Động thái mới nhất trong cuộc nội chiến kéo dài 27 tháng này có thể đẩy Sudan tiến xa hơn đến bờ vực chia cắt.

tuong-sudan-1-.jpg
Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, người đứng đầu Hội đồng tổng thống trong chính quyền song song. Ảnh: AA

Ngày 27-7, Liên minh Sudan do Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) bán quân sự dẫn đầu đã công bố thành viên của chính phủ song song với chính quyền do Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) lãnh đạo.

Trong một cuộc họp báo từ Nyala, thành phố lớn nhất ở vùng Darfur mà RSF kiểm soát phần lớn, chính trị gia dân sự Mohamed Hassan al-Taishi đã được bổ nhiệm làm thủ tướng và các thống đốc khu vực đã được công bố.

Lãnh đạo RSF, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, được công bố là người đứng đầu Hội đồng tổng thống gồm 15 thành viên, trong khi Abdel Aziz al-Hilu, người đứng đầu SPLM-N - một trong những nhóm phiến quân lớn nhất đất nước - được bổ nhiệm làm phó của ông.

Từ tháng 2, RSF cùng các chính trị gia đồng minh và các nhóm phiến quân đã nhất trí thành lập một chính phủ thế tục cho một "Sudan mới", nhằm thách thức tính hợp pháp của chính quyền do quân đội lãnh đạo.

Trước đó, quân đội Sudan đã đẩy lùi lực lượng RSF ra khỏi trung tâm đất nước, trong khi giao tranh đẫm máu vẫn tiếp diễn ở vùng Kordofan ở trung tây và thủ phủ truyền thống của Darfur là al-Fashir.

Quân đội do Tướng Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy đã lên án ý tưởng thành lập chính phủ song song của RSF và cam kết sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi kiểm soát toàn bộ Sudan - đất nước đã nhiều năm chìm trong xung đột, đảo chính, nghèo đói và nạn đói.

Từng hợp tác chặt chẽ trong cuộc đảo chính lật đổ nhà độc tài kỳ cựu Omar al-Bashir vào năm 2019, song Tướng Abdel Fattah al-Burhan và ông Mohamed Hamdan Dagalo đã nhanh chóng rơi vào cuộc chiến tranh giành quyền lực trong quá trình đưa đất nước chuyển đổi sang nền dân chủ.

Kể từ khi giao tranh giữa SAF và RSF bùng phát vào giữa tháng 4-2023, hơn 10 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa. Trên khắp Sudan, thường dân bị mắc kẹt giữa hai làn đạn, phải đối mặt với cảnh đổ máu và thiếu thốn nhiều thứ. Các nỗ lực cung cấp viện trợ gặp khó khăn do lệnh cấm vận của các bên tham chiến, khiến tình hình tại Sudan ngày càng trở nên bi đát. 25,6 triệu người, tương đương với hơn một nửa dân số Sudan, đang phải đối mặt với nạn đói. Chương trình Lương thực thế giới (WFP), một cơ quan của Liên hợp quốc, đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong khu vực, trong đó nghiêm trọng nhất là tình hình tại Trại Zamzam và một phần của khu vực Bắc Darfur.

Ngày đăng: 09:35 | 27/07/2025

Quỳnh Dương / HNMO