gia ân xá), ông Mahathir đối diện cơ hội có một không hai để thay đổi thứ duy nhất đang giữ chân Malaysia: Chính sách Bumiputera.
Dịch theo nghĩa đen là "con trai của đất", Bumiputera - thuật ngữ chỉ người Mã Lai và các dân tộc bản địa khác ở Đông Nam Á - là chính sách ưu tiên người bản địa. Được khởi động năm 1971 với tên gọi chính thức là Chính sách Kinh tế mới (NEP), chính sách này bao gồm hàng loạt chương trình có mục tiêu tái cấu trúc xã hội Malaysia và mở rộng cơ hội kinh tế, giáo dục cho người Mã Lai chiếm đa số.
Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tại một cuộc họp báo hôm 12-5 Ảnh: REUTERS
Qua nhiều năm, NEP tạo ra một tầng lớp người Mã Lai trục lợi. Vai trò duy nhất của họ là tăng thêm 20%-50% kinh phí các dự án. Ví dụ, khi chính phủ mở thầu các dự án công cộng, chỉ có các công ty Bumiputera có thể tham gia. Do ít hoặc không có cạnh tranh, việc thêm 20% vào giá bỏ thầu là hết sức dễ dàng.
Trúng thầu rồi, họ bán lại cho các doanh nghiệp khác, dĩ nhiên là trừ ra 20% chi phí. Ai cũng có lợi: Chính phủ giúp được cộng đồng Mã Lai và các nhà thầu (phụ), thường không phải người Mã Lai, có việc làm. Thế nhưng, người thua chính là người dân và nền kinh tế Malaysia. Khoản 20% kể trên chảy vào túi những kẻ có các mối quan hệ chính trị mà chẳng phải làm gì. Còn hệ thống ưu tiên người bản địa gây bất mãn sâu sắc trong cộng đồng người không phải Mã Lai.
Từ lâu đã tự xem mình là nhà vô địch của cộng đồng Mã Lai và là người mở rộng chính sách Bumiputera trong lần nắm quyền trước đây, ông Mahathir là người duy nhất đủ uy tín để giải thích rằng NEP không còn đem lại lợi ích cho Malaysia. Ông không cần nhổ bỏ chính sách này ngay lập tức vì làm vậy là tự sát chính trị.
Thay vào đó, ông cần điều chỉnh để đưa NEP về lại các mục tiêu nguyên thủy. Ông có thể đặt ra hạn chót để buộc các doanh nghiệp Bumiputera chui ra khỏi kén và học cách hoạt động hiệu quả hơn. Ông cũng nên lập ra một lộ trình để dần dần giảm bớt số hợp đồng chính phủ rơi vào tay doanh nghiệp Bumiputera.
Cơ hội thành công là rất nhỏ và ông Mahathir là nhà lãnh đạo Malaysia duy nhất có đủ tầm vóc lịch sử, sức hút cá nhân và vốn chính trị để tạo ra thay đổi. Nếu không làm gì, 2 nền kinh tế thiếu cạnh tranh nhất ở Đông Nam Á trong vòng 2 thập kỷ nữa có thể là Malaysia và Brunei.
James Chin, Giám đốc Viện Châu Á - Trường ĐH Tasmania (Úc)
Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad - Nguyên thủ lớn tuổi nhất thế giới
Ngày hôm qua 10/5, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, 92 tuổi, đã giành thắng lợi trong kỳ bầu cử và trở thành nguyên thủ ... |
Mahathir ở tuổi 92 và cuộc lật đổ gây sốc trong bầu cử Malaysia
Liên minh cầm quyền sắp tới của Malaysia ở thế đối lập suốt 61 năm qua, nhưng người đứng đầu của họ đã lãnh đạo ... |
"Mẹ của tất cả cuộc bầu cử" ở Malaysia
Gần 15 triệu cử tri đủ điều kiện sẽ bỏ phiếu tại 9.000 điểm trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 của Malaysia ngày ... |
Ngày đăng: 08:29 | 16/05/2018
/ http://nld.com.vn