Tình hình giao thông những ngày cuối năm Ất Tỵ trên địa bàn TP Hà Nội khá phức tạp, ùn tắc kéo dài vào nhiều khung giờ, tại nhiều nút giao thông. Nhiều người dân phản ánh, không còn phân biệt khung giờ cao điểm và thấp điểm vì giờ nào cũng... tắc.
Xoá điểm ùn tắc này lại phình ra điểm khác
Khoảng 10 ngày nay, sáng nào chị Đặng Hà Anh ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội thường xuyên phải ra khỏi nhà sớm hơn 20-30 phút cho quãng đường di chuyển đến cơ quan nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.
“Bình thường, thời điểm trước, tôi chỉ di chuyển khoảng 30-40 phút là có mặt ở cơ quan, nhưng khoảng nửa tháng nay phải mất thêm khoảng 20 phút nữa, hoặc thậm chí có lần chuyến đi từ nhà đến cơ quan và ngược lại kéo dài cả tiếng đồng hồ. Ùn tắc giao thông cộng với ô nhiễm môi trường khiến bầu không khí ngột ngạt, rất mệt mỏi”- chị Hà Anh cho hay.
Cũng theo chị Hà Anh, không riêng gì chị, mà gần như cả phòng làm việc của chị khoảng 20 người đều phản ánh, phải đi làm sớm hơn trước rất nhiều vì tắc đường.
“Tôi bị cúm đã khỏi khoảng 1 tháng nay rồi nhưng ho thì chưa khỏi, vẫn húng hắng không thể dứt điểm được. Dù đã liên tục uống thuốc, nhưng bác sỹ cũng khuyến cáo do thời tiết ô nhiễm không khí kéo dài, thường xuyên phải di chuyển trong môi trường ùn tắc, khói bụi khiến tôi khó khỏi bệnh hơn”- chị Hà Anh bày tỏ.
Không riêng chị Hà Anh, mà hàng loạt nhân viên, cán bộ công sở đều phản ánh về tình trạng tắc đường những ngày cuối năm Giáp Thìn. Ra đường lúc nào cũng đông đúc, các cung đường, các nút giao đều ùn tắc...
Nhiều ngả đường những ngày cuối năm ở Hà Nội đều ùn tắc như "ma cung" không lối thoát |
Trao đổi với báo chí chiều 13/1, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện các điểm ùn tắc mới. Nguyên nhân là do, lượng xe cá nhân tăng cao, hạ tầng chưa theo kịp với sự phát triển của đô thị, khả năng đáp ứng của vận tải công cộng còn hạn chế…
Theo ông Thường, tốc độ phát triển của phương tiện cá nhân tăng chóng mặt, trung bình 5%, với ô tô là 10%/năm trong vài năm gần đây nhưng tốc độ phát triển của hạ tầng mỗi năm chỉ tăng 0,03%. Nếu không có giải pháp căn cơ, đồng bộ thì hạ tầng không bao giờ đuổi kịp tốc độ phát triển phương tiện cá nhân.
“Bằng nhiều giải pháp, năm 2024 Sở GTVT phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý được 13/33 điểm ùn tắc, nhưng cũng trong năm 2024 lại phát sinh thêm 16 điểm ùn tắc, đưa số điểm ùn tắc hiện nay lên 36 điểm” - ông Thường nói.
Ngoài ra ông Nguyễn Phi Thường cho biết, qua rà soát, địa bàn thành phố còn trên 230 điểm có nguy cơ ùn tắc, cần phải có phương án xử lý, tránh để thành những điểm ùn tắc thường xuyên.
Lưu lượng xe đường Vành đai 3 trên cao đã vượt 6 lần công suất thiết kế |
Các tuyến vành đai đều chưa khép kín
Theo ông Thường, các tuyến đường của Hà Nội đều đã khai thác vượt quá công suất thiết kế, trong khi các tuyến đường vành đai đều chưa được khép kín.
Như Vành đai 1 còn vướng mặt bằng đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục chưa thể triển khai; Vành đai 2 còn đoạn Ngã Tư Sở- Cầu Giấy; Vành đai 2,5 thì xôi đỗ theo từng đoạn, không liền mạch nên hiệu quả chưa phát huy được nhiều; Vành đai 3 còn toàn bộ mạn phía Bắc Mê Linh- Đông Anh chưa được đầu tư đồng bộ; Vành đai 3,5 cũng tương tự như Vành đai 2,5, GPMB "xôi đỗ" từng đoạn. Vành đai 4 TP Hà Nội đang dồn lực đầu tư, khi hoàn thiện sẽ giảm tải đáng kể cho Vành đai 3 hiện nay.
Đưa ra giải pháp trong năm 2025, ông Thường cho biết, Sở GTVT tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý các điểm ùn tắc còn tồn tại, có giải pháp cho 230 điểm đang có nguy cơ ùn tắc.
"Đại phẫu" nút giao Nguyễn Xiển- Khuất Duy Tiến
Với tình trạng ùn tắc giao thông tại nhiều tuyến đường, nút giao thông, trong đó có nút giao thông Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, ông Nguyễn Phi Thường cho biết, ùn tắc tại nút giao này diễn ra thường xuyên, làm ảnh hưởng đến nhiều tuyến đường khác. Thời gian qua, Sở GTVT đã khảo sát, đưa ra nhiều phương án để có hướng xử lý.
Cụ thể, ngoài tổ chức lại giao thông tại nút giao Khuất Duy Tiến- Nguyễn Xiển, cần thiết cần phải có phương án giảm lưu lượng xe ở đường Vành đai 3 trên cao. Vì thực tế, hiện tuyến đường Vành đai 3 trên cao đang có lưu lượng vượt quá năng lực thiết kế của mặt đường đến 6 lần, do vậy, không chỉ nút giao Khuất Duy Tiến- Nguyễn Xiển mà tại các nút giao dọc đường Vành đai 3 có đường lên xuống với đường trên cao đều bị ùn tắc.
Ông Thường cho hay, Sở GTVT cũng phối hợp với các ngành chức năng khảo sát, đưa ra nhiều phương án tổ chức giao thông nhưng đến nay đều chưa khả thi, chưa tìm được điểm sáng cho nút giao này. Hiện, Sở đang tiếp tục chạy mô hình phân luồng phương tiện qua nút giao hay, hy vọng trong tuần này sẽ ra được phương án điều chỉnh, tổ chức lại giao thông nút giao Khuất Duy Tiến- Nguyễn Xiển.
Với Vành đai 3 trên cao, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, do là đường đối ngoại nên lượng xe tải, xe kinh doanh lưu thông tại đây rất lớn. Biện pháp hiệu quả nhất lúc này là phải giảm bớt lượng xe tải, xe kinh doanh hoạt động ở đường Vành đai 3 trên cao.
“Chúng tôi rất đắn đo khi phải tổ chức giao thông ở tuyến đường này. Vì nhiều khi, chỉ cấm một đoạn thôi nhưng cũng khiến phương tiện phải chạy thêm rất dài. Nhưng với tình hình hiện nay thì buộc chúng tôi phải tính đến việc hạn chế. Nhưng phương án giảm hoặc cấm và thực hiện vào thời gian nào, Sở GTVT sẽ giao cho cơ quan tham mưu khảo sát, lập phương án cụ thể, báo cáo Sở GTVT chấp thuận thực hiện”, ông Thường cho biết.
Ngày đăng: 09:37 | 14/01/2025
Ngân Tuyền / anninhthudo.vn