Hàng loạt những Nghị định được đưa ra từng gây xôn xao dư luận như Nghị định 155/2016, trong đó quy định các hành vi xả rác, hút thuốc nơi công cộng, tiểu tiện, đại tiện… Dù đã có hiệu lực gần 1 năm nhưng xem ra kém hiệu quả.
Tình trạng hút thuốc nơi công cộng vẫn phổ biến (ảnh chụp sáng 1.12 tại Bệnh viện Nhi Trung ương). Ảnh: Hải Nguyễn
Chưa đi vào cuộc sống
Đã gần 1 năm Nghị định 155/2016 của Chính phủ được thực hiện nhưng hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại quy định chưa được thực thi một cách triệt để, chưa mang lại hiệu quả trong thực tiễn? Nhìn nhận lại kết quả thì chắc hẳn nhiều người chưa được hài lòng, tình trạng vi phạm luật vẫn ngang nhiên diễn ra và tồn tại.
Trên nhiều tuyến đường tại các đô thị, khu dân cư hay len lõi ở các con ngỏ nhỏ thì những hành vi như xả rác ra đường phố, vỉa hè hay vô tư tiểu tiện ngoài đường vẫn khá phổ biến. Vào buổi chiều tối, chân cột điện, gốc cây, nhiều vị trí công cộng… rác thải vẫn được vứt bừa bãi...
Có lẽ ít đơn vị nghiêm túc thực hiện được như UBND phường Dịch Vọng Hậu, Hà Nội. Từ khi được giao quyền thực hiện, đơn vị này đã xử lý gần 40 trường hợp thu về gần 100 triệu đồng. Trong số đó có 35 trường hợp vi phạm tiểu tiện không đúng quy định đã bị lập biên bản xử lý. Có 3 trường hợp đổ trộm phế thải, rác thải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thắng - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội)- cho biết, trước đó, ngày 17.2, tại cuộc họp giao ban công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu đã “tiên phong” thành lập các tổ công tác “đặc biệt” nhằm thực hiện Nghị định 155 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo thống kê, từ đầu tháng 2 đến nay, lực lượng chức năng đã xử phạt gần 100 triệu đồng với 38 trường hợp vi phạm, trong đó chủ yếu là xả nước thải, xả rác ra đường, để rác làm bẩn khu vực hè phố và làm rơi vật liệu xây dựng ra đường.
Chị Bùi Thị Hương Ly (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, bản thân đã nghe qua về vấn đề này nhưng chưa nắm cụ thể. Theo chị Ly, hiện nay người Việt vẫn còn thói quen “tự do”, bất kỳ đâu cũng có thể xả rác, vứt tàn thuốc, nhả kẹo caosu. Việc xử phạt nặng các hành vi nêu trên là một trong những giải pháp tốt để ngăn ngừa được những thói quen xấu, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, xử phạt như thế nào mới là quan trọng, phạt ai - ai phạt?”.
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Ngọc Vinh - nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XII, XIII; Chủ tịch hội luật gia TP.Hải Phòng - cho rằng: Trước khi đưa ra luật thì đã thảo luận và bàn rất kỹ để đánh giá vấn đề là rất cần thiết.
Chia sẻ về việc cấm hút thuốc lá nơi công sở, công cộng, ông Vinh cho rằng, hiện nay một số nơi thực hiện được, nhưng một số nơi không thực hiện được. Thậm chí có một số thủ trưởng cơ quan không thực hiện được việc hút thuốc nơi công cộng. “Nếu nơi nào mà người đứng đầu cương quyết thì việc thực hiện sẽ có hiệu quả. Còn nếu người đứng đầu không cương quyết thì việc thực hiện là khó”, ông Vinh cho hay.
Cũng theo ông Vinh, hiện nay đã có quy định phạt tiểu tiện, đại tiện nhưng việc thực hiện thì rất ít. Luật đã có nhưng triển khai thực hiện, phân công thì không đến nơi, không có một cơ quan nào chịu trách nhiệm. Do vậy, một số luật đưa ra hay một số Nghị định hướng dẫn đưa vào cuộc sống kém hiệu quả. Mỗi ngày nó càng bị lu mờ hay nói cách khác người dân coi điều đó như chưa có luật.
