Hạn chế về chiến thuật và lợi ích chiến lược khiến Tổng thống Nga không gây thêm căng thẳng với Israel vì chiếc Il-20 bị bắn rơi.
Tổng thống Putin phát biểu tại Điện Kremlin hôm qua. Ảnh: AP. |
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua tuyên bố vụ trinh sát cơ Il-20 của không quân nước này bị tên lửa phòng không của Syria bắn rơi trên Địa Trung Hải là hậu quả của "một chuỗi sự kiện bất ngờ đầy thảm kịch", trong đó có sự liên quan của Israel, khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng.
Giới quan sát cho rằng tuyên bố này của Putin trái ngược với phản ứng đầy giận dữ, quyết liệt của Bộ Quốc phòng Nga trước đó, khi họ cáo buộc tiêm kích F-16 của Israel khi không kích mục tiêu ở Syria đã cố tình dùng chiến thuật "núp bóng" để gài bẫy trinh sát cơ Nga, khiến chiếc Il-20 rơi vào tầm ngắm của tên lửa phòng không S-200 Syria mà không có cách nào thoát được.
Quân đội Nga còn tuyên bố họ bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp "đáp trả tương xứng" đối với Israel sau sự cố này, làm dấy lên những đồn đoán rằng Nga sẽ cung cấp tên lửa phòng không hiện đại S-300 cho Syria, thậm chí đe dọa chiến đấu cơ Israel hoạt động ở Trung Đông.
Tuy nhiên, giọng điệu mềm mỏng của Putin dường như đã dập tắt những đồn đoán này, và các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Nga có nhiều lý do cả về chiến thuật lẫn chiến lược để không trút "lửa giận" lên Israel sau sự cố.
Theo bình luận viên Tom Rogan của Washington Examiner, về mặt chiến thuật, Putin hiểu rất rõ rằng Israel không phải là bên duy nhất có lỗi trong thảm kịch này và việc chiếc Il-20 bị bắn rơi cho thấy Nga còn rất nhiều việc phải làm để củng cố năng lực phòng không cho đồng minh Syria.
Ngay sau sự cố, Bộ Quốc phòng Israel đã liên lạc với phía Nga, giải thích rằng tiêm kích F-16 của họ đêm 17/9 đang không kích một cơ sở quân sự Syria ở Latakia bị nghi cung cấp vũ khí cho dân quân Hezbollah thân Iran, đồng thời khẳng định đã báo trước với phía Nga về cuộc tấn công. Quân đội Israel khẳng định phòng không Syria đã phóng tên lửa S-200 sau khi tiêm kích F-16I đã trở về không phận Israel, hậu quả là chiếc Il-20 đang tìm cách hạ cánh của Nga bị trúng đạn.
Zemlianichenko cho rằng điều này chứng tỏ khả năng nhận diện kẻ thù và đồng minh của các chỉ huy tên lửa Syria còn nhiều hạn chế, dẫn đến quyết định sai lầm. Đáng lẽ khi nhận thấy đốm sáng chỉ thị mục tiêu trên màn hình radar lớn bất thường, chỉ huy khẩu đội phải nhận ra đây không phải là tiêm kích F-16I, vốn có tiết diện radar nhỏ hơn nhiều. Tuy nhiên, quả tên lửa S-200 vẫn rời bệ phóng và lao thẳng vào chiếc Il-20 Nga.
Ủy ban Điều tra Liên bang Nga đang cử các nhân viên đến Syria để tìm hiểu lý do quả tên lửa này được khai hỏa dù tiêm kích Israel đã rời khỏi không phận Syria. Putin cũng tuyên bố sẽ có các biện pháp bổ sung để đảm bảo an toàn cho lực lượng và khí tài Nga tham chiến ở Syria, nhưng không nói rõ biện pháp đó là gì.
Chuyên gia an ninh Nga Vladimir Frolov thì cho rằng Moskva cũng có một phần lỗi trong sự cố, khi không nâng cấp tính năng hiện đại hơn cho lực lượng phòng không Syria, đặc biệt là hệ thống nhận diện địch – ta.
Justin Bronk, chuyên gia tại Viện RUSI, cũng khẳng định S-200 là hệ thống tên lửa lạc hậu và có nguy cơ gặp sai sót lớn. Khi không có hệ thống radar và kiểm soát hỏa lực hiện đại hơn, loại tên lửa này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân biệt máy bay địch – ta.
