Sau nhiều năm không ghi nhận bệnh cúm gia cầm A/H5N1 trên người, Việt Nam vừa ghi nhận một ca nhiễm bệnh và tử vong. Đây là ca nhiễm cúm A/H5N1 thứ 2 kể từ năm 2014 đến nay. Theo Bộ Y tế, virus A (H5N1) là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ trên 50%. Trong khi đó, dịch cúm A/H5N1 vẫn xuất hiện rải rác tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Vì sao cúm gia cầm trên người dễ tử vong?
Vào giữa tháng 3, nam sinh viên 21 tuổi học tại Trường Đại học Nha Trang xuất hiện triệu chứng sốt, ho và tự điều trị, nhưng các triệu chứng không thuyên giảm. Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế Ninh Hòa vào ngày 16-17/3, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa điều trị với chẩn đoán viêm phổi và do bệnh tình diễn tiến nặng, bệnh nhân đã tử vong vào ngày 23/3. Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm dương tính với cúm AH5N1.
Trước đó, vào năm 2022, bé gái 8 tuổi tại Phú Thọ phát hiện mắc cúm A/H5N1 sau 8 năm Việt Nam không ghi nhận ca bệnh. Sau 3 ngày sốt, buồn nôn, nôn nhiều và được dùng thuốc của trạm y tế xã nhưng không đỡ, bé gái xuất hiện tình trạng lơ mơ, co giật, gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ. Do bệnh rất nặng, cháu bé được thở máy và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây các bác sĩ tích cực điều trị, nhưng cháu bé vẫn hôn mê sâu, suy đa tạng, đồng tử hai bên giãn to, không có phản xạ, tiên lượng rất nặng, gia đình xin cho cháu về. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định bệnh nhi dương tính với virus cúm A/H5N1.
Tuy cúm gia cầm mới xuất hiện ở bệnh nhân 21 tuổi ở Khánh Hoà, nhưng thời gian qua, dịch cúm A/H5N1 đã xuất hiện tại 1 số tỉnh, thành phố trong cả nước. Nước láng giềng với Việt Nam là Campuchia đã ghi nhận các ca mắc cúm gia cầm trên người từ cuối năm 2023. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vào năm 2003 Việt Nam đã chứng kiến đợt dịch rất lớn và nguy hiểm khiến hàng trăm ca mắc và tỷ lệ tử vong lên đến 50%. Tuy nhiên, từ đó đến nay nước không có các đợt dịch lớn. Nếu như cúm A/H7N9 không gây chết ở gia cầm thì cúm A/H5N1 lại gây dịch và gây chết ở đàn gia cầm, tuy nhiên cũng có trường hợp gia cầm lành mang trùng và chim hoang dã cùng với gia cầm là nguồn truyền nhiễm lây bệnh cúm A/H5N1 cho người, chưa phát hiện việc lây truyền từ người sang người.
So với các chủng cúm A, B khác, cúm gia cầm trên người có gì khác biệt? Theo ông Phu, cúm A/H5N1 là chủng có độc lực cao, người nhiễm thường có biểu hiện nặng, với tỷ lệ tử vong tương đối lớn. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ hoặc chết do bị nhiễm bệnh, hoặc môi trường bị nhiễm mầm bệnh. Virus cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm cho con người từ động vật. Virus gây bệnh này có thể lây lan cho người tiếp xúc gần, tỷ lệ tử vong lên tới 60%. Các nước ở khu vực Đông Nam Á, châu Á hàng năm vẫn có các chủng cúm A/H5N1 lưu hành.
Con đường lây nhiễm dễ nhất sang người đó là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm hoặc chất thải của gia cầm nhiễm bệnh. Ngoài ra, thói quen ăn tiết canh, hoặc sử dụng trứng sống cũng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm gia cầm. Bên cạnh đó, virus cũng có thể lây truyền qua dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm.
Đối với trường hợp nam sinh viên, theo điều tra dịch tễ, trước và sau Tết anh này có đi bắt chim hoang dã, trong nhà có nuôi chim; xung quanh khu vực bệnh nhân sinh sống không có gia cầm ốm, chết. Liệu nam sinh viên lây cúm gia cầm từ chim hoang dã? Theo ông Phu, cúm AH5N1 có thể lây từ chim hoang dã cho người hoặc lây cho gia cầm rồi gây các ổ dịch ở gia cầm và lây từ gia cầm sang người… nên trường hợp này chưa thấy ổ dịch ở gia cầm nhưng có bằng chứng bệnh nhân tiếp xúc với chim hoang dã.
Làm thế nào để phòng tránh
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A, người bệnh nhiễm cúm A/H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường, dễ bị nhầm lẫn và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. “Cúm mùa là lây từ người sang người, còn cúm A/H5N1 lây từ chim hoang dã hoặc gia cầm sang người, đây là điều phân biệt hai loại cúm”, ông Phu nói.
Chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh, cúm A/H5N1 triệu chứng thường nặng hơn và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm hoặc ăn thịt gia cầm nấu chưa kỹ…Những đợt dịch cúm A/H5N1 trước đây lây truyền sang người khiến nhiều người bệnh gặp biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng, phải thở máy… thậm chí là tử vong. Dịch cúm A/H5N1 có thể lan truyền thành dịch trong cộng đồng. Vì thế, mỗi người cần chủ động ngăn ngừa nguy cơ mắc phải bệnh lý này.
Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine để phòng bệnh. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện những ổ dịch có gia cầm chết, người dân phải ngay lập tức báo cáo đến các cơ sở thú y, cơ sở y tế để các cơ quan đó vào cuộc điều tra ngay. Người dân phải nêu cao ý thức phòng dịch, thực hiện an toàn thực phẩm. Việc nuôi gia cầm phải đảm bảo an toàn trong chăn nuôi và đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong việc giết mổ của Cục Thú y. Người dân phải thực hiện ăn chín, uống chín; phải đeo khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ khi tiếp xúc, giết mổ gia cầm. Đặc biệt, người dân không nên ăn tiết canh, không ăn thực phẩm gia cầm khi chưa nấu chín và cần phải vệ sinh trong giết mổ, và trong việc làm thực phẩm.
Ông Phu cũng nhấn mạnh, săn bắt chim, động vật hoang dã là vi phạm, vì vậy người dân không được săn bắt với bất kỳ hình thức nào, đây cũng chính là bảo vệ sức khoẻ cho mình và cộng đồng. Người dân nếu sốt, viêm đường hô hấp khi có lịch sử tiếp xúc với gia cầm thì không nên chủ quan mà cần phải đi đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời.
Ngày đăng: 07:48 | 27/03/2024
Trần Hằng / CAND