Lưới phòng thủ đa tầng bảo vệ tàu đổ bộ Mỹ gần Iran
Tàu đổ bộ USS Boxer mang nhiều vũ khí hiện đại, có thể vô hiệu hóa hoặc phá hủy máy bay không người lái của đối phương.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 18/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tàu đổ bộ tấn công USS Boxer đã hạ một máy bay không người lái (UAV) Iran trên eo biển Hormuz sau khi nó tiếp cận chiến hạm Mỹ ở khoảng cách gần một km. Iran sau đó bác bỏ thông tin, tuy nhiên các chuyên gia quân sự cho rằng tàu Boxer được trang bị các lớp phòng thủ rất hiện đại, đủ sức đối phó với các mối đe dọa từ UAV.
Mỹ từ lâu đã coi các loại UAV tấn công có thể mang tên lửa dẫn đường chính xác hoặc bom thông minh của Iran là mối đe dọa tiềm tàng và rất nghiêm trọng với lực lượng Mỹ triển khai ở Trung Đông, nhất là những khu vực hẹp như eo biển Hormuz. Điều này buộc hải quân Mỹ hoạt động trong khu vực phải sử dụng hệ thống phòng thủ đa tầng để bảo vệ binh sĩ.
USS Boxer không hoạt động độc lập mà di chuyển cùng một tàu đổ bộ lớp Harpers Ferry, tàu căn cứ nổi USS Lewis B. Puller và một tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Khu trục hạm Arleigh Burke bảo đảm nhiệm vụ phòng không bằng các loại tên lửa tầm xa SM-2MR, tầm trung RIM-162 ESSM và pháo tự động.
Xe chiến đấu LMADIS xuất hiện trên sàn đáp USS Boxer hôm 18/7. Ảnh: US Navy.
Ngay cả khi không có tàu khu trục bảo vệ, USS Boxer vẫn được trang bị nhiều hệ thống đánh chặn và chế áp điện tử, giúp vô hiệu hóa UAV đối phương trước khi chúng kịp tiếp cận.
Trong quá trình di chuyển, USS Boxer sẽ triển khai Hệ thống phòng không hạng nhẹ tích hợp (LMADIS) để phát hiện UAV. Tổ hợp này gồm hai xe việt dã MRZR trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) RPS-42 để cảnh giới, cùng đài cảm biến CM202 được trang bị camera quang - điện và hồng ngoại giúp nhận diện mục tiêu. LMADIS xuất hiện trên sàn đáp tàu đổ bộ USS Boxer khi nó đi qua eo biển Hormuz hôm 18/7.
Ngay khi xác định UAV có hành động thù địch, thủy thủ đoàn sẽ sử dụng hệ thống đối kháng điện tử Modi thuộc tổ hợp LMADIS để cắt đứt liên lạc giữa UAV với trạm điều khiển mặt đất, khiến chúng lao xuống biển. Đây là một trong những hệ thống chế áp hiện đại nhất của thủy quân lục chiến Mỹ, được trang bị cho các đơn vị viễn chinh triển khai khắp thế giới.
Trong trường hợp biện pháp tấn công điện tử không thể ngăn chặn UAV đối phương, USS Boxer có thể chuyển sang vũ khí sát thương như tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-7 Sea Sparrow và RIM-116, cùng hệ thống phòng thủ cực gần (CIWS) Phalanx để bắn hạ chúng.
Tên lửa RIM-7 rời bệ phóng trên USS Boxer trong cuộc tập trận năm 2008. Ảnh: US Navy.
Tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger cũng là một lựa chọn để hạ UAV hạng nhẹ. Quân đội Mỹ đã nâng cấp dòng Stinger để đối phó với phi cơ không người lái bay thấp trong những năm gần đây.
Ngoài những vũ khí tích hợp trên tàu, USS Boxer cũng có thể triển khai trực thăng vũ trang để bắn hạ những chiếc UAV áp sát ở khoảng cách nguy hiểm. Trực thăng AH-1Z Viper trên tàu đổ bộ này được trang bị tên lửa đối không AIM-9M có khả năng tấn công trực thăng, máy bay hoặc UAV của đối phương từ cách 20 km.
"Với hệ thống vũ khí đa tầng uy lực như vậy, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi USS Boxer có thể bắn hạ hoặc vô hiệu hóa UAV Iran", chuyên gia quân sự Josepth Trevithick nhận xét.