"Nếu phòng không Syria tìm cách khóa mục tiêu vào các tiêm kích Israel đang hoạt động gần chiếc Il-20, nhất là trong môi trường gây nhiễu mạnh, hoàn toàn có khả năng họ đã vô tình nhắm quả đạn vào máy bay Nga", Bronk nói.
Lý do chiến lược
Putin (trái) và Netanyahu trong một cuộc gặp ở Jerusalem năm 2014. Ảnh: Reuters. |
Yuri Barmin, chuyên gia tại Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga, cho biết trước khi sự cố Il-20 bị bắn rơi nổ ra, Nga và Israel đang duy trì quan hệ tốt đẹp và lãnh đạo hai nước cũng có mối thân tình đặc biệt. Hồi tháng 5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tới Moskva dự lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng trong khi các lãnh đạo phương Tây đều khước từ lời mời từ Điện Kremlin.
Tổng thống Nga cũng biết rõ rằng Israel có mục tiêu chiến lược là ngăn chặn Iran củng cố lực lượng và hiện diện quân sự lâu dài trên lãnh thổ Syria. Để chống lại mối đe dọa từ Iran, Israel không còn cách nào khác ngoài việc thu thập thông tin tình báo và tiến hành các cuộc không kích trên lãnh thổ Syria.
Nga dường như cũng chấp nhận các lợi ích chiến lược của Israel ở Trung Đông và Putin nhiều khả năng sẽ không đánh đổi mối quan hệ mang tính chiến lược này để gây căng thẳng với Tel Aviv sau sự cố. Moskva cũng sẽ không mạo hiểm xen vào giữa "cuộc chiến ngầm" tranh giành ảnh hưởng đang diễn ra giữa Israel và Iran.
"Nga sẽ không cản trở hoạt động của Israel ngằm ngăn chặn sự bành trướng của Iran ở Syria, bởi họ biết rằng đây là yếu tố mang tính sống còn với Tel Aviv", Jonathan Spyer, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Jerusalem, nói. "Moskva đang tìm cách làm bạn với tất cả, với Assad, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và cả người Kurd, dù điều này có thể gây rắc rối với họ".
Bởi vậy, nếu không kiềm chế được các hoạt động của Hezbollah hay Iran trên lãnh thổ Syria, Putin sẽ phải chấp nhận việc tiêm kích Israel tiếp tục ra vào không phận quốc gia này để thực hiện các cuộc không kích. Việc "làm ngơ" cho những cuộc không kích này đồng nghĩa với việc nguy cơ nổ ra những thảm kịch "quân ta bắn quân mình" tương tự vụ Il-20 sẽ còn tiếp diễn.
Trên thực tế, Nga mới chỉ triển khai một số tổ hợp tên lửa S-300, S-400 đến Syria để bảo vệ căn cứ, khi mục tiêu chính của họ là tiêu diệt phiến quân và giúp quân đội Syria giành lại lãnh thổ. Những tổ hợp tên lửa ít ỏi này sẽ không thể giúp Nga ngăn chặn mọi hoạt động của tiêm kích Israel trên bầu trời Syria.
Sau khi chiếc Il-20 bị bắn hạ, Bộ Quốc phòng Israel đăng trên Twitter rằng Syria phải chịu trách nhiệm về sự cố, khi phóng tên lửa một cách "bừa bãi", nhưng đồng thời bày tỏ "lòng thương tiếc trước cái chết của các thành viên phi hành đoàn máy bay Nga".
Bình luận viên Olive Carroll của Independent cho rằng phản ứng này của Israel rất khác so với những lời lẽ mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra sau vụ bắn rơi cường kích Nga năm 2015. Trong khi Ankara thể hiện thái độ đối đầu và bảo vệ cho quyết định phóng tên lửa vào cường kích Nga của phi công, Tel Aviv lại cho thấy sự nhún nhường và dường như đây là một phần lý do khiến Putin dịu giọng.
Theo Zemlianichenko, một lãnh đạo thực tế như Putin sẽ không mạo hiểm đẩy Nga vào một cuộc đối đầu quân sự với Israel vì một sự cố đơn lẻ có thể ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của nước này. "Tình hình trên chiến trường có thể thay đổi một chút, nhưng chính trị sẽ không bao giờ thay đổi", Barmin nói. "Nga không có nhiều đồng minh để có thể vứt bỏ một cách thiếu suy xét".
Putin nói trinh sát cơ Nga bị bắn rơi là do "tình cờ"
Tổng thống Nga cho rằng chuỗi sự việc tình cờ đã khiến trinh sát cơ nước này bị bắn rơi, dù trước đó Bộ Quốc ... |
Ngày đăng: 17:53 | 19/09/2018
/ VnExpress