Dư luận không khỏi xót xa và đặt câu hỏi tại sao có giáo viên tại huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) lại sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để được đứng trên bục giảng với mức lương 1 triệu đồng/tháng.

luong 1 trieu dong thang vao bien che lam gi
Tính đến năm 2017, huyện Krông Pắk có hơn 500 hợp đồng giáo viên ngoài biên chế. Ảnh: PV

Câu trả lời chúng tôi nhận được của các giáo viên là: Có tiền thì suất vào biên chế mới rộng mở và khi được vào biên chế, thu nhập của giáo viên sẽ ổn định (!?).

Tin tưởng vì họ “làm quan”

Ngay khi hay tin hơn 500 giáo viên nằm ngoài chỉ tiêu biên chế có nguy cơ nghỉ việc, thầy N.T.H, giáo viên hợp đồng dạy mỹ thuật tại 1 trường tiểu học huyện Krông Pắk đã thuật lại với PV hành trình gian nan đòi lại số tiền 200 triệu đồng sau khi trao cho 1 vị lãnh đạo huyện Krông Pắk nhờ xin việc.

Thầy H kể: Nhà có 2 chị em học sư phạm nên lúc ra trường, được người đi trước mách nước, thầy H đã đến nhà và đưa cho 1 vị lãnh đạo huyện với lời hứa “cứ về, đã nhận tiền thì chắc chắn vào biên chế!”

Thầy H về công tác tại trường với hợp đồng ngắn hạn để đợi kỳ xét tuyển chính thức. Mỗi lần ký hợp đồng ngắn hạn, thầy H tiếp tục bỏ từ 5 triệu - 10 triệu đồng để được hiệu trưởng bút phê vào bản hợp đồng.

Mặc dù đứng trên bục giảng với mức lương hợp đồng 1 triệu đồng/ tháng nhưng thầy H vẫn nuôi hy vọng khi nào có chỉ tiêu, vị lãnh đạo huyện nọ sẽ giữ lời hứa mà thực hiện. “Họ làm quan nên khi hứa sẽ “nhét” mình vào biên chế nếu có người nghỉ hưu là mình tin ngay (!?).

Thế mà khi nhận tiền xong, họ lại không thực hiện. Vừa rồi, tôi mới tá hỏa biết trường hợp của mình không nằm trong chỉ tiêu biên chế, nên đòi lại tiền nhưng họ trốn tránh” - thầy H nói.

Những ngày gần đây, sở dĩ thầy H hay nhiều giáo viên khác mạnh dạn công khai với báo giới những góc khuất trong ngành giáo dục huyện nhà là bởi sự việc vỡ lẽ, lắm “cò” chạy việc nhanh chóng phủi tay, trong khi số tiền hàng trăm triệu đồng làm luật đã không thể lấy lại được.

Nợ nần chồng chất

Thực tế là, giáo viên muốn đợi kỳ thi tuyển vào biên chế do huyện tổ chức từ rất lâu. Trong khi đó, họ chỉ cần lo lót tiền bạc là đã có 1 hợp đồng ngắn hạn làm việc, đợi đến ngày thi tuyển sẽ có người nhận vào.

Về việc này, thầy D.X.S - giáo viên tiểu học tại thị trấn Phước An - thừa nhận, giáo viên từ đầu đều hiểu, bỏ tiền xin việc là không đúng nhưng không thể xin việc suông! “Giáo viên hợp đồng lương thấp, các chế độ cho nhà giáo bấp bênh, trong khi nếu vào biên chế, công việc ổn định nên ai cũng muốn nhanh chóng bằng cách chịu chi tiền” - thầy H chia sẻ.

Cô H. - giáo viên tại xã Vụ Bổn - kể với PV, vào năm 2011, cô đã đưa cho hiệu trưởng nơi cô làm việc gần 100 triệu đồng với lời hứa đảm bảo có việc làm ổn định sau vài năm. “Nhà tôi thuần nông nên để có tiền xin việc, gia đình tôi phải vay mượn, cầm cố tại sản đưa cho hiệu trưởng. Biết tin mất tiền nhưng xin không được việc, gia đình tôi nhiều lần điện thoại đòi lại tiền nhưng hiệu trưởng cứ hứa hẹn sẽ trả” - cô H bức xúc.

Có 1 sự thật là nếu chỉ 1 giáo viên tố cáo bỏ tiền làm luật thì có thể xem như trường hợp hạn hữu. Vậy mà, ở huyện Krông Pắk, số nhà giáo công khai với báo chí về hành vi tiêu cực trong ngành giáo dục đã lên con số hàng chục; giáo viên xin việc trước giới thiệu người sau…

Cứ thế, nạn nhân cùng số tiền chạy việc ngày một tăng lên, trong khi các bằng chứng chi và nhận tiền lại không rõ ràng, mơ hồ vì quá tin vào “cò” chạy việc. Đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk cần làm rõ.

luong 1 trieu dong thang vao bien che lam gi Biên chế nhà nước: Người chi bộn tiền mua \'ghế\', kẻ tự nguyện rút chân

Trong khi nhiều người \'khóc đứng khóc ngồi\' khi bỏ hàng trăm triệu để được vào \'biên chế\' nhưng lại sắp bị đẩy ra khỏi ...

luong 1 trieu dong thang vao bien che lam gi Đổi đời khi quyết bỏ biên chế đi bán gà, xăm lông mày

Giữ chức trưởng phòng ở một đơn vị nhà nước nhưng lương chưa tới 5 triệu, anh Hoàng quyết định nghỉ để đi bán gà ...

Ngày đăng: 08:52 | 17/03/2018

/ Báo Lao Động