Đại hội VFF khóa VIII chưa diễn ra đã có mâu thuẫn, bất đồng và cả hơi hướng của sự đấu đá. Không ít vấn đề bắt đầu sớm lộ diện như là điều… đáng mừng để có cơ hội giải quyết, nhưng cũng là đáng lo cho BĐVN.
Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức. Ảnh: H.A
Đúng sai sau một lùm xùm nhân sự
Đầu tiên là bầu Đức “tố”, đến Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng “phản pháo”, thêm ứng viên vị trí Phó Chủ tịch VFF, vốn đang đua tranh khốc liệt của 5 ứng viên, ông Nguyễn Lân Trung lên tiếng rồi các bên liên quan lần lượt góp ý kiến, phản biện lẫn nhau. Ở ngay khâu đầu tiên là chuẩn bị nhân sự cho Đại hội, những vấn đề tranh cãi đã xuất hiện.
Chuyện lùm xùm nhân sự VFF khóa mới, có thể tóm tắt ngắn gọn như thế này: Tại hội nghị BCH VFF ngày 16.3 để chuẩn bị cho Đại hội VFF vào tháng 4, PCT Đoàn Nguyên Đức phát hiện mình bị xóa tên khỏi danh sách đề cử, ứng cử vị trí ông đang đương nhiệm và từng xin nghỉ là PCT phụ trách tài chính. Cho rằng có khuất tất và vô lý, bầu Đức lên tiếng đả phá việc chỉ có duy nhất ứng viên Trần Anh Tú, với lý do đang giữ quá nhiều chức danh và không thể làm tốt nếu nhận thêm ghế nữa. Thậm chí, ông bầu quyền lực này còn ám chỉ đến sự thao túng, thâu tóm quyền lực và “lợi ích nhóm” với tuyên bố mạnh miệng cho thêm “xi nhê” về việc “sẵn sàng bỏ bóng đá nếu không dẹp được vô lý…”.
Bầu Đức “phát pháo” trên báo và sau đó, việc ông dù nhận được nhiều đề cử nhưng không có tên trong danh sách ứng viên cho vị trí PCT phụ trách tài chính được đẩy đi xa. Thực tế, ông bầu này đã nộp đơn xin từ chức sau SEA Games 29 và tuyên bố không làm nữa, dù BCH bác đơn với đề nghị làm nốt nhiệm kỳ VII. Tuy nhiên, do được nhiều đề cử nên trên nguyên tắc, việc Tiểu ban nhân sự Đại hội VFF khóa VIII tự xóa tên ông Đức là sai, khi không làm đúng quy trình, có văn bản gửi HAGL để xác nhận việc rút lui.
Bản chất là “lỗi đánh máy” nhưng cái sai do chủ quan đó đã thành lý do, cơ sở để bầu Đức “bắt lỗi” rồi khởi xướng cho nghi ngờ về sự trung thực, thiếu minh bạch trước thềm Đại hội VIII rồi VFF phải “sửa sai” bằng… cái sai khác, khi ra thông cáo báo chí giải thích cho “tố cáo” của bầu Đức. Vì theo quy định, hạn chót để 66 thành viên VFF gửi đề cử, ứng cử nhân sự ủy viên BCH cùng các chức danh chủ chốt là ngày 12.3 nên văn bản của HAGL ngày 16.3 đề nghị cử ông Nguyễn Tấn Anh thay bầu Đức ra ứng cử uỷ viên là không có giá trị, không thể lấy để làm câu trả lời cho câu hỏi vì sao đề cử Đoàn Nguyên Đức bị xóa tên. Và việc “đá bóng trách nhiệm” bằng cách tạo ngoại lệ “xin ý kiến BCH” là không đúng.
Ở ngay giữa hội nghị BCH VFF hôm 16.3, những cuộc “đấu đá” nội bộ đã diễn ra rất ác liệt và chính là lý do khiến bầu Đức “nổ súng”. Trong số những đề xuất đưa ra để định hướng và cũng được xem là “dọn đường” cho cuộc đua tranh cử, thậm chí còn có quy định mới dành cho các chức danh lãnh đạo VFF từ Chủ tịch đến các PCT phải có bằng Đại học chuyên ngành, ví dụ ai đua vào ghế PCT tài chính thì phải có bằng cấp chuyên ngành kinh tế còn PCT phụ trách truyền thông và đối ngoại thì phải có chuyên ngành báo chí…
Đại hội VIII khóa mới ngay “vòng gửi xe” mới chỉ ứng cử, đề cử mà đã có lùm xùm, dấu hiệu phe cánh đấu đá rồi những cái sai lộ ra, thế đủ hiểu khi vào “chung kết” thì sẽ phức tạp, diễn biến khó lường như thế nào.
Đừng để mất đi niềm tin
Đúng 4 tháng trước thềm Đại hội, khi cuộc đua tới những chiếc ghế lãnh đạo VFF bắt đầu rục rịch, Lao Động từng đề cập đến những vấn đề là thực trạng cũng như giải pháp với bóng đá Việt. Với Đại hội VFF khóa VIII để bầu ra bộ sậu lãnh đạo mới chèo lái nền bóng đá đi đúng hướng cũng như thay đổi để phát triển như tiềm năng và định hướng chuyên nghiệp sau bao năm “chuyên nghiệp kiểu Việt Nam”, điều đầu tiên là cần “chấm dứt chia ghế, chia chác”. Bởi Đại hội VFF, từ khi tham gia FIFA đến nay, chưa được tổ chức đúng như Điều lệ của VFF.
Những gì diễn ra khi một nhân vật quyền lực như bầu Đức lên tiếng, tất nhiên không phải tất cả đều có cơ sở với sự hợp tình hợp lý, vì cái chung hay tốt đẹp cho bóng đá và không có trong đó động cơ, mục đích cá nhân nên cần xem xét một cách thấu đáo ở thời điểm nhạy cảm này. Tuy nhiên, những tranh cãi, phản bác rồi đả kích, tố cáo xuất hiện liên quan đến nhân sự và cả câu chuyện hậu trường, ngay trước khi Đại hội VFF khóa VIII diễn ra, ít nhiều đã nói lên một thực trạng đáng nghi ngại. Bởi khi chính những người đang chèo lái con thuyền BĐVN “đá nhau”, đặt vấn đề về sự trung thực, động cơ thì quá khó để có niềm tin về tính minh bạch, công bằng.
Mà niềm tin, đó lại là thứ có tính mấu chốt với BĐVN bây giờ. Đừng quên những gì tốt đẹp mà U.23 Việt Nam với câu chuyện thần kỳ ở VCK U.23 Châu Á đã mang lại có thể truyền cảm hứng cho cả xã hội cùng rất nhiều giá trị tích cực, trong đó có niềm tin vào bóng đá Việt. Thành công là thời cơ và cơ hội để bóng đá nội sang một trang mới đó, không thể là công cụ hay cơ hội của ai đó.
Niềm tin đó phải được giữ gìn, phát huy và thể hiện ở nguyên tắc minh bạch, nếu nhìn từ một kỳ Đại hội VFF chưa diễn ra đã có nguy cơ triệt tiêu… niềm tin do các chú, các bác “đánh nhau to”.
“Người trong nhà” lên tiếng “phản pháo” Chủ tịch VFF
Trước phát ngôn của Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng để "phản pháo" bầu Đức về việc Đại hội VFF nhiệm kì ... |
Ông Nguyễn Lân Trung sẵn sàng nếu làm Phó chủ tịch VFF
"Nếu được tín nhiệm từ số đông để nhận nhiệm vụ này, tôi cũng sẵn sàng với vai trò của mình. Tôi nghĩ đây là ... |
Bi kịch, nếu trở thành Chủ tịch VFF nhờ chiêu trò...
Có nhiều ứng cử viên tham gia, mỗi người lại có cách vận động tranh cử riêng và thậm chí có cả những đối thủ ... |
Ngày đăng: 11:23 | 21/03/2018
/ https://laodong.vn