1,37 triệu liều vaccine do Covax cung ứng dự kiến về Việt Nam cuối tháng 3 và 2,8 triệu liều vào cuối tháng 4, có thể bị chậm lại.
Thông tin được Giáo sư, tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), cho biết sáng 23/3. Ngoài ra, số vaccine được Covax dự kiến cung ứng từ quý 3, cũng có thể phải lùi tới năm 2022. Gần 29,87 triệu liều vaccine do Công ty VNVC đặt mua trực tiếp từ hãng dược AstraZeneca dự kiến về Việt Nam trong quý 2 và 3, cũng sẽ về Việt Nam chậm hơn so với dự kiến.
Hơn hai tuần trước, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thông báo hơn 4 triệu liều vaccine AstraZeneca do Covax cung cấp, sẽ về Việt Nam vào ngày 25/3. Đến đầu tháng 4, hơn 29 triệu liều trong hợp đồng VNVC mua của AstraZeneca cũng được nhập khẩu. Như vậy, những kế hoạch dự kiến này đã bị hoãn lại.
Covax là cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine phòng Covid-19. Cơ chế này do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức như Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), Liên minh Đổi mới sẵn sàng ứng phó đại dịch (CEPI) thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19.
Theo giáo sư Đức Anh, việc lùi thời gian cung ứng vacicne do sản xuất khó khăn tại các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, số nhà sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO còn ít. Công suất sản xuất vaccine của các nhà sản xuất còn hạn chế.
Một số nước tiên tiến như Mỹ, Anh, châu Âu chủ động hỗ trợ nghiên cứu và đặt hàng mua số lượng lớn vaccine ngay từ giai đoạn nghiên cứu, một số nước đặt hàng lượng vaccine cao gấp 4 lần dân số. Điều này dẫn tới khan hiếm cung ứng vaccine trên toàn cầu, trong đó các nước đang phát triển như Việt Nam rất khó tiếp cận nguồn vaccine.
Nhân viên y tế tại Gia Lai tiêm vaccine AstraZeneca. Ảnh: Trần Hóa. |
Bộ Y tế đặt mục tiêu có 150 triệu liều vaccine Covid-19 đến cuối năm 2021 - đầu năm 2022, gồm vaccine nhập khẩu và vaccine sản xuất trong nước. Bộ đang đàm phán với các hãng dược và đơn vị liên quan để tiếp cận các nguồn vaccine khác. Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (Polyvac) đàm phán với Nga để mua Sputnik V. Hãng dược Pfizer cuối tuần trước thông báo có thể cung cấp 31 triệu liều vaccine cho Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có nhà sản xuất nào thông báo về lộ trình cung ứng cụ thể.
Bộ Y tế cũng đề nghị hãng dược Johnson & Johnson và Moderna, các nhà sản xuất của Ấn Độ, Trung Quốc cung cấp vaccine.
Với vaccine trong nước, đại diện Bộ Y tế ngày 22/3 cho biết hy vọng có vaccine vào quý 3. Số vaccine này có thể được đưa vào sử dụng đại trà trong năm 2022 để chủ động nguồn cung, đảm bảo an ninh y tế và ứng phó với đại dịch trong nước.
Hiện nay, vaccine Nanocovax do Nanogen sản xuất đã thử nghiệm trên người giai đoạn 2, hoàn thành tiêm mũi 1 ngày 9/3. Vaccine Covivac đang thử nghiệm giai đoạn 1, hiện đã tiêm thử cho 21 người.
Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia (TCMR) thuộc NIHE được Bộ Y tế giao triển khai tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca. Giáo sư Đức Anh cho biết sẽ triển khai tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận vaccine để người dân có cơ hội được chủng ngừa sớm nhất.
Ngày 24/2, Việt Nam đã nhận hơn 117.000 liều trong tổng số 30 triệu liều vaccine Covid-19 từ hãng AstraZeneca, do Công ty VNVC đặt mua. Số vaccine này đã được phân bổ cho các tỉnh, thành để tiêm cho nhóm nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.
Tới sáng 23/3, hơn 36.000 người đã được tiêm vaccine, trong đó Hải Dương có số lượng tiêm cao nhất với 17.248 người. Chương trình TCMR ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường, thể hiện cơ thể đang tạo ra miễn dịch để phòng bệnh sau khi tiêm vaccine. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm tương đương với thông báo từ nhà sản xuất. Một số rất ít trường hợp phản ứng nặng sau tiêm, đã được xử trí và hồi phục sức khỏe.
Chi Lê
Việt Nam không để doanh nghiệp tự nhập vaccine Covid-19 |
TP.HCM bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho 8.000 nhân viên chống dịch |
Ngày đăng: 14:23 | 23/03/2021
/ vnexpress.net