Ngay từ đầu tháng 4, chuyên gia Michael Favorov cảnh báo Nga dường như đang trong giai đoạn đầu của quỹ đạo tương tự đại dịch khiến Mỹ "vỡ trận".
"Họ sẽ đối mặt với tình trạng số ca nhiễm tăng nghiêm trọng trong tháng tới tại thủ đô cũng như khu vực khác, kéo theo sự gia tăng đáng kể số người chết", Michael Favorov, người đứng đầu chương trình Đông Âu và Trung Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hôm 6/4 trả lời phỏng vấn tạp chí Vox về tình hình Covid-19 ở Nga.
Dự đoán của Favorov dường như đã trở thành sự thật, khi Nga giờ đây là nước có tỷ lệ gia tăng số ca nhiễm mới nhanh thứ hai thế giới sau Mỹ. Liên tiếp 4 ngày qua, số ca nhiễm mới trong một ngày tại Nga trên 10.000, sau khi đạt mức cao kỷ lục hôm 3/5 với 10.633 ca. Nước này hiện ghi nhận gần 166.000 ca nhiễm và hơn 1.500 người chết, với tâm dịch là thủ đô Moskva.
Quảng trường Đỏ vắng lặng tại thủ đô Moskva, Nga hôm 6/4. Ảnh: AFP. |
Nga được cho là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn Covid-19. Hôm 30/1, một ngày trước khi xác nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên, Nga đóng biên với Trung Quốc và đình chỉ cấp visa điện tử cho người dân nước này.
Trong vòng vài giờ, các chuyến bay và dịch vụ đường sắt giữa hai nước ngừng hoạt động. Vài ngày sau, Nga sơ tán công dân tại Trung Quốc, đồng thời đe dọa trục xuất người nước ngoài dương tính với nCoV. Hồi tháng 2, Nga cấm công dân Trung Quốc nhập cảnh và hạn chế dòng người từ Hàn Quốc và Iran, hai vùng dịch lớn lúc đó. Những công dân Nga trở về từ châu Âu phải tự cách ly 14 ngày.
Giới chuyên gia đánh giá các biện pháp nghiêm ngặt ngay từ đầu có thể đã giúp Nga hạn chế số ca nhiễm và ngăn dịch bệnh bùng phát dữ dội hơn. Tuy nhiên, chúng chưa đủ toàn diện, vẫn tạo ra kẽ hở khiến virus âm thầm lây lan, đặc biệt trong vấn đề xét nghiệm.
Nga dùng thiết bị tự sản xuất để xét nghiệm nCoV, nhưng nhiều người cho rằng chúng có tỷ lệ lỗi cao, dẫn tới số lượng lớn kết quả âm tính sai lệch. Một số bác sĩ mà CBC News từng phỏng vấn đánh giá đây là một phần nguyên nhân khiến giới chức y tế Nga bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn nCoV từ sớm.
"Độ nhạy của các xét nghiệm nội địa chỉ khoảng 65-70%, nên đôi khi chúng tôi không biết bệnh nhân chết vì Covid-19 hay nguyên nhân khác. Do đó, chúng tôi đưa nguyên nhân tử vọng của họ vào danh mục khác. Đấy là lý do số liệu ca tử vong vì nCoV khá thấp", Pavel Brand, bác sĩ làm việc tại một phòng khám tư ở Moskva, cho biết hồi tháng 4.
Thêm vào đó, quá trình xác nhận ca dương tính cũng khá chậm chạp, do số cơ sở thí nghiệm tiến hành xét nghiệm nCoV hạn chế và luôn trong tình trạng quá tải. Vì vậy, người Nga vẫn tiếp tục nhịp sống bình thường mà không biết họ có mang mầm bệnh hay không. Điện Kremlin cũng mù mờ trong công tác theo dõi sự lây lan.
Alexei Yakovlev, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Medsi ở Moskva, tiết lộ hầu hết ca nhiễm nCoV đầu tiên tại Nga được các cơ quan y tế coi là bệnh viêm phổi. Đến tận tháng 4, chính phủ Nga mới đồng ý gộp những trường hợp này vào số liệu thống kê ca nhiễm nCoV.
Sau những hành động mạnh mẽ ban đầu, vài tuần sau đó Nga mới bổ sung thêm biện pháp phòng dịch. Tới giữa tháng 3, Nga mới quyết định đóng cửa trường học và một số doanh nghiệp nhất định, hạn chế di chuyển bằng đường hàng không, xem xét gói kích thích kinh tế lớn nhằm giảm bớt tổn thất tài chính của người dân. Nhưng tại thời điểm đó, số ca nhiễm nCoV của Nga đã bắt đầu tăng tốc.
Theo tiến sĩ Vasiliy Vlassov, nhà dịch tễ học tại Trường Kinh tế Cao cấp ở Moskva, không phải Nga phản ứng chậm trước Covid-19, mà "phản ứng ngay từ đầu không đầy đủ". Seymur Mammadov, giám đốc câu lạc bộ chuyên gia quốc tế EurAsiaAz, cho rằng việc trì hoãn bổ sung biện pháp cũng là yếu tố quan trọng khiến số ca nhiễm nCoV tại Nga tăng vọt.