Cần đánh giá lại kết quả
Theo ông Trần Ngọc Vinh, thà không đưa ra luật nhưng khi đưa ra mà để đó bản thân ông nghĩ phần nào thể hiện sự không nghiêm của pháp luật. “Mình đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội. Pháp luật là phải thượng tôn, nếu pháp luật không nghiêm thì còn gì pháp quyền”, ông Vinh nói.
Ông Vinh kiến nghị, hiện nay một số cơ quan và các cơ quan chức năng, đặc biệt là các Bộ ngành được giao phải cương quyết. Ngoài ra, khi đưa vào thực hiện nếu người dân còn thờ ơ, coi thường luật thì cần phải có chế tài mạnh để răn đe và ngăn chặn những hành động như vậy.
Để các Nghị định được hiệu quả, ông Vinh cho rằng, sau một thời gian thực hiện, hoạt động thì cần phải có sự đánh giá thực tế những mặt được, mặt chưa được. Những mặt tích cực thì cần phải phát huy và tiếp thu còn những mặt chưa được thì cần phải chỉnh sửa, bổ sung và nhìn nhận lại.
“Ở một số nước trên thế giới sau khi luật được thực hiện, ban hành 1 năm thì họ có đánh giá tác động của luật đó trong đời sống, kinh tế, xã hội. Nếu tốt, tiếp tục thực hiện. Còn nếu không tốt họ đã đưa ra những vấn đề như vì sao không tốt, vì sao không thực hiện được. Và bây giờ, nếu thực hiện thì phải bằng biện pháp nào?”, ông Vinh cho biết thêm.
Cùng chung quan điểm, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hiện đã có ít nhất 2 Nghị định quy định về phạt tiền với hành vi này, nhưng trong nhiều năm qua, dường như rất ít trường hợp bị xử phạt khiến người dân sẽ nhờn luật.
Cũng theo luật sư Ứng, quy định cần phải thiết thực và bám sát với thực tế hơn bởi theo tính chất của hành vi vệ sinh cá nhân bừa bãi, các lực lượng có thẩm quyền này không thể kiểm soát hết được mà điều chính là ở ý thức người dân.
Có thể thấy, để luật pháp đi vào cuộc sống một cách hiệu quả thì việc xây dựng các quy định, dự thảo luật cần được nghiên cứu kỹ lưỡng ngay từ những bước đi đầu tiên. Người tham gia dự thảo luật bên cạnh trình độ giỏi về luật pháp còn cần là người am hiểu thực tế cuộc sống, chia sẻ được những khó khăn, trở ngại trong thực tế đối với đối tượng mà luật định nhắm đến. Đây có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất để luật gần với cuộc sống hơn, được thực thi hiệu quả hơn…
Nghị định 155/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành nhằm thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính việc vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, từ 1.2.2017, mức phạt tiền sẽ tăng 10 lần với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định. Đây là điểm mới được quy định và áp dụng. Các hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng (quy định cũ phạt 200.000 đồng). Hành vi vứt, thải, bỏ mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Việc vứt bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng… Theo nghị định, thẩm quyền xử phạt những hành vi vi phạm môi trường là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban quản lý rừng, Ban quản lý các vườn quốc gia... |
Nghị định mới về phân bón: Sắp "đẻ" ra hàng loạt giấy phép con? Nghị định mới về quản lý phân bón dường như không đạt được kỳ vọng của các doanh nghiệp (DN) như những góp ý trước ... |
DN chưa hết lo cơ quan nhà nước \'đòi\' chứng từ giấy Khẳng định việc sửa đổi Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử (GDĐT) trong lĩnh vực tài chính (Nghị định 27) là cần thiết ... |
Ngày đăng: 11:00 | 02/12/2017
/ Lao động