Lý do ông Tập "bình chân như vại" trước đòn áp thuế của Trump
Trung Quốc tin rằng cuộc chiến thương mại với Mỹ là "cơ hội trời cho" để phát triển thị trường nội địa, hạn chế lệ thuộc hàng nhập khẩu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông hôm qua. Ảnh: Xinhua.
Trung Quốc tháng trước bất ngờ có một loạt động thái "nhún nhường" trên mặt trận tuyên truyền, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp tung các đòn áp thuế với hàng chục tỷ USD hàng hóa của nước này, châm ngòi cho cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước. Lúc đó, nhiều chuyên gia đã dự đoán rằng các lãnh đạo ở Bắc Kinh sẽ phải sớm nhượng bộ và chấp nhận thất bại trong cuộc chiến khốc liệt này với Washington.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã kéo dài sang tháng thứ ba mà chưa có bất cứ động thái nhượng bộ nào từ các bên, thay vào đó là các đòn áp thuế kiểu "ăn miếng trả miếng" liên tiếp được tung ra, theo Bloomberg. Trong khi Trump thúc giục Apple xây nhà máy ở Mỹ để tránh bị áp thuế, Chủ tịch Tập Cận Bình lại tới Nga dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông và vui vẻ rán bánh cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bình luận viên Michael Schuman cho rằng để hiểu được thái độ "bình chân như vại" của ông Tập trước đòn áp thuế của Trump, cần phải nhìn vào một trường hợp điển hình là tập đoàn sản xuất thiết bị thí nghiệm Biobase của Trung Quốc.
Các sản phẩm của Biobase trước đây gặp rất nhiều khó khăn ngay trên sân nhà, khi thị trường này ở Trung Quốc bị thống trị bởi các nhãn hiệu nước ngoài. Nhưng khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, cơ hội lập tức đến với Biobase, khi khách hàng phải tìm đến các sản phẩm nội địa do giá cả hàng nhập khẩu tăng cao vì hàng rào thuế quan.
"Thị trường nội địa trước đây phụ thuộc rất lớn vào hàng nhập khẩu", China Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn lời chủ tịch Biobase Gan Yiwu trong một bài viết hôm 31/8. "Nhưng giờ tình hình đã khác rồi. Cơ hội đang rộng mở". Thông qua bài viết này, Bắc Kinh dường như đang phát đi một thông điệp: chính phủ Trung Quốc hài lòng khi người dân mua hàng hóa nội địa thay vì sản phẩm nhập từ Mỹ.
Schuman cho rằng chính sách thương mại của Trump đang tồn tại một số quan niệm sai lầm, trong đó nguy hiểm nhất là niềm tin rằng Trung Quốc sẽ làm mọi điều có thể để duy trì quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với Mỹ. Trên thực tế, Bắc Kinh lại đang đặt ra mục tiêu quốc gia trái ngược, đó là tăng cường tính độc lập về kinh tế với Washington.
Chiến lược này của Trung Quốc hoàn toàn khác với những gì mà các quan chức chính quyền Trump tưởng tượng. Nhà Trắng luôn tin rằng Trung Quốc vẫn phải lệ thuộc vào Mỹ để thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm, nên lãnh đạo nước này sẽ phải nhượng bộ trước các đòn áp thuế. Họ cho rằng việc Chủ tịch Tập phải thừa nhận thất bại chỉ là vấn đề thời gian.
Nhưng những gì diễn ra trong ba tháng qua cho thấy đòn áp thuế của Trump dường như chưa đủ liều để buộc ông Tập phải xuống nước. Trước sức ép từ bên ngoài, thị trường nội địa có quy mô khổng lồ của Trung Quốc lại có vai trò quan trọng hơn đối với tăng trưởng kinh tế đất nước. Chính phủ Trung Quốc cũng xây dựng chiến lược kinh tế hướng tới thay thế sản phẩm nhập khẩu bằng hàng hóa nội địa. Nói một cách đơn giản, lãnh đạo nước này muốn 1, 4 tỷ dân sử dụng điện thoại Xiaomi và xe hơi Geely, thay vì iPhone và Buick.
Trong chương trình "Made in China 2025", lãnh đạo Trung Quốc đặt ra mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao mới nhằm cạnh tranh và tiến tới thay thế đối thủ nước ngoài, cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Đây là lý do China Daily coi cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ là "cơ hội trời cho" để hạn chế ảnh hưởng từ bên ngoài đối với nền kinh tế. Đòn áp thuế của Trump cũng có thể là cái cớ để Bắc Kinh trì hoãn các cải cách thị trường tự do, tăng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước và gây khó dễ cho công ty nước ngoài, Schuman nhận định.
Không chỉ chú trọng thị trường trong nước, lãnh đạo Trung Quốc còn nuôi tham vọng phát triển các thị trường xuất khẩu khác thay thế cho Mỹ sau khi chiến tranh thương mại nổ ra. China Daily còn nhấn mạnh rằng trong phòng làm việc của chủ tịch Biobase có tấm bản đồ thể hiện các quốc gia tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập.
Mục tiêu của tham vọng này là đưa Trung Quốc tới các nền kinh tế đang phát triển mới để phát huy vai trò của các doanh nghiệp nước này. Bằng cách đó, Bắc Kinh sẽ tạo ra một liên minh kinh tế mới của riêng mình để đối phó với Mỹ.
Hai cảnh sát Trung Quốc đứng gác tại một cảng biển của nước này. Ảnh: AFP.
Schuman nhấn mạnh rằng tất cả những động thái trên không đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ không đàm phán để đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ hay chính sách của Bắc Kinh chỉ đơn thuần dựa vào khía cạnh kinh tế. Trung Quốc sẽ có triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt hơn khi tăng cường hợp tác với Mỹ và được tiếp cận với công nghệ, khách hàng Mỹ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh coi kế hoạch phát triển kinh tế của mình là yếu tố quan trọng trong an ninh quốc gia cũng như sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế. Trong sứ mệnh đó sẽ không có chỗ cho Apple, Itel hay General Motors và ông Tập sẽ không vội vàng để đạt được một thỏa thuận thương mại như Trump vẫn nghĩ.
"Chủ tịch Tập chỉ chấp nhận một thỏa thuận thương mại với Mỹ không đe dọa đến chương trình kinh tế lớn của ông", Schuman nhận định. "Trung Quốc thậm chí có thể sẵn sàng đi đường riêng và chơi theo luật của mình, không có Trump, cũng không có Mỹ".