Mammadov còn cho hay người Nga không nhận thức đầy đủ về tình hình Covid-19, cũng như sự cần thiết của việc tuân thủ biện pháp phòng dịch. Tổng thống Vladimir Putin ban lệnh phong tỏa toàn quốc và kéo dài kỳ nghỉ được trả lương, với hy vọng giữ chân người dân ở trong nhà, thực hiện cách biệt cộng đồng.
Tuy nhiên, thay vào đó, hàng nghìn người dân Moskva và khu vực khác trên cả nước đã ra ngoài tận hưởng thời tiết đẹp và khoảng thời gian được nghỉ ngơi, buộc Điện Kremlin phải kêu gọi tất cả ở nhà. Ngay cả khi một số chính quyền địa phương áp lệnh "ở yên tại chỗ" và triển khai cảnh sát để nhắc nhở, người dân vẫn phớt lờ quy định. Để mọi người tuân thủ nghiêm túc hơn, Điện Kremlin buộc phải thông qua biện pháp phạt tối đa 7 năm tù với những ai vi phạm lệnh phong tỏa.
Các chuyên gia nhận định biện pháp mạnh tay này có thể mang lại một số lợi ích, nhưng dường như vẫn chưa đủ. "Tôi sợ rằng như thế là quá ít và quá muộn màng", Judy Twigg, chuyên gia về y tế Nga tại Đại học Virginia Commonwealth, nêu ý kiến.
Những diễn biến nghiêm trọng khiến gánh nặng đối với hệ thống y tế Nga ngày càng gia tăng. Twigg cho biết rất nhiều thiết bị trong các bệnh viện của Nga, bao gồm máy thở, hư hỏng với tần suất đáng báo động.
Nhân viên y tế trong phòng chăm sóc tích cực tại một bệnh viện ở Moskva, Nga hôm 28/4. Ảnh: Reuters. |
Nga đang nỗ lực sản xuất nhiều máy thở hơn, nhưng chưa rõ có kịp đáp ứng nhu cầu đang tăng lên nhanh chóng hay không. Họ cũng thiếu những thiết bị, vật tư đi kèm như oxy hoặc thuốc gây mê.
Twigg còn cảnh báo Nga có nguy cơ không đủ y tá được đào tạo bài bản để trực trong phòng chăm sóc tích cực 24/7. Những năm gần đây, nước này đã tăng lương cho nhân viên y tế nhằm thu hút nhân tài. Tuy nhiên, điều này lại dẫn tới sụt giảm ngân sách dùng để mua vật tư y tế. Khi đầu tư cho lĩnh vực y tế, chính phủ cũng tập trung vào xây dựng bệnh viện mới, thay vì tăng cường đồ bảo hộ cho y bác sĩ. Putin hồi tháng 4 cũng thừa nhận tình trạng thiếu đồ bảo hộ cho nhân viên y tế.
Tình hình tồi tệ tới mức nhiều y bác sĩ quyết định bỏ việc giữa đại dịch. Hơn 10 y tá tại bệnh viện Kommunarka, cơ sở điều trị Covid-19 hàng đầu ở Moskva, hôm 27/4 đột ngột xin nghỉ việc do không có đủ đồ bảo hộ, thực phẩm, cũng như chưa nhận được khoản tiền bồi dưỡng mà Putin cam kết chi trả.
"Tôi từng làm việc hai ngày liên tiếp, đôi khi là ba", một y tá giấu tên giải thích lý do nghỉ việc trong đoạn video đăng trên Moscow Times. "Họ không cho chúng tôi ăn và đưa những thiết bị không hợp tiêu chuẩn vệ sinh cho chúng tôi".
"Không ai trả tiền tăng ca cho chúng tôi. Tôi muốn mọi người lắng nghe và mong nhận được khoản tiền mà Tổng thống đã cam kết, đặc biệt là cho những người làm việc trong điều kiện như vậy", nữ y tá nói thêm.
Ánh Ngọc (Theo Vox, CBC, CGTN)
Việt Nam thành công bước đầu trong sản xuất vắc xin ngừa Covid-19
Sau 10 ngày tiêm thử nghiệm trên chuột, kết quả cho thấy Việt Nam đã tiến thêm một bước trong chế tạo vắc xin ngừa ... |
Các hãng bay đang đối mặt với những thách thức mang tính sống còn
Để vực dậy các hãng hàng không vào giai đoạn này, đại diện cơ quan Nhà nước cho rằng sự hỗ trợ của Chính phủ ... |
Tổng Giám đốc WHO: Nguy cơ phong tỏa trở lại vẫn hiện hữu
Theo WHO, nguy cơ trở lại phong tỏa vì COVID-19 vẫn hiện hữu nếu các quốc gia không giám sát quá trình nới lỏng này ... |
Ngày đăng: 15:51 | 07/05/2020
/ vnexpress.net