Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km thông xe giúp giảm tải quốc lộ 1, ôtô chạy từ TP HCM tới Mỹ Thuận từ 3 tiếng còn khoảng 1 tiếng 45 phút.
Tuyến đường rộng 16 m, gồm 4 làn xe, mỗi chiều được bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp (không có làn khẩn cấp, suốt tuyết có 39 cầu trên tuyến và 14 cầu vượt).
Hiện cao tốc đã xong tuyến chính, cơ bản hoàn thành các tuyến nối.
Trên mạng xã hội, nhiều tài xế háo hức bàn về tuyến đường mới sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian từ TP.HCM về miền Tây.
Tuy nhiên, một video được đăng tải ghi lại cảnh tài xế đi trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã khiến nhiều người bất ngờ. Nhiều tài xế thất vọng khi thấy cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ được thiết kế 2 làn xe mỗi chiều và không có làn dừng khẩn cấp.
Tác dụng của làn dừng khẩn cấp là dành cho các xe khi gặp sự cố có thể tấp vào lề và dừng lại, không làm ảnh hưởng đến giao thông. Bên cạnh đó, những xe ưu tiên trong trường hợp khẩn cấp có thể chạy vào như cứu hỏa, cứu thương, công an...
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị viên diễn đàn Oto+ đồng thời là một tài xế có thâm niên, gọi việc đường cao tốc không có làn dừng khẩn cấp là "lỗi thiết kế", bởi vai trò của làn dừng khẩn cấp rất quan trọng.
"Làn dừng khẩn cấp có 2 chức năng. Thứ nhất là để các xe gặp sự cố tấp vào đó để xử lý, tránh nguy hiểm cho xe phía sau. Thứ hai là trong trường hợp trên cao tốc xảy ra tai nạn liên hoàn dẫn đến ùn tắc, làn dừng khẩn cấp sẽ là đường để các loại xe cứu hỏa, cứu thương nhanh chóng tiếp cận được các nạn nhân", ông Thắng giải thích.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 không có làn dừng khẩn cấp trên toàn tuyến. Thay vào đó, dự án chỉ một số điểm dừng cục bộ trên tuyến đang được hoàn thiện gồm 6 điểm trên hướng Trung Lương đi Mỹ Thuận và 5 điểm ở chiều ngược lại.
Ông Bon cho biết do phân kỳ đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 mặt đường chỉ rộng 17 m nên không thể xây làn dừng khẩn cấp dọc tuyến. Thiết kế như vậy đã được thống nhất từ giai đoạn Bộ GTVT quản lý dự án và vẫn giữ nguyên khi tỉnh Tiền Giang tiếp quản vai trò quản lý.
Đại diện Bộ GTVT, cơ quan này cho biết dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 không có làn dừng khẩn cấp trên toàn tuyến do khó khăn về vốn đầu tư. Nội dung này đã được thống nhất từ khâu thiết kế kỹ thuật trước khi khởi công dự án.
Ở những giai đoạn sau, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được mở rộng thêm 2 bên để đạt quy mô 6-8 làn xe và sẽ xây đủ làn dừng khẩn cấp. Thời điểm triển khai giai đoạn 2 của dự án chưa được ấn định do Bộ GTVT cần thời gian để bố trí vốn.
Năm 2009, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công với tổng vốn hơn 14.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, vì nhiều lý do nên Dự án vẫn còn dang dở, số vốn đầu tư điều chỉnh chỉ còn 12.000 tỷ đồng. Trong đó vốn BOT hơn 10.000 tỷ đồng. Đến năm 2019, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải sang UBND tỉnh Tiền Giang và trao quyết định giao hơn 2.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước ngay tại công trường dự án.
Năm 2021 vừa qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo, động viên của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, khánh thành sớm hơn dự định (21/1/2022) để kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đáp ứng được mong mỏi và kỳ vọng của hơn 20 triệu người dân miền Tây.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thực hiện theo hình thức BOT, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TPHCM - Trung Lương) và điểm cuối tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), giao với quốc lộ 30, cách cầu Mỹ Thuận 10km về phía Bắc.
PV (th)
Thông xe kỹ thuật dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận |
Hỗn loạn ngày đầu xe chạy trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận |
Thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận |
Ngày đăng: 10:28 | 20/01/2022
/ Nghề nghiệp và cuộc sống