Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2023, phóng viên đặt câu hỏi thời gian vừa qua Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy theo phương thức mới như qua đường xách tay hoặc bưu điện quốc tế. Bộ Công an thông tin thêm về những thủ đoạn này; công tác phòng, chống ma túy thời gian qua có khó khăn vướng mắc gì và Bộ có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an trả lời tại họp báo.
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Bộ Công an luôn xác định tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm. Tội phạm ma túy dẫn đến tình trạng trộm cắp, cướp giật, giết người, cướp của, cho nên tổ chức công tác đấu tranh tội phạm ma túy được chỉ đạo rất quyết liệt, sát sao và đạt được rất nhiều thành tích. Trong gần 6 tháng qua, lực lượng công an đã phát hiện, khởi tố trên 13.000 vụ án có liên quan đến ma túy, với trên 20.000 đối tượng, thu giữ trên 14.225 kg heroin, 4.023 kg ma túy tổng hợp, 982.039 viên ma túy tổng hợp và 210 kg cần sa.
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, qua công tác đấu tranh, nổi lên một số hiện tượng như sau. Thứ nhất, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên nhiều tuyến, nhiều địa bàn trọng điểm có sự liên kết chặt chẽ với các loại tội phạm khác, và nổi lên các đối tượng người nước ngoài câu kết, móc nối với một số đối tượng trong nước để mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Thứ hai, tình trạng người nước ngoài lợi dụng tuyến hàng không để vận chuyển trái phép chất ma túy tại một số sân bay của Việt Nam. Các đối tượng nhập cảnh, quá cảnh để đưa ma túy vào Việt Nam tiêu thụ hoặc đưa sang nước thứ 3. Điển hình như vụ tiếp viên hàng không, sau khi phát hiện ra, Bộ Công an đã truy xét và lật lại các manh mối và bắt giữ được khoảng 200 đối tượng liên quan. Hiện nay vận chuyển ma túy qua đường hàng không khá là phức tạp.
Thứ ba là tình trạng sử dụng ma túy tại các vũ trường, quán bar, nhà cao tầng tại một số địa phương diễn biến phức tạp. Do lợi nhuận và thu hút khách hàng nên một số điểm vui chơi giải trí tại một số địa phương chủ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự đã làm ngơ việc sử dụng ma túy ngay tại nơi họ quản lý.
“Qua đấu tranh, hiện nay các cơ quan liên quan đã ngăn chặn nguồn cung ma túy nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải làm giảm nguồn cầu, giảm số người sử dụng, nghiện ma túy. Tính đến ngày 15-3, tổng số người nghiện và sử dụng ma túy ở nước ta là 233.906 người, trong đó người nghiện là 184.427 và người sử dụng trái phép chất ma túy là 49.479, giảm 8.043 người so với thời điểm 15-12-2022”, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.
Mục tiêu hiện nay là giảm nguồn cầu, tuyên truyền tại các khu dân cư, thôn xóm là khu vực không ma túy, người dân phải đấu tranh với tội phạm ma túy, giúp người cai nghiện bỏ ma túy, để người dân nghe thấy ma túy là ghẻ lạnh, bài trừ ma túy.
“Bộ Công an sẽ tiếp tục tiến hành các chuyên án bắt và chặn nguồn cung, thậm chí đánh vào tổ chức, đánh vào đường dây kẻ cầm đầu chứ không đánh lẻ tẻ những kẻ vận chuyển. Hợp tác với các quốc gia có chung đường biên giới để cùng đánh, chặn tội phạm ma túy từ sớm, từ xa”, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin.
Liên quan đến vụ án trục lợi bảo hiểm xảy ra tại các phòng khám ở Biên Hòa (Đồng Nai), Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, việc cấp khống giấy chứng nhận sức khỏe đã xảy ra rất lâu tại nhiều địa phương trên cả nước. Lực lượng công an cùng các lực lượng chức năng khác đã có những biện pháp xử lý, tuy nhiên đến nay vẫn chưa ngăn chặn triệt để.
Theo người phát ngôn Bộ Công an, nhu cầu của người dân về giấy khám sức khỏe rất cao, vì đây là loại giấy tờ cần cho nhiều trường hợp như: Đi học lái xe, xin việc... thậm chí "chạy tội" cũng cần đến giấy chứng nhận y tế. Từ đó dẫn đến tiêu cực và các hành vi vi phạm pháp luật.
Nói về vụ trục lợi bảo hiểm ở Đồng Nai, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đến nay công an Đồng Nai đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 18 đối tượng, sẽ tiến hành khởi tố trong thời gian rất ngắn. Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ trên 130.000 giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, 400 tờ giấy khám sức khỏe đã ghi khống hết rồi, chưa có thông tin người khám.
Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho biết, bước đầu đã xác định được 2 đối tượng chủ mưu, cầm đầu cùng đồng bọn móc nối, cấu kết với các phòng khám trên địa bàn thành phố Biên Hòa để thực hiện hành vi viết tên, giả chữ ký người khám bệnh, khám sức khỏe để lập hồ sơ quyết toán khống các chi phí của bệnh nhân để hưởng bảo hiểm xã hội. Lập hồ sơ bảo hiểm đối với công nhân trong khi thực tế công nhân không bị bệnh và không đi khám bệnh nhưng các phòng khám này vẫn tự hưởng nguồn tiền khám chữa bệnh từ nguồn bảo hiểm y tế gây thiệt hại, thất thoát rất nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước.
“Hiện nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an Đồng Nai tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định pháp luật”, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin.
Ngày đăng: 09:04 | 05/06/2023
ĐÌNH HIỆP / HNM.com.vn