Mỗi dịp cận kề Tết cổ truyền, lại nổ ra các cuộc tranh luận triền miên không có hồi kết về việc có nên bỏ tết Ta (Nguyên đán), gộp vào Tết Dương lịch như một số nước khác.
Cả hai bên ủng hộ hay không ủng hộ việc bỏ Tết Ta đều có những cơ sở nhất định. Phía đề nghị bỏ Tết Ta (gộp vào Tết Dương lịch) cho rằng việc nghỉ Tết cổ truyền kéo dài gây tốn kém, lãng phí, giảm năng suất, hiệu quả lao động, lỡ cơ hội làm ăn, kinh doanh với nước ngoài, góp phần phát sinh nhiều tệ nạn như ăn chơi, nhậu nhẹt, cờ bạc, mê tín dị đoan…Việc ăn Tết rình rang là một trong những nguyên nhân khiến nước ta chậm phát triển, tụt hậu...
Không thể không thừa nhận những bất cập, hệ lụy từ việc lạm dụng Tết cổ truyền để hối lộ, biếu xén, tiêu xài hoang phí, rồi tình trạng cháy vé, tắc đường, tai nạn giao thông, gây tốn kém, mệt mỏi… Rõ ràng đây là những hiện tượng tiêu cực đã kéo dài nhiều năm qua, và cần được cộng đồng có ý thức hạn chế, giảm thiểu. Chúng ta cần ăn Tết nhẹ nhàng, tiết kiệm hơn, giảm gánh nặng cho phụ nữ trong việc lo nội trợ, sắm tết.
Tuy nhiên, Tết cổ truyền cũng có nhiều vai trò, tác động tích cực đối với xã hội. Đây là dịp người lao động, các thành viên trong gia đình nghỉ ngơi, có dịp sum vầy. Tết cổ truyền, là môi trường nuôi dưỡng, chấn hưng các giá trị văn hóa truyền thống như lòng yêu Tổ quốc, quê hương, tình cảm gia đình, họ tộc, tình cảm đồng bào tương thân tương ái.
Đã hàng nghìn năm qua, trong tâm thức người Việt luôn hướng về Tết cổ truyền, như một lễ hội thiêng liêng, quan trọng nhất trong năm. Cảm giác hạnh phúc được ngồi bên nồi bánh chưng, ngắm cành đào, cây quất, thắp cây hương trước bàn thờ tổ tiên, dành những lời chúc tốt đẹp cho người thân trong đêm giao thừa… đối với mỗi người Việt, là không thể so sánh, đánh đổi.
Tết, cũng là dịp kinh doanh, mua sắm, du lịch, dã ngoại, về nguồn… Đây là cơ hội kinh doanh tốt của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Người dân bỏ tiền tiêu Tết kích thích sản xuất, lưu thông hàng hóa, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Năng suất lao động, của cải xã hội ngày càng tăng, nhu cầu nghỉ ngơi của con người ngày càng nhiều. Tết, là dịp để mọi người nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng tinh thần cho một năm làm việc tốt hơn.
Đối với các doanh nghiệp, Tết cổ truyền cũng là dịp để họ quan tâm, chăm lo cho người lao động có một cái Tết đầm ấm.
Chừng nào hoa đào, hoa mai còn nở vào mỗi dịp Xuân về, người Việt vẫn còn muốn ăn Tết cổ truyền, cho dù các cuộc tranh luận về Tết có kết cục như thế nào.
Để trẻ em “ghét Tết” là lỗi của người lớn
Bài văn “Ghét Tết” gây bão mạng. Tại sao một sự thật, đã không ít lần gây bức bối dư luận, lại để một đứa ... |
Tết ngày nay đang khiến nhiều người kiệt quệ cả thể xác và tinh thần
Đó là ý kiến của PGS.TS, chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung trước sự biến đổi của cái Tết cổ truyền trong xã hội ... |
Ngày đăng: 14:30 | 15/01/2018
/ Lao động