Trước sự phát triển như vũ bão của xe điện, ở các thành phố lớn việc triển khai mạng lưới trạm sạc cũng cần linh hoạt kết hợp với những đơn vị có quỹ đất.
Không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới, những năm trở lại đây Việt Nam đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh. Trong đó, vấn đề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, xe máy điện được đầu tư, chú trọng phát triển.
Bộ Giao thông Vận tải đạt mục tiêu đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Hệ thống trạm sạc xe điện VinFast. (Ảnh minh hoạ)
Cú nhảy vọt của xe điện trong nước
Theo thống kê của Tổng Cục đăng kiểm Việt Nam, tính từ năm 2020 đến hết quý I/2024 số lượng xe ô tô điện nhập khẩu khá khiêm tốn, chỉ dừng lại ở 366 chiếc. Ngược lại, xe ô tô điện sản xuất trong nước lại có bước nhảy vọt bất ngờ.
Nếu năm 2020 các doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất, lắp ráp ô tô hybrid, ô tô điện thì tới 2022 con số này lần lượt là 1.318 chiếc hybrid và 7.483 chiếc ô tô điện.
Bước vào năm 2023 chứng kiến số lượng vượt trội khi 15.486 chiếc ô tô điện được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Chỉ tính riêng quý 1/2024 đã có 7.195 ô tô điện trong nước tiếp tục ra mắt, nâng tổng số xe điện sản xuất, lắp ráp trong nước tính từ 2021 tới nay là 30.298 chiếc. Đáng chú ý, dải sản phẩm còn có những chiếc xe điện mức giá rẻ bất ngờ, khi chỉ trên dưới 200 triệu đồng.
Biểu đồ tốc độ sản xuất, lắp ráp xe điện trong nước những năm qua.
Sau cuộc "đổ bộ" không mấy khả quan ở thị trường châu Âu, loạt dòng xe thuần điện đến từ Trung Quốc dự kiến sẽ được ra mặt tại thị trường Việt Nam bắt đầu từ quý II năm nay.
Trong số các dòng xe dự báo sẽ đổ bộ vào nước ta thời gian tới, đa phần đều thuộc xe gầm cao, trang bị nhiều tính năng hiện đại "so găng" trực tiếp với dòng VinFast VF 6 như BYD Atto 3, MG4 EV... Đặc biệt, phân khúc xe điện giá rẻ sau Wuling Mini EV, TMT Motors sẽ giới thiệu thêm 2 mẫu xe mới là Wuling Bingo và Baojun Yep nhằm cạnh tranh với chiếc VinFast VF 3 sắp được ra mắt.
Như vậy, chỉ trong vào 3 năm qua và tương lai tới, Việt Nam thị trường xe ô tô, xe máy điện ở Việt Nam càng sôi động. Tuy nhiên, đi đôi với phát triển nhanh là bài toán giải quyết các trạm sạc điện an toàn, đạt chuẩn thế nào, đáp ứng nhu cầu người sử dụng.
Giải bài toán trạm sạc xe điện
Trước việc phát triển nhanh chóng của thị trường xe điện, cũng như việc triển khai mạng lưới trạm sạc, PGS.TS Lưu Đức Hải (nguyên Cục trưởng Cục phát triển Đô thị, Bộ Xây Dựng) cho rằng, ở các thành phố lớn, việc phát triển trạm sạc nên đi theo hướng linh hoạt kết hợp với những đơn vị có quỹ đất, như các khu chung cư, trạm dừng nghỉ hoặc những công viên có diện tích lớn để tối ưu.
"Ở các thành phố lớn rất khó có thể định hướng hay quy hoạch dành quy đất mới để chỉ thực hiện việc sạc xe điện", ông Hải nói.
Thời điểm hiện tại, việc sản xuất, sử dụng các trạm sạc, cổng sạc thế nào là quyền của đơn vị sản xuất, nhưng tương lai các đơn vị này cần tính đến phương án sử dụng đồng nhất cổng sạc. Điều đó cũng giúp đáp ứng tốt hơn như cầu sạc của người dân, không mất công mỗi dòng xe lại có cổng sạc, trạm sạc khác nhau.
Tháng 12/2023, Sở Giao thông vận tải TP.HCM từng thực hiện khảo sát hơn 10.000 người dân tại TP.HCM về việc có muốn đổi sang dùng xe điện trong tương lai hay không. Dữ liệu cho thấy, khoảng 86,83% người tham gia khảo sát trả lời là "Chưa có nhu cầu" và một trong bốn lý do chính được đưa ra là hạ tầng trạm sạc chưa phủ rộng, họ lo ngại khó tìm trạm sạc.
TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, hệ thống cơ sở vật chất hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu của xe điện. Nếu phát triển phương tiện giao thông điện quá nhanh trong khi khả năng cung ứng và hạ tầng điện chưa đáp ứng được, sẽ là rào cản rất lớn về mặt kỹ thuật.
"Để thu hút người dân mua xe điện, cần đảm bảo khả năng đáp ứng đầy đủ hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng thuận tiện. Trong khi thực tế, mạng lưới trạm sạc cho các tuyến đi từ thành phố này sang thành phố khác, tỉnh này sang tỉnh khác vẫn còn hạn chế", ông Sơn bổ sung thêm.
Thực tế hiện nay, các dòng xe điện nhập như Porsche, Audi hay Mercedes đều phải sạc tại nhà hoặc sạc tại đại lý, hay sử dụng trạm sạc công cộng của bên thứ ba (không bán xe) như: EVIDA, Charg Plus, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)… nhưng không nhiều.
Riêng hãng xe điện Vinfast có lợi thế "sân nhà" với quy hoạch 150.000 cổng sạc phủ rộng khắp 63 tỉnh thành của VinFast. Nhờ vậy, không chỉ dẫn đầu tại Đông Nam Á về số lượng trạm sạc và số lượng cổng sạc, Việt Nam hiện còn vượt xa các nước hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc về mật độ cổng sạc xét trên quy mô diện tích và dân số.
Với quy hoạch 150.000 cổng sạc của riêng VinFast trên quy mô 100 triệu dân, tính trung bình mỗi 10.000 dân Việt Nam đang có 15 cổng sạc xe điện. Con số này cao gấp 5 lần so với Mỹ và cao hơn mức 12 cổng sạc trên 10.000 dân tại Trung Quốc.
Ngày đăng: 13:54 | 13/06/2024
CHÍ HIẾU / VTC News