Khi Indonesia có số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, người dân đã chuyển sang dùng y học cổ truyền để tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, giới khoa học và y khoa cảnh báo rằng, các biện pháp điều trị chưa được chứng minh có thể dẫn đến sai lầm.

“Ma trận” dùng thảo dược điều trị Covid-19 ở Indonesia  ảnh 1
Nhiều người Indonesia vẫn uống thảo dược để tăng cường hệ miễn dịch

Nước uống thảo dược “lên ngôi”

Khi Dian nghe tin Indonesia đã có dịch Covid-19 vào cuối tháng 3, cô đã dự trữ trong bếp của mình gừng, nghệ và sả. Bà mẹ hai con 37 tuổi này không sử dụng gia vị để nấu ăn mà thay vào đó nấu chúng thành một thức uống thảo mộc truyền thống có tên là “jamu”.

Dian và gia đình cô hiện uống hỗn hợp thảo dược này mỗi ngày. Dian, sống ở Tây Java nói về thức uống tăng cường khả năng miễn dịch này: “Vì chúng tôi thường xuyên uống jamu nên lúc nào cũng cảm thấy tươi tắn và khỏe khoắn hơn. Tôi có đọc thông tin về jamu trên mạng. Tôi không tin rằng nó có thể chống lại virus nhưng ít nhất thức uống này giúp cải thiện và tái tạo tế bào một cách tự nhiên”.

Không chỉ Dian, rất nhiều người Indonesia tìm đến những thức uống thảo mộc trong thời kỳ đại dịch, vì chúng có giá cả phải chăng và dễ làm tại nhà. Sido Muncul, một nhà sản xuất thuốc thảo mộc lớn của Indonesia cho hay, doanh số bán hàng của họ tăng đột biến trong nửa đầu năm 2020, chủ yếu là mặt hàng vitamin và nước gừng.

Tuần trước, Indonesia đã ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 cao kỷ lục với 3.622 trường hợp nhiễm mới và 134 ca tử vong trong vòng 24 giờ. Theo Bộ Y tế Indonesia, tính đến ngày 7-9, nước này đã có gần 197.000 người mắc Covid-19, trong đó hơn 8.100 ca tử vong. Trong bối cảnh Indonesia chứng kiến sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới Covid-19, những phương pháp chữa trị bệnh kiểu dân gian nhanh chóng gây ra lo ngại cho sức khỏe cộng đồng.

Quảng cáo “gây choáng”

Hồi tháng 8-2020, trên kênh YouTube có đăng một đoạn phỏng vấn với ông Hadi Pranoto, người tự xưng là giáo sư vi sinh vật học có phương pháp chữa Covid-19 bằng thảo mộc tự pha chế. Ông Pranoto cho biết, thức uống thảo dược của ông có thể chữa khỏi Covid-19 trong 3 ngày và sẽ giúp chính phủ chống lại đại dịch. Theo Jakarta Post, một Youtuber nổi tiếng người Indonesia, Anji, người có hơn 3,6 triệu người đăng ký, thực hiện cuộc phỏng vấn. YouTube sau đó đã xóa cuộc phỏng vấn và cảnh sát đang điều tra 2 nhân vật Anji và Pranoto vì đã phát tán thông tin sai lệch.

Các cơ quan Nhà nước ở Indonesia cũng tham gia vào việc thúc đẩy các bài thuốc điều trị đáng ngờ. Vào tháng 7 năm nay, Bộ Nông nghiệp Indonesia đã quảng cáo một chiếc vòng cổ có hương lá bạch đàn được cho là có khả năng “chống virus SARS-CoV-2”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Syahrul Yasin Limpo cho rằng đeo vòng cổ trong 15 phút có thể tiêu diệt 42% virus và 30 phút sẽ tiêu diệt 80% virus. Phát biểu của vị Bộ trưởng đã khiến cộng đồng khoa học Indonesia không khỏi hoài nghi. Bộ này sau đó đã bác bỏ công bố đó, nói rằng các sản phẩm hương liệu chỉ nhằm ngăn ngừa bệnh. Các chuyên gia cảnh báo rằng những tuyên bố như vậy khiến công chúng hiểu nhầm về cảm giác được bảo vệ, điều này có thể khiến mọi người bỏ qua các biện pháp phòng ngừa cần thiết như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Vẫn cần thời gian nghiên cứu

“Tôi không thể tìm được bất kỳ ấn phẩm nào cho thấy Bộ đã thực hiện các xét nghiệm đối với việc nuôi cấy virus, chứ chưa nói đến các thử nghiệm lâm sàng. Có nhiều loại thuốc đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, nhưng không có loại nào cho thấy kết quả có thể được phân loại là thuốc chống virus Corona mới”, ông Yohanes Wibowo, nhà khoa học Indonesia hiện là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Khoa Dược thực nghiệm tại Đại học Heidelberg ở Đức nhận định về tính phi khoa học của vòng hương liệu do Bộ Nông nghiệp Indonesia công bố.

Tuy nhiên, các liệu pháp thảo dược đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày ở Indonesia trong nhiều thế kỷ. Các nhà khoa học Indonesia đã nghiên cứu phương pháp điều trị Covid-19 bằng cách sử dụng các thành phần tự nhiên để cho ra sản phẩm thuốc có tác dụng điều chỉnh hệ miễn dịch. Các thử nghiệm lâm sàng đã được hoàn thành vào tháng 8 và dữ liệu đang được kiểm tra độ chính xác, trước khi được Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) thông qua.

“Thảo dược không có tác dụng chữa bệnh và các nhà sản xuất thảo dược không nên tuyên bố quá mức về sản phẩm của họ. Tốt hơn hết chúng ta nên coi đó chỉ là thực phẩm bổ sung để cải thiện sức khỏe và hệ thống miễn dịch”.

Giáo sư Amin Soebandrio (Viện Sinh học phân tử Eijkman ở Jakarta)

Yến Chi

Cập nhật dịch Covid-19: Hơn 27,6 triệu ca mắc, 900.385 ca tử vong toàn cầu Cập nhật dịch Covid-19: Hơn 27,6 triệu ca mắc, 900.385 ca tử vong toàn cầu

Chỉ trong vòng 1 ngày, cả thế giới ghi nhận 216.398 ca mắc Covid-19 mới và 3.829 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này, ...

Australia sẽ sản xuất 84 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021 Australia sẽ sản xuất 84 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021

Theo thỏa thuận sản xuất vaccine trị giá 1,7 tỷ AUD mà chính phủ Australia vừa công bố, nếu các vaccine đang được trường Đại ...

Ấn Độ đã vượt 4 triệu ca mắc covid-19 Ấn Độ đã vượt 4 triệu ca mắc covid-19

Hôm nay là ngày thứ 3 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận trên 80.000 ca mắc covid-19 trong ngày. Như vậy Ấn Độ là quốc ...

Ngày đăng: 08:45 | 09/09/2020

/ anninhthudo.vn