Một số khách hàng phản ánh về hiện tượng hết hàng sớm tại siêu thị Vinmart và các cửa hàng tiện ích khác, tuy nhiên đây chỉ là hiện tượng cục bộ, chiếm số lượng rất nhỏ. Hiện tại, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã chuẩn bị lượng hàng tăng từ 30-300% (tùy loại) so với cùng kỳ năm trước để đáp ứng tiêu dùng, kể cả khi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona diễn biến xấu đi. 

Rau, củ, quả và thực phẩm được đưa về các siêu thị với số lượng lớn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước (ảnh chụp chiều 6.2 tại siêu thị Big C Hà Nội). Ảnh: Kh.V

Vì sao chỉ Vinmart thiếu hàng?

Trong vài ngày qua, khách hàng phản ánh về tình trạng một số siêu thị Vinmart không đủ thịt mát Meat Deli, rau xanh... để cung cấp cho khách hàng. Chị Nguyễn Thị Nga, Cầu Giấy cho biết: “10 giờ ngày 6.2.2020, tôi đi siêu thị Vinmart trên đường Doãn Kế Thiện, nhưng không mua được rau xanh, chỉ còn các loại củ, quả. 2 ngày trước cũng vậy”. Tại siêu thị Vinmart trên phố Lý Thái Tổ và Nguyễn Văn Cừ, chị Lê Ngọc Yến (Long Biên, Hà Nội) cũng cho biết, chị đi cả 2 cửa hàng đều không mua được thịt mát Meat Deli dù mới 3 giờ chiều.

Trước đó, khảo sát của một số PV báo chí cũng phản ánh: Các loại thịt, rau xanh, đặc biệt là rau ăn lá tại nhiều siêu thị Vinmart đã bị “vét sạch” dù mới 14 - 15 giờ. “Phải chăng sự chuyển giao hệ thống siêu thị Vinmart sang Masan đã ảnh hưởng đến sản xuất, khiến lượng hàng giảm sút, không đủ cung ứng ra thị trường”- TS Đào Công Nghinh (Trường ĐH Sư phạm 2 Hà Nội) - người không thể mua được rau xanh của Vinmart, tỏ ra bức xúc.

Trao đổi với PV Báo Lao Động,  bà Trần Thị Chi - Giám đốc Truyền thông Vinmart - cho hay:  Đợt mưa lớn kèm mưa đá xảy ra đêm 30 Tết và ngày mùng 1 Tết đã làm hỏng hết lứa rau vụ Xuân mới gieo. Tiếp sau đó là đợt rét đậm kéo dài 10 ngày khiến rau mới trồng sau Tết không thể phát triển, nên lượng rau ăn lá nhập về siêu thị ít hơn. Trong khi đó, xảy ra rải rác hiện tượng người tiêu dùng mua hàng với số liệu nhiều hơn trước để giảm số lần đi chợ vì e ngại virus Corona, nên đã xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở một số điểm bán hàng của Vinmart, chủ yếu là thịt mát Meat Deli và rau ăn lá”. Theo giải thích của người bán hàng, thì: “Siêu thị nào cũng đều được giao nhiều chủng rau, riêng số lượng rau ăn lá từ sau Tết được giao ít hơn vì nhà cung cấp chia nhỏ để phân nhằm đảm bảo siêu thị nào cũng có đủ mặt hàng” - chị Phạm Thị Hạnh, nhân viên tại siêu thị Vinmart trên phố Doãn Kế Thiện, Cầu Giấy (Hà Nội), nói.

“Đúng là có hiện tượng thiếu thịt mát Meat Deli tại 1-2 siêu thị, nhưng đây chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ, không phải trên toàn hệ thống. “Nguyên nhân của việc hết hàng sớm này do xảy ra hiện tượng thỉnh thoảng có người mua lượng thịt nhiều hơn để giảm số lần đi chợ, tránh bị ảnh hưởng của virus Corona. Tuy nhiên, từ 2 ngày nay chúng tôi đã tăng nguồn hàng và đủ cung ứng cho người tiêu dùng. Còn mặt hàng rau xanh 2-3 ngày trước thiếu do lượng rau bị hỏng vì mưa đá và không khí lạnh. Từ ngày 5.2.2020, lượng hàng về siêu thị đã tăng, chúng tôi đã tăng thêm 40% lượng hàng thiết yếu trên toàn hệ thống” - chị Trần Thị Chi khẳng định. 

Nguồn hàng lớn, có thể “đi chợ” online

 Trao đổi với PV báo Lao Động, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ngay từ khi vừa kết thúc nghỉ Tết, Bộ Công Thương đã làm việc với các hệ thống phân phối lớn như các hệ thống Big C, Co.opMart, MM Mega Market, Vinmart, Aeon và các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn khác, đề nghị đảm bảo lượng hàng đầy đủ, phong phú để cung cấp cho người dân sau Tết và lâu dài.

“Chúng tôi cũng đã tính đến kịch bản xấu nhất nếu dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona diễn biến phức tạp, thì cách thức bán hàng như thế nào? Lượng hàng nào cần tăng cường? Các siêu thị được yêu cầu đảm bảo cung ứng được những mặt hàng mà người dân cần trong mùa dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra như thực phẩm thiết yếu, thực phẩm bổ sung để tốt cho sức khỏe, những mặt hàng cần cho việc chống dịch như nước rửa tay, xà phòng rửa tay, các chất tẩy rửa và khẩu trang”- bà Lê Việt Nga nói và cho biết thêm: Trong trường hợp dịch bệnh phức tạp hơn, người dân không cần phải đi siêu thị, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã kết nối với hệ thống siêu thị, chuẩn bị đầy đủ điều kiện, hỗ trợ người dân mua bán trực tuyến. Người dân có thể ngồi nhà cũng có thể mua được lương thực, thực phẩm, thuốc men.

Khảo sát thực tế của PV trong các ngày từ 4 - 6.2.2020 cho thấy, tại một số hệ thống phân phối lớn ở Hà Nội là Big C, Saigon Co.op và Vinmart lượng hàng khá dồi dào.  Trao đổi với PV, bà Nguyễn Kim Dung - Giám đốc Co.opmart Hà Nội, cho hay: Siêu thị nào cũng khẳng định có tham gia bán hàng trên mạng. Nếu xảy ra dịch, người tiêu dùng có thể “đi chợ” online, gọi qua hotline hay điện thoại nhận đặt hàng không cần đến trực tiếp.

Phong Nguyễn

Lo sợ corona, siêu thị, quán xá vắng khách dịp cuối tuần

Những trung tâm thương mại, quán cà phê ở Hà Nội vốn đông khách vào cuối tuần, nay đã vắng vẻ hẳn do người dân ...

Chợ, siêu thị đồng loạt bán hàng trở lại, giá cả "nhảy múa" thế nào?

Từ ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, các chợ dân sinh bắt đầu bán hàng trở lại. Giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi ...

Siêu thị Hà Nội "vắng bóng" thịt lợn nhập khẩu giá rẻ

Những ngày qua, thông tin về thịt lợn nhập khẩu từ Ba Lan, Pháp, Đức, Mỹ... về Việt Nam với giá chỉ vài chục nghìn ...

Ngày đăng: 09:12 | 07/02/2020

/ laodong.vn