Luật an ninh mạng Trung Quốc buộc các công ty trong nước và quốc tế phải lưu trữ thông tin người dùng tại nước này.

Theo CNBC, bộ luật, có hiệu lực từ tháng 6/2017, được Trung Quốc khẳng định là một bước ngoặt trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng, chứ không nhằm hạn chế hoạt động của công ty quốc tế. Tuy nhiên, việc kinh doanh của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tại Trung Quốc vốn bị kiểm soát chặt chẽ nay được cho là lại càng khó khăn hơn.

Cụ thể, Luật an ninh mạng của Trung Quốc cấm thu thập và mua bán thông tin cá nhân của người dùng Internet. Các công ty, bao gồm cả công ty nước ngoài, phải lưu các thông tin về người dùng Trung Quốc, các thông tin nhạy cảm và liên quan tới an ninh quốc gia trên các máy chủ đặt tại nước này. Người dân được quyền yêu cầu xóa dữ liệu về họ.

Trong một số trường hợp cụ thể, các hãng có thể sẽ phải thông qua kiểm duyệt trước khi chuyển dữ liệu ra ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, một trong những thách thức là luật không nêu rõ dữ liệu nào được coi là quan trọng hay nhạy cảm.

Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải (Trung Quốc) đánh giá chính sách địa phương hóa dữ liệu là "phiền hà một cách không cần thiết". Trong khi đó, hãng an ninh mạng LogRhythm Labs nhận định các công ty đa quốc gia có thể phải tiêu tốn hàng tỷ USD, còn các công ty cỡ nhỏ và trung bình sẽ không đủ khả năng về mặt tài chính để có thể đáp ứng được những quy định trong luật của Trung Quốc và bị đẩy ra khỏi thị trường này.

Theo BBC, trong thư gửi Cục Không gian mạng Trung Quốc (CAC), một nhóm đại diện cho các doanh nghiệp châu Âu đã cảnh báo luật này có thể dẫn đến "nhiều bất ổn và rủi ro lớn trong thực thi".

luat an ninh mang trung quoc hang quoc te phai luu du lieu noi dia
Quy định địa phương hóa việc lưu trữ dữ liệu gây nhiều tranh cãi. Ảnh: TheGuardian

Trong khi đó, Dự thảo Luật An ninh mạng tại Việt Nam, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo từ năm 2017 và có thể được thông qua vào tháng tới, cũng nêu quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam khi có từ 10.000 người Việt Nam sử dụng trở lên hoặc khi có yêu cầu của Chính phủ, đồng thời phải lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.

Uỷ ban Quốc phòng An ninh cho rằng, quy định trên sẽ đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, khi có dữ liệu lưu trữ, việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam sẽ khả thi hơn.

Theo thống kê của Bộ Công an, đến tháng 1/2018, Google đã thuê gần 1.800 máy chủ, Facebook đã thuê 441 máy chủ của các doanh nghiệp Việt Nam để lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.

Trung tướng Bùi Mậu Quân - Phó tổng cục trưởng An ninh (Bộ Công an), cũng cho biết đến nay đã có 18 nước quy định phải lưu trữ dữ liệu trong nước để phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia như Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Canada...

luat an ninh mang trung quoc hang quoc te phai luu du lieu noi dia

46% sự cố an ninh mạng là do nhân viên bất cẩn

Nghiên cứu của Kaspersky Lab và B2B International cho thấy việc thiếu nhận thức về an ninh công nghệ thông tin của nhân viên là ...

luat an ninh mang trung quoc hang quoc te phai luu du lieu noi dia

Chuyên gia an ninh mạng Bkav giải mã cách tấn công, hack tài khoản Agribank

Ngay sau khi xảy ra sự việc hàng loạt tài khoản Agribank mất tiền, trên Cộng đồng an ninh mạng Việt Nam (WhiteHat) thuộc Tập ...

https://sohoa.vnexpress.net/tin-tuc/doi-song-so/luat-an-ninh-mang-trung-quoc-hang-quoc-te-phai-luu-du-lieu-noi-dia-3756586.html

Ngày đăng: 16:28 | 30/05/2018

/ vnexpress.net