Chỉ cần đảm bảo được mức lương của giáo viên đủ sống thì có lẽ chẳng giáo viên nào nghĩ đến chuyện dạy thêm.
Tại trường tôi công tác, đồng nghiệp có thâm niên nhất (25 năm) đang hưởng mức lương 10,5 triệu đồng/tháng. Bản thân tôi 10 năm đi dạy, ngày dạy 2 buổi, chủ nhiệm lớp cùng nhiều vị trí khác cũng chỉ 8 triệu đồng/tháng.
Một giáo viên trung bình mỗi tuần phải làm hơn 40 đầu việc. Nếu nghĩ công việc của giáo viên chỉ là những tiết dạy trên lớp và tối về soạn bài, chấm bài thì sai hoàn toàn.
Chúng tôi làm việc vất vả lắm, từ hồ sơ cho đến việc chấm bài đánh giá nhận xét, sổ sách khá cồng kềnh. Thời gian trống còn phải lên tiết dự giờ, gửi giáo án hàng tuần, nhận xét sách vở học sinh, nhận xét trên cổng thông tin, biên bản họp các kiểu…
Chưa kể, giáo viên phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ cấp trên, phụ huynh, học sinh. Một gia đình dạy một đứa con cũng đã mệt, trong khi giáo viên phải quản lý 40, 50 học sinh. Mỗi em lại một tính cách, ý thức và tiếp thu khác nhau.
So với khối lượng công việc giáo viên phải làm, thì tiền lương nhận được không xứng đáng, quá bèo bọt. Trong khi với mức thâm niên 10 năm, 20 năm, những người làm việc trong lĩnh vực khác hoàn toàn có thể mua nhà, mua xe.
Với giáo viên, ước mơ có nhà, xe hoàn toàn xa vời nếu chỉ trông cậy vào đồng lương đi dạy. Nói đâu xa, lương tôi 8 triệu đồng còn tính toán lên xuống chứ chưa nói đến chuyện làm giàu.
Thương nhất là các em mới vào nghề chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Nhiều giáo viên trẻ phải làm thêm ngoài giờ, bán hàng online…mới có thể bám trụ lại đất Hà Nội hay TP.HCM. Đợt nghỉ dịch COVID-19, tôi được biết có đồng nghiệp phải đi phụ hồ, đổ mối cá khô hoặc đi cấy thuê…vì nhà trường không trả lương. Những điều đó xã hội đâu có nhìn vào.
Nếu lương giáo viên cao, chẳng thầy cô nào muốn dạy thêm. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Trong khi ngành nghề khác được phép làm thêm, tăng thu nhập từ công việc chuyên môn, thì người giáo viên vẫn bị lên án, chỉ trích vì dạy thêm. Nếu giáo viên được trả lương cao, tôi tin rằng chẳng thầy cô nào muốn đi dạy thêm. Lấy ví dụ như giáo viên trường tư thục, trường quốc tế nhận lương mỗi tháng 15 – 20 triệu đồng nên họ không có nhu cầu dạy thêm là phải thôi.
Khi bàn câu chuyện dạy thêm, học thêm tôi mong xã hội trước khi ném đá giáo viên cần phải nhìn vào nguyên nhân sâu xa. Với mức lương không đủ sống, chúng tôi phải dậy thêm để tăng thu nhập. Làm nghề giáo không dạy thêm thì làm được nghề gì? Chúng tôi còn có gia đình, con cái nữa. Không dạy thêm, chúng tôi biết làm gì để trang trải cuộc sống?
Mà dạy thêm cũng mệt lắm, đâu có sung sướng gì.
Cũng phải nói thêm, hiện nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con đi học thêm để tăng kiến thức, chứ không phải tất cả lỗi do giáo viên, nghĩa là dạy thêm xuất phát từ nhu cầu của hai phía, hoàn toàn tự nguyện.
Chỉ khi nhà giáo yên tâm sống được bằng đồng lương, họ mới có thể dồn hết tâm trí vào bài giảng cho học sinh. Với mức lương hiện nay, nhà giáo phải chân trong, chân ngoài là điều dễ hiểu.
HOÀI PHƯƠNG (Giáo viên)
Nhiều giáo viên dạy thêm vì tiền, không phải vì học sinh |
Nỗi niềm giáo viên nhận thưởng Tết bằng dầu ăn, nước mắm |
Giáo viên ngậm ngùi 20 năm dạy học chưa một lần được thưởng Tết |
Ngày đăng: 08:21 | 04/01/2021
/ vtc.vn