Vào tháng 10 tới đây, Hà Nội và TP HCM sẽ đồng loạt áp dụng cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trực tuyến tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn hai thành phố lớn nhất cả nước này. Lẽ ra với thông tin trên thì người dân phải vui mừng khôn xiết vì bớt đi được rất nhiều khó khăn vất vả khi xin phép xây dựng, không còn tình cảnh bị cán bộ tiếp nhận hồ sơ nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Song, trên thực tế, người dân lo ngại xin giấy phép xây dựng trực tuyến có khi còn lâu hơn, khó khăn hơn nộp hồ sơ trực tiếp.
TP.HCM không đồng ý làm căn hộ thương mại diện tích 20m2 |
Cấp sổ đỏ cho người nước ngoài: Việt Nam khác Mỹ |
Cấp giấy phép xây dựng qua mạng là một trong những dịch vụ công được triển khai theo chủ trương đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Theo đó, trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày cấp biên nhận trực tuyến (trừ những ngày nghỉ lễ, tết theo quy định), UBND quận, huyện phải giải quyết, cấp giấy phép xây dựng qua mạng cho chủ đầu tư theo đúng quy định pháp luật.
Thời gian chủ đầu tư phải chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ không tính vào thời gian giải quyết hồ sơ. Về mặt lý thuyết, với quy định trên thì từ nay trở đi không những người dân đỡ vất vả hơn rất nhiều khi xin phép xây dựng, mà việc không phải trực tiếp gặp gỡ người tiếp nhận và xử lý hồ sơ cũng sẽ góp phần triệt tiêu được vấn nạn tiêu cực.
Không phải tới bây giờ Hà Nội và TP HCM mới thực hiện việc cấp phép xây dựng nhà ở đơn lẻ cho người dân qua mạng, mà cũng đã làm thí điểm ở một số địa bàn trong thời gian qua. Song, có vẻ như kết quả khi triển khai thực tế lại không được như tính toán lý thuyết ban đầu. Mặc dù đã có dịch vụ công trực tuyến, nhưng nhiều người dân khi xin phép xây dựng vẫn không muốn sử dụng mà vẫn “cặm cụi” vác hồ sơ giấy đến cơ quan cung cấp dịch vụ công để nộp hồ sơ trực tiếp. Giải thích lý do không thích sự đơn giản, thuận tiện, nhiều người khẳng định việc cấp phép qua mạng không dễ dàng như tưởng tượng.
Về nguyên tắc, sau khi tiếp nhận hồ sơ xin phép xây dựng trực tuyến của công dân thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải cử cán bộ xuống hiện trường để kiểm tra hiện trạng đất, xác định bản vẽ thiết kế đã chính xác chưa... rồi cứ thế automatic đến thời hạn là cấp giấy phép xây dựng cho người dân. Song, do lâu nay việc công bố quy hoạch tại các khu đô thị, khu dân cư vẫn còn nửa kín nửa hở, không công khai rõ ràng nên việc người dân hay thậm chí là một đơn vị tư vấn thiết kế vẫn sai không đúng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Tất nhiên đã sai thì phải sửa, lúc này người dân lại bị gọi tới cơ quan có thẩm quyền để mang hồ sơ về sửa lại.
Thử đặt ví dụ cỡ độ 3-4 lần phải chạy đi chạy lại cơ quan thụ lý và giải quyết để lấy hồ sơ về sửa thì mấy ai không nản. Mà khi đã không nắm được quy hoạch chi tiết của nơi mình đang sinh sống thì chẳng cứ người dân, ngay cả các đơn vị tư vấn thiết kế chuyên nghiệp cũng không thể biết được ở khu vực này được phép xây nhà cấp mấy, cao bao nhiêu, độ lùi ra sao... Vậy nên việc phải vài lần lên cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ để chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ là việc khó mà tránh khỏi. Như vậy thì còn vất vả hơn là đi nộp hồ sơ trực tiếp.
Một số nơi triển khai thí điểm cấp giấy phép xây dựng qua mạng cũng kêu khó, bởi không gặp trực tiếp mà hướng dẫn qua mạng không hề đơn giản. Vấn đề vướng nhất vẫn là sai sót về bản vẽ hiện trạng, không chỉ người dân mà ngay cả các đơn vị tư vấn vẽ cũng không đúng, sai sót về thông tin, chỉ tiêu quy hoạch hoặc không phù hợp hiện trạng. Vậy nhưng để hướng dẫn người dân điều chỉnh bản vẽ hiện trạng thông qua trực tuyến rất khó. Có trường hợp dù gửi thư điện tử hướng dẫn nhưng người dân vẫn vẽ sai, cán bộ cấp phép phải gọi người dân tới để hướng dẫn. Đó là còn chưa kể hồ sơ thiếu hoặc sai sót, cơ quan cấp phép cũng phải gọi người dân tới để hướng dẫn sửa lại...
Đó chính là những vướng mắc mà một số địa phương đưa ra để lý giải cho việc nhiều người dân không mặn mà với việc cấp phép xây dựng trực tuyến. Bởi nếu nộp trực tiếp sẽ được cán bộ tiếp nhận chỉ ra sai sót ở đâu, đồng thời hướng dẫn cụ thể sửa như thế nào, sau đó chỉ việc về nhà đợi sau 15 ngày là có giấy phép xây dựng. Còn nếu nộp trực tuyến lại phải chạy đi chạy lại vài lần cũng quá tội, còn lâu hơn nộp trực tiếp. Song, đó chỉ là cách lý giải biện bạch không có sức thuyết phục. Bởi lẽ, nếu các cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thực sự tâm huyết, hết lòng vì dân thì chẳng có lý nào nộp hồ sơ qua mạng lại vất vả hơn đi nộp trực tiếp.
Ưu điểm của việc cấp giấy phép xây dựng qua mạng là quá rõ, không cần phải bàn cãi. Song, việc cấp giấy phép xây dựng qua mạng nói riêng hay các dịch vụ công trực tuyến nói chung sẽ chỉ phát huy tối đa hiệu quả khi mọi thông tin được minh bạch, rõ ràng, các cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ phải thực sự làm việc vì dân, chứ không phải làm cho xong hoặc nghĩ cách gây khó để “vòi quà”.
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/ly-thuyet-va-thuc-te-380946
Ngày đăng: 16:32 | 30/09/2017
/ Lê Anh Đức/daidoanket.vn