Cứ đến mùa bão lũ, người dân hàng chục ngôi làng dọc miền Trung lại phải sơ tán, tránh hiểm họa về nhân mạng. Việc này lý ra phải chấm dứt bằng các cuộc di dời lớn, đến nơi ở mới an toàn hơn. Nhưng, câu chuyện thiếu đất bố trí tái định cư, thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ di dân kéo dài nhiều năm, khiến hàng vạn dân cư ở vùng sạt lở, nguy hiểm ở miền Trung vẫn quẩn quanh chuyện sơ tán mùa bão lũ.
2 lần chạy bão trong 1 tuần
Trở về sau 2 ngày vật vờ tránh trú ở nhà văn hóa thôn, bà Trần Thị Ngoan (55 tuổi, trú xóm núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) thở dài: “Tuần chạy bão 2 lần, vừa về lại nhà thì nghe sắp có bão mới, có khi đổ bệnh vì chạy bão liên tục. Nhưng ở lại thì tôi không dám vì sợ chết không tìm thấy xác như hàng xóm năm ngoái”.
Năm 2018 trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với bà Ngoan. Trận lũ bất ngờ trên núi ập xuống khiến nhà bà cuốn đi một phần, kinh khủng hơn khi tai họa trên khiến hai vợ chồng bị cuốn trôi. Sợ chết không tìm thấy xác, cứ nghe báo mưa bão, bà Ngoan lại đẩy vợ chồng con trai đưa đám cháu nhỏ đi thuê nhà nghỉ ở trong phố lánh bão, còn mình đi xuống nhà văn thôn ở tạm. Kể từ đó, cả xóm tự phát hình thành ngay “họng” núi cả chục năm nay với 170 hộ bắt đầu “sống trong sợ hãi”, cứ thấy mưa lớn là... chạy.
Hơn 20 năm nay, 70 hộ dân xóm nhà Chồ (phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang) đã “nhờn” với chuyện đi ở nhờ mùa bão. Toàn tỉnh Khánh Hòa có 102 điểm có nguy cơ sạt lở; trong đó, hàng nghìn con người ở những xóm núi “cheo neo” sát biển, bao năm vẫn đánh cược với số phận vì không biết chuyển đi đâu. Phần lớn những hộ ở khu vực có nguy cơ sạt lở đều có hoàn cảnh khó khăn, sống bằng nghề đi biển, buôn bán nhỏ, làm thuê... và đa số là khu dân cư tự phát.
Tại Bình Định, cơn bão số 5 vừa qua đánh sập hàng chục mét kè biển ở xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn khiến cho 14 ngôi nhà nằm sát kè bị sập hoàn toàn, 5 nhà bị tốc mái. Cơn bão quét qua cũng khiến cả trăm nhà dân ở huyện Tuy Phước sập đổ hoàn toàn, hơn 200 nhà bị tốc mái.
Với những hộ dân sống dọc bờ biển ở Bình Định, “chạy” bão đã trở nên quen thuộc mỗi khi mùa đông đến. Nửa tháng nay, gia đình bà Nguyễn Thị Thu Trang (36 tuổi, xóm Chánh Đông, thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) phải “chạy ăn từng bữa”. Do ảnh hưởng của cơn bão số 5 và số 6 liên tiếp, vợ chồng bà không thể đi biển “kiếm cơm”. Nhà chỉ cách biển vài chục mét, nên mỗi khi có tin bão sắp đổ bộ, vợ chồng bà lại gác hết mọi việc lại để lo chạy lánh nạn.
Vòng luẩn quẩn di dời
Được biết, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân thôn Trung Lương, năm 2000, UBND xã Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) đã xây dựng khu tái định cư (TĐC) để đưa 118 hộ dân có nhà ở dọc biển Trung Lương đến nơi mới. Mỗi hộ được cấp 1 lô đất ở và hỗ trợ 20 triệu đồng chi phí di dời. Thế nhưng, trong tổng số 118 hộ nằm trong diện di dời, 19 năm qua chỉ khoảng 50 lên hộ dân chuyển vào khu TĐC này. Số hộ còn lại dù đã nhận đất TĐC nhưng vì không có tiền xây nhà nên đành chấp nhận sống trong nguy hiểm.
Gia đình bà Trang nằm trong diện di dời, được UBND xã Cát Tiến cấp 1 lô đất khoảng 160m2 nhưng vì không có tiền xây nhà nên gia đình xây móng xong rồi để đó chờ có tiền thì xây tiếp. “Biết Nhà nước hỗ trợ di dời thì mình phải mừng. Nhưng có 20 triệu thì khó quá. Muốn làm nhà mới bây giờ ngót ngét cũng tốn cả trăm triệu bạc. Gia đình theo nghề biển, bữa có bữa không thì lấy đây ra tiền xây nhà” - bà Trang nói.
Theo ông Trần Đức Bạc - Phó Trưởng phòng Phòng Phát triển nông thôn - Bố trí dân cư, từ 2006 đến 10.2019, có 10 khu tái định cư vùng thiên tai được xây dựng. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là đa số những hộ nằm trong diện di dời làm nghề biển, họ muốn ở những khu vực sát biển để thuận lợi làm ăn. “Ngoài ra, mức hỗ trợ 20 triệu/hộ là quá ít nên nhiều hộ khó khăn không thể làm nhà mới. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ để vận động người dân lên khu tái định cư mới” - ông Bạc nói.
Còn theo lãnh đạo xã Đại Lãnh, trên địa bàn có 16 hộ với gần 50 nhân khẩu sống trong vùng có nguy cơ bị sạt lở, trong đó có 9 hộ đã từng bị sạt lở làm sập nhà, thiệt hại về tài sản. Những hộ gia đình này hầu hết đều đến ở tự phát cách đây khá lâu. Khi tới định cư, địa phương có lập biên bản và đều có hồ sơ về địa chính, yêu cầu phải di chuyển đi nơi khác nhưng xử lý chưa triệt để nên các hộ này vẫn ở lại.
Ông TRẦN CHÂU - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, chính sách của nhà nước quy định những hộ nằm trong diện di dời sẽ được hỗ trợ 20 triệu/hộ. Ngoài ra diện tích đất nơi ở mới sẽ rộng hơn và có điều kiện ở tốt hơn. Tuy nhiên, những hộ dân ở xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn), cũng như ở thôn Trung Lương (xã Cát Tiến) thuộc những hộ nghèo. “Đất thì họ sẵn sàng nhận, còn 20 triệu hỗ trợ thì họ không đủ làm nhà. Vừa rồi tỉnh có họp và có đề xuất sẽ hỗ trợ thêm để người dân có một khoảng kinh phí để họ làm nhà. Chứ dân thì họ muốn đi lắm” - ông Châu nói. N.T
Thảm họa lũ quét, thiên tai dồn dập trong năm 2017 - những bài học đắt giá |
Xuất hiện cuối mùa, bão số 13 diễn biến phức tạp |
Ngày đăng: 17:45 | 17/11/2019
/ laodong.vn