Với tâm niệm sống ở đời là phải biết cho đi, cống hiến cho xã hội đến giây phút cuối cùng của cuộc đời - anh Lý Nhơn Thành giờ đây không chỉ nổi danh với biệt hiệu “Lục Vân Tiên” giữa đời thường mà còn là tấm gương sáng thu phục, cảm hóa hàng chục thanh niên cá tính, quậy phá, hướng họ vào những công việc vì cộng đồng, góp phần bảo vệ bình yên cho thành phố.
Bắt cướp khi mới 9 tuổi
Ấn tượng đầu tiên khi gặp anh Lý Nhơn Thành (53 tuổi, Trưởng ban Bảo vệ dân phố 2, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM) tại trụ sở Ban bảo vệ dân phố (BVDP) là giọng nói sang sảng, tướng mạo cao lớn và khuôn mặt nhân hậu. Ngoài giúp cho hàng chục người tha hương kiếm kế sinh nhai, dập tắt hàng chục đám cháy, anh còn khiến cho hàng trăm tên cướp phải khuất phục trước sự gan dạ và quyết tâm của mình.
Lần đầu tiên anh tham gia bắt cướp là vào năm 9 tuổi. Khi đó, anh đang bổ củi thì thấy có tên cướp tay lăm lăm khẩu súng chạy ngang qua. Sẵn chiếc rìu trên tay, anh ném trúng tay khiến hắn ngã xuống đất, anh cùng người dân bắt giao công an với sợi dây chuyền tang vật. Sau lần bắt cướp ấn tượng đó, anh được bà con ngợi khen, đặt cho biệt danh là “Thằng nhỏ thiệt nhanh”.
Cái nghiệp bắt cướp, cứu người như “vận” vào người, khiến anh hễ cứ thấy cướp thì quyết bắt cho kỳ được. Tính đến nay, anh đã bắt không biết bao nhiêu tên cướp, trong đó có nhiều tên là thủ lĩnh của băng khét tiếng. Sau những chiến công là những lần anh bị đe dọa khi dám “hất đổ nồi cơm” của bọn chúng. Có một lần, sau khi bắt tên cướp là đàn em của một băng nhóm có “số má”, anh bị nhóm này đến tận nhà đe dọa, thậm chí bọn chúng còn cài chất nổ vào xe gắn máy của anh để khi chỉ cần nhấp tay ga là chiếc xe sẽ nổ tung.
Lần nọ, vì muốn báo thù cho đồng bọn, một băng cướp còn dùng cây gỗ đóng đinh đập vào chân khiến anh bị thương, máu chảy đầm đìa. Trên lưng anh giờ vẫn còn một vết sẹo dài do một nhóm giang hồ chém. Ai cũng nghĩ Lý Nhơn Thành sẽ chùn tay. Nhưng không, anh vẫn tiếp tục ra tay bắt cướp, thậm chí còn cảm hóa được nhiều tay cướp giật đầy tiền án từ bỏ con đường tội lỗi.
Theo nghiệp cha, anh tham gia quân đội, từng tham gia chiến trường Campuchia. Về nước, anh làm Phó ban An ninh của Quận đội quận 1. Đến năm 2008, anh xin nghỉ, về làm BVDP. Nói đến quyết định “lạ đời” này, anh kể, bởi anh đọc được một số văn bản nói về công tác phòng cháy chữa cháy và trách nhiệm của người dân trong công tác phòng chống tội phạm. “Lúc đó thấy mình phải đóng góp nhiều hơn cho xã hội, lại đúng đam mê nên xin nghỉ về làm với anh em” - anh thổ lộ. Lúc đó, anh mới chỉ là tổ viên nhưng với thành tích ấn tượng anh dần được tín nhiệm nên được bầu lên làm Trưởng ban.
Vốn là một địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, phường Nguyễn Thái Bình trước đây là nơi tụ tập và hoạt động của rất nhiều đối tượng cướp giật, hút chích, cờ bạc đá gà. Những ngày đầu tiên ở chức Trưởng ban BVDP, anh Thành dồn sức dập tắt nạn cờ bạc, đá gà ăn tiền. Qua tìm hiểu, anh cùng lực lượng công an phát hiện và triệt phá 3 điểm đá gà bất hợp pháp.
Dẹp nạn đá gà, nhưng anh vẫn chưa an tâm bởi nạn hút chích đang hoành hành trên các con đường, ngõ hẻm. Suốt 1 năm trời, anh và các thành viên của Ban BVDP hạ quyết tâm cứ hễ gặp đối tượng ma túy nào vào địa bàn là bắt, bất kể giờ giấc. Địa bàn anh phụ trách dần sạch bóng các đối tượng này. “Mỗi lần đi rượt bắt tội phạm về, thấy bà con khen, cũng vui, quên hết mệt nhọc và nguy hiểm” - anh Thành bộc bạch.
Năm 2011, thành phố giao cho các địa phương có tuyến đường Võ Văn Kiệt chạy qua quản lý an ninh trật tự, phòng chống đua xe trái phép. Có đêm, hàng trăm xe tụ tập đua từ đêm tới sáng, đe dọa an toàn giao thông, nảy sinh đủ loại phiền phức. Để các đối tượng đua xe phải sợ, anh dùng những kiến thức có được lúc còn tại ngũ áp dụng cho anh em BVDP đối phó với những tay “nài” khắc tiếng. Thấy anh em làm quyết liệt, nhiều băng đua xe từ quận 6 chạy đến cầu Ông Lãnh là tự quay đầu. Những tay “nài” ở quận 4 có lần chạy sang địa bàn để dọa nhưng khi vừa ló đầu xe lên thì bị anh em BVDP chặn lại, đập nát đầu xe, chúng phải vứt xe bỏ chạy. Sau mấy lần như vậy, bọn chúng bỏ hẳn địa bàn này, không dám bén mảng đến nữa.
Anh Lý Nhơn Thành cùng các đồng đội trong Ban BVDP. Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Anh Lý Nhơn Thành trên chiếc xe chữa cháy cải tiến.
Khắc tinh của “Bà Hỏa”
Ngoài đam mê bắt cướp, Lý Nhơn Thành còn đam mê phòng chống cháy nổ. Anh kể, cuối thập niên 80 thế kỷ trước, trong một lần đi công tác ở Campuchia, anh thấy có đám cháy gần khu chợ của người Việt có thể lan sang cây xăng gần đó, chẳng có gì trong tay ngoài mấy chai nước, anh nảy ra ý định ném những chai nước vào đám cháy vì nghĩ chai nhựa gặp lửa sẽ cháy, nước chảy ra và có thể dập tắt được ngọn lửa. Ý tưởng vừa lóe lên trong đầu là anh thực hiện ngay và hô hào cho những người khác làm theo. Hàng nghìn chai nước được ném vào đã khiến ngọn lửa lịm dần trước khi được lực lượng chữa cháy nước bạn dập tắt. Sau lần dập lửa bằng nước đóng chai độc đáo đó, anh được nhà nước Campuchia tặng huân chương.
Vào năm tòa nhà Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) ở quận 1 bốc cháy, anh cũng là người đầu tiên xông vào khói lửa. Bằng sự nỗ lực và gan dạ của mình, anh không để cho ngọn lửa lan xuống tầng trệt, bảo vệ được hàng chục gian hàng kim hoàn dù đám cháy này gây ra con số thương vong rất lớn về người và tài sản. Sau trận cháy kinh hoàng đó, anh được người dân TPHCM biết đến như “một người hùng trong lửa”.
Cách đây mấy năm, anh sáng chế ra chiếc xe chữa cháy mini cải tiến từ một xe máy phân khối lớn. Hiệu quả bất ngờ từ mô hình chữa cháy bằng xe máy khiến Lý Nhơn Thành dần trở thành niềm tin, chỗ dựa không những cho bà con lao động nghèo mà còn là chỗ dựa cho lực lượng PCCC TPHCM trong công tác chữa cháy ban đầu. Tiếp tục phát huy, anh làm tiếp một chiếc xe chữa cháy trên nền một xe ba gác máy. “Đội của mình được trang bị đầy đủ nhưng mình mong rằng sẽ không bao giờ dùng đến những trang bị đó vì mình và anh em không muốn có một tin báo cháy nào, một vụ cướp giật nào trên địa bàn”.
Ngoài đam mê bắt cướp, chống cháy nổ, Lý Nhơn Thành còn là một người hào hiệp, bao dung, sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khốn khó. Bất kể quen hay lạ, hễ thấy ai khó khăn là anh sẵn sàng hỗ trợ vật chất để họ có kế sinh nhai ổn định.
Anh Thành đã thu phục được nhiều thanh niên từng quậy phá, thậm chí có cả những người có quá khứ sai lầm... 36 thành viên trong đội BVDP là 36 hoàn cảnh khác nhau, nhưng sau 10 năm sát cánh, thấu hiểu được cái tâm của người chỉ huy thì giờ ai cũng đều là thành viên tích cực, nhiều người còn lập chiến công bắt cướp, được chính quyền, công an các cấp khen thưởng.
Sẽ cống hiến cho xã hội đến hơi thở cuối cùng Lý Nhơn Thành nhận hàng trăm bằng khen của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trao tặng, anh là một trong những tấm gương sáng điển hình của TPHCM. Dù đã 53 tuổi nhưng anh vẫn ngày ngày đi tuần tra, truy bắt cướp cùng anh em. Anh nói, bỏ qua những điều không vui vừa ập đến với gia đình, anh sẽ lại tiếp tục gắn bó với công việc bảo vệ bình yên cho người dân thành phố. “Nếu còn sức lực thì tôi vẫn làm công việc này, sẽ coi anh em trong Đội BVDP là thành viên của gia đình mình. Tôi sẽ cống hiến cho xã hội đến hơi thở cuối cùng” - anh Thành tâm sự. |
Bắt người đàn ông giả vờ mua rồi cướp vàng bỏ chạy
Sau khi vào tiệm vàng hỏi mua trang sức, người đàn ông cầm 1 chỉ vàng trên tay rồi bỏ chạy. Hoảng hồn, chủ tiệm ... |
Cảnh sát lội ruộng khống chế tên cướp tiệm vàng
Sau khi cướp tiệm vàng tại Chợ Lách (Bến Tre), nghi can đi bán tang vật, bị cảnh sát giao thông phát hiện, truy đuổi ... |
CSGT hạ gã xe ôm mặc đồ GrabBike giật điện thoại nữ du khách Thái Lan
Chiến sĩ CSGT truy đuổi, sử dụng thế võ nghiệp vụ khống chế nghi phạm giật điện thoại của nữ du khách nước ngoài ở ... |
Ngày đăng: 11:00 | 03/03/2018
/ https://laodong.